Tìm giải pháp sử dụng có hiệu quả 3,3 triệu ha rừng do UBND xã quản lý

15:48' - 20/03/2023
BNEWS Không chỉ là bảo vệ, rừng cần tạo được nhiều thu nhập cho người dân, cộng đồng; đem lại hiệu quả cao về kinh tế xã hội và môi trường.

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự tại Tọa đàm “Giải pháp quản lý và sử dụng 3,3 triệu ha rừng chưa giao do UBND xã quản lý” do Hội Chủ rừng Việt Nam (VIFORA) phối hợp với Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) tổ chức ngày 20/3, tại Hà Nội.

Theo thống kê Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2021, hiện còn 3.337.770 ha rừng nghèo, rừng nghèo kiệt, đất chưa có rừng chưa giao (không có chủ) hiện tạm để UBND xã quản lý. Rừng do UBND xã tạm quản lý, tỷ lệ diện tích không có rừng cao, chất lượng rừng thấp, hạ tầng rất kém hoặc không có hồ sơ rừng. Nguyên nhân là do UBND cấp xã không đủ nguồn lực về con người, tài chính, kỹ thuật để quản lý rừng và đất rừng.

Nhìn chung công tác quản lý nhà nước như: thống kê, xác định ranh giới, căm mốc, kiểm kê, kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện tốt. Hầu hết các địa phương chưa có phương án hoặc không có kế hoạch sử dụng đối tượng rừng và đất rừng này.

 

Trong khi đó, đây là một dư địa có tiềm năng lớn cho phát triển lâm nghiệp nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc nói chung.

Theo bà Tô Kim Liên, Giám đốc CED, thực tế cho thấy nếu chỉ giao đất rừng, đặc biệt là rừng nghèo kiệt – không kèm theo quyền lợi và lợi ích về kinh tế cho người dân thì chắc chắn rừng sẽ không được bảo vệ và phát triển. Cần đảm bảo các diện tích đất rừng được giao phải có tiềm năng sử dụng thật sự, phải tạo ra sinh kế, có thu nhập đảm bảo cuộc sống của người dân.

Ông Hứa Đức Nhị, Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam cho rằng, hiện chưa có một quy định rõ ràng và cụ thể về một loại đất rừng do xã quản lý; nhiệm vụ, trách nhiệm của UBND cấp xã chưa thật rõ ràng.

Với số diện tích UBND các xã tạm thời quản lý thì UBND xã có thêm trách nhiệm của chủ rừng và có thêm trách nhiệm trực tiếp quản lý toàn diện loại đất và rừng này. UBND cấp xã trở thành người có trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật về các vấn đề quản lý, bảo vệ cũng như trong phát triển và sử dụng diện tích rừng và đất rừng này.

Theo ông Hứa Đức Nhị, hiện nhiều UBND xã đã tổ chức bảo vệ rừng khá tốt. Nhiều UBND xã cũng đã tạm giao rừng về các cộng đồng thôn bản bảo vệ hay giao khoán cho các tổ chức đoàn thể ở xã bảo vệ. Tuy nhiên, bảo vệ được rừng chưa phải là tất cả câu chuyện quản lý rừng, mà hơn thế rừng phải được quản lý, bảo vệ và phát triển lâu dài, bền vững, hiệu quả. Rừng cần tạo được nhiều thu nhập cho người dân, cho cộng đồng, có hiệu quả cao về kinh tế xã hội và môi trường.

Ông Hứa Đức Nhị nhấn mạnh, rừng phải có chủ là giải pháp mang tính căn cơ trong quản lý rừng. Rừng cần tiếp tục được giao cho các hộ gia đình, cá nhân và các cộng đồng dân cư hay xác lập đầy đủ hồ sơ về đất rừng cho các chủ thể hiện đang trực tiếp quản lý, sử dụng, không tranh chấp và cộng đồng xác nhận.

Tỉnh Quảng Nam hiện có trên 769.200 ha rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp; trong đó, có trên 277.300 ha rừng và đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý.

Từ thực tế địa phương, ông Lê Thanh Dương, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cũng cho rằng, rừng và đất lâm nghiệp phải thực sự có chủ. Từ đánh giá về giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn và những điểm yếu, thách thức đối với diện tích do UBND xã quản lý cần giao rừng và đất lâm nghiệp cho các ban quản lý rừng đối với diện tích liền vùng với lâm phận Ban quản lý rừng. Giao rừng và đất lâm nghiệp cho cộng đồng dân cư thôn quản lý đối với diện tích rừng tín ngưỡng. Với diện tích trong khu vực cộng đồng sinh sống, cộng đồng dân cư có thể hợp tác, liên kết với ban quản lý rừng để tổ chức bảo vệ rừng theo Luật Lâm nghiệp.

Để quản lý và sử dụng một cách hiệu quả trên 3,3 triệu ha rừng trên, ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hội Chủ rừng Việt Nam khuyến nghị nên thành lập Tổ hợp tác cộng đồng quản lý rừng; hoặc sửa đổi, bổ sung một số quy định giao đất rừng và giao rừng cho cộng đồng dân cư; một số quy định về sử dụng rừng đặc dụng và hợp tác quản lý rừng. Một giải pháp nữa là xây dựng, thực hiện chương trình quản lý, sử dụng có hiệu quả trên 3 triệu ha đất rừng và rừng đang được UBND cấp xã quản lý, gọi tắt là Chương trình 3 triệu ha rừng.

Ông Hứa Đức Nhị đề xuất, trước mắt cần tiếp tục khảo sát, tổng kết thực tiễn vấn đề, tổ chức thí điểm một số mô hình tại một số xã trên các vùng trong cả nước... sau đó là đề xuất với Nhà nước hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục