Tìm điểm cân bằng cung - cầu tín dụng cuối năm

16:31' - 25/10/2021
BNEWS Sau một khoảng thời gian dài “đóng băng” để phòng chống dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh đang dần sôi động trở lại.

Nhu cầu bổ sung vốn tín dụng để khôi phục lại hoạt động và chuẩn bị cho các kế hoạch kinh doanh mùa lễ, Tết của doanh nghiệp theo đó cũng tăng cao trong thời gian gần đây.

* Nhu cầu vốn cuối năm tăng cao

Theo Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương hiện đang triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất, bảo đảm đáp ứng đầy đủ hàng hóa phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và chế biến, xuất khẩu trong mọi tình huống, nhất là các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Tại Tp. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp trong ngành chế biến lương thực thực phẩm cũng đang bận rộn lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng Tết. Tuy nhiên, sau một thời gian duy trì sản xuất “3 tại chỗ” trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài, các doanh nghiệp trên địa bàn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nguồn lực của doanh nghiệp đã cạn kiệt, không còn đủ vốn để phục hồi sản xuất nhanh.

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh, hiện các doanh nghiệp trong ngành này đang rất cần nguồn tài chính mới để bổ sung vào kế hoạch thu mua, dự trữ nguyên phụ liệu, thành phẩm chuẩn bị cho mùa sản xuất phục vụ thị trường Noel, Tết, góp phần bình ổn thị trường, an sinh xã hội.

Nguồn vốn dự trữ của các doanh nghiệp trước đó đã phải trưng dụng cho các chi phí phát sinh trong thời gian duy trì sản xuất “3 tại chỗ” như chi phí test nhanh; lưu trú, sinh hoạt cho công nhân... Do đó, nguồn vay mới lúc này rất cấp bách và cần thiết với doanh nghiệp lương thực thực phẩm.

Không chỉ các doanh nghiệp lương thực thực phẩm, các doanh nghiệp ngành cơ khí – điện lại đang khó tiếp cận nguồn vốn vay, do rào cản không có tài sản thế chấp.

Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí – Điện Tp. Hồ Chí Minh, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành có quy mô nhỏ và vừa và không có tài sản thế chấp nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Do đó, các doanh nghiệp đều mong muốn ngân hàng đánh giá “nương tay” hơn để nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay, giúp doanh nghiệp phục hồi tốt hơn trong giai đoạn tới.

“Bản thân các doanh nghiệp ngành cơ khí khi đầu tư thường rất thận trọng, chủ yếu doanh nhân đi lên từ nghề và rất am hiểu ngành. Do vậy, hầu như ở doanh nghiệp cơ khí không có sự phá sản. Tuy nhiên ở ngành này, hiệu quả sản xuất kinh doanh lại không cao nên các ngân hàng khi tiếp cận dự án của doanh nghiệp thường không có mặn mà lắm. Vốn vay theo đó rót vào ngành cũng rất hạn chế”, ông Đỗ Phước Tống chia sẻ.

Cũng liên quan đến dòng tiền của doanh nghiệp, các doanh nghiệp cao su – nhựa trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh lại đang phải đối mặt với một vấn đề khó khăn khác trong giai đoạn phục hồi sau giãn cách kéo dài.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa Tp.Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2021, ngành cao su - nhựa phải đối mặt với chu kỳ tăng giá của nguyên vật liệu, khi hầu hết đã tăng giá tới khoảng 20%. Gần đây, do sự hồi phục của nền kinh tế thế giới, tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên vật liệu lại trở nên nghiêm trọng hơn.

Dự kiến, những đơn hàng nguyên vật liệu mua từ nước ngoài sẽ tiếp tục tăng giá trong những tháng cuối năm. Chưa kể, chi phí phòng chống dịch, logistics… cũng đang là gánh nặng, làm khó khăn hơn cho doanh nghiệp cao su – nhựa trong việc cân đối tài chính.

Trong khi đó, “đầu ra” của các doanh nghiệp ngành cao su – nhựa, nhất là các doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ nội địa vẫn còn bị ách tắc do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hầu hết sản phẩm đều không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất chậm, dòng tiền của doanh nghiệp vẫn bị gián đoạn. Dự kiến, tình hình này còn kéo dài đến hết năm 2021.

“Hiện hầu hết các doanh nghiệp ngành cao su - nhựa đang thiếu hụt dòng tiền để chi trả các khoản lãi vay ngân hàng. Do vậy, chúng tôi mong muốn các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ, giãn nợ hoặc khoanh nợ cho các doanh nghiệp trong ngành, nhất là các doanh nghiệp tiêu thụ nội địa đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19”, ông Nguyễn Quốc Anh đề xuất.

*Gỡ vướng cho doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, trong 9 tháng năm 2021, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 6,41%.

Trong khi đó, định hướng tín dụng trong năm 2021 là tăng trưởng 12% và nếu cần còn có thể nới room tín dụng. Do đó, dư địa tín dụng trên địa bàn thành phố trong 3 tháng cuối năm là rất lớn.

Với dư nợ tín dụng khoảng 2,7 triệu tỷ đồng, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh khẳng định, ngành ngân hàng thành phố không thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Với những khó khăn, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trong 3 tháng cuối năm 2021, ngành ngân hàng thành phố tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, hiệp hội để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển phục hồi nhanh hơn trong thời gian tới.

Cụ thể, ngành ngân hàng thành phố tập trung triển khai hiệu quả Thông tư 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Nếu các tổ chức tín dụng triển khai làm tốt Thông tư này, hầu hết các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ được cơ cấu lại nợ mà không chuyển nhóm nợ, miễn giảm lãi, phí và cho vay mới. Ước tính, dư nợ hỗ trợ có thể lên tới 1 triệu tỷ đồng với 400.000 lượt doanh nghiệp trên địa bàn sẽ được hỗ trợ.

“Chúng tôi yêu cầu bắt buộc các ngân hàng thương mại làm thật tốt và hiệu quả chính sách này. Đồng thời, sẽ giám sát và có chế tài đối với các ngân hàng không thực hiện tốt, như hạn chế tốc độ tăng trưởng tín dụng, không được mở rộng mạng lưới…”, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức giám sát chặt chẽ việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại, khi các ngân hàng đã đồng thuận giảm bình quân 1 điểm % trên dư nợ hiện hữu tính từ đầu tháng 7/2021 đến nay. Đây là chính sách hỗ trợ rất thiết thực cho doanh nghiệp, vì giúp doanh nghiệp giảm được chi phí tài chính, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Một giải pháp quan trọng được ngành ngân hàng thành phố đặt trọng tâm trong khoảng thời gian này, đó là tiếp tuc thực hiện triển khai chương trình kết nối doanh nghiệp – ngân hàng, để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với vốn tín dụng của ngân hàng một cách thuận lợi và với ưu đãi nhất.

Đáng chú ý, thông qua chương trình này, trong quý IV/2021, nhiều ngân hàng thương mại đã cam kết cho các doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh vay với lãi suất ưu đãi với số vốn lên tới 70.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, đối với yêu cầu tài sản thế chấp trong tiếp cận vốn ngân hàng được nhiều doanh nghiệp phản ánh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho biết, hiện ngành ngân hàng thành phố cũng đã có phương án giải quyết cho các trường hợp này.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, trong điều kiện Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn chưa nới lỏng điều kiện vay vốn, song ngành ngân hàng thành phố cũng đã trao đổi, thống nhất phương án xử lý đối với các phương án sản xuất kinh doanh không có tài sản thế chấp.

Thay vì cần tài sản thế chấp (thường là bất động sản), người dân, doanh nghiệp có thể thế chấp dòng tiền bán hàng, cho ngân hàng quản lý nguồn thu… để làm cơ sở thu hồi nợ, tạo điều kiện cho ngân hàng thẩm định, giải ngân vốn tín dụng cho các phương án sản xuất kinh doanh.

Như vậy, chỉ cần người dân, doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch dòng tiền… thì khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng sẽ cao hơn. Đây được xem là giải pháp khá hiệu quả vừa đảm bảo cung ứng vốn cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo tính pháp lý cho các hợp đồng cấp tín dụng của ngân hàng trong bối cảnh ngành này cũng đang đối mặt với rủi ro nợ xấu tăng cao./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục