Tìm lời giải cho bài toán nhân lực chất lượng cao ĐBSCL

09:41' - 04/01/2022
BNEWS Hiện nay việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao tại ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn, cần được tháo gỡ bằng nhiều giải pháp và chiến lược thu hút nhân tài bài bản, xứng tầm.

13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao - một trong những yếu tố cốt lõi để đồng bằng phát triển bền vững đang gặp nhiều khó khăn, cần được tháo gỡ bằng nhiều giải pháp và chiến lược thu hút nhân tài bài bản, xứng tầm.

Vấn đề cấp thiết

 

Đề cập về những thách thức của địa phương hiện nay, lãnh đạo một tỉnh ở Đồng băng sông Cửu Long từng nhận định: Giữ đất, không để sạt lở, mất đất ven sông, biển, giữ nguồn nước trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu và đặc biệt là giữ người, thu hút nguồn nhân lực chất lượng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là những vấn đề cấp thiết hiện nay ở địa phương.

Với quan điểm, đồng bằng châu thổ có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước mà trực tiếp là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn - giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ nêu thực trạng: Đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 17,3 triệu dân, là nơi có tỷ lệ nhập cư thấp nhất nhưng xuất cư lại cao nhất nước.

Giai đoạn 2009-2019, tăng dân số toàn vùng là 0%, trong khi đó tỷ lệ này của cả nước là 1,14%. Sự biến động về dân cư đã và đang dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng ở nhiều địa phương trong vùng.

Dẫn chứng thực tế, Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn chia sẻ, có thời điểm, khi làm mô hình thực nghiệm phục vụ nghiên cứu đề tài, bản thân ông và đồng nghiệp ở đơn vị rất vất vả tìm lao động thời vụ phù hợp tham gia mô hình sản xuất dù mức thù lao được đưa ra lên tới 350.000 - 400.000 đồng/người/ngày.

Khó tuyển lao động, thiếu nhân lực nhưng nghịch lý tồn tại ở nhiều địa phương thuộc khu vực đồng bằng là nhiều lao động lại không tìm được việc làm phù hợp hoặc có thù lao như mong muốn.

"Thời điểm đầu tháng 10/2021 (sau khi việc giãn cách để phòng, chống dịch COVID-19 được nới lỏng) đã có khoảng 1,3 triệu lao động trở về Đồng bằng Cửu Long từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh, khoảng 60% trong số đó có nguyện vọng tìm việc ngay tại quê nhà, song thực tế để tìm được việc làm với họ cũng không hề dễ dàng" - Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn thông tin thêm.

Còn theo Phó Giáo sư Đàm Sao Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, đang xảy ra hiện tượng "nước chảy chỗ trũng" đối với nguồn nhân lực. Nhiều sinh viên sau khi học xong không muốn trở về quê ở các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long vì cho rằng ở lại thành phố vẫn có nhiều cơ hội, thu nhập tốt hơn.

Trong khi đó, nguồn nhân lực tại chỗ ở một số tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là nguồn lao động trẻ, rất năng động vươn lên, có ý chí khởi nghiệp nhưng nhiều người lại chưa được đào tạo bài bản, chưa đầy đủ kiến thức mang tính nền tảng nên gặp nhiều khó khăn khi tiếp thu, cập nhật những tiến bộ khoa học kỹ thuật hoặc đưa sản phẩm từ các mô hình  khởi nghiệp ra thị trường.

Phó Giáo sư Đàm Sao Mai cho rằng, vấn đề này đang đặt ra yêu cầu cấp thiết là có chiến lược đào tạo cho toàn vùng đồng bằng để vừa thu hút nhân lực trình độ cao trở về quê hương, vừa tăng cường đào tạo đối với những nhân lực trẻ đang ở tại địa phương trong quá trình khởi nghiệp, giúp họ thuận lợi trong phát triển kinh tế ngay tại quê hương.

Chiến lược phù hợp

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia cho rằng cần có chiến lược trong tổ chức đào tạo, chú trọng nhân lực những ngành kinh tế thế mạnh của đồng bằng, đồng thời có nhiều chính sách thu hút nhân tài để họ gắn bó lâu dài với đồng bằng châu thổ.

Theo Phó Giáo sư Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và  Nhi đồng của Quốc hội: Cần có chiến lược, quy hoạch và quản trị vùng. Chính sách nguồn nhân lực phải là chiến lược cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long chứ không riêng một tỉnh, thành thuộc vùng.

Đào tạo cần gắn với yêu cầu phát triển của địa phương, đặc biệt chú trọng đào tạo, thu hút các chuyên gia đang sinh sống lâu dài tại địa phương, hiểu rõ, bám sát thực tiễn của đồng bằng.

Đồng tình với quan điểm này, bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Talentnet (một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhân sự) đề xuất: Kết nối nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo thuận lợi cho phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long cần được định vị, kết nối giữa các tỉnh, thành trong khu vực, xác định những ngành đào tạo trọng yếu, thực hiện cùng lúc ba chiến lược, gồm: Tuyển dụng - thu hút nhân tài, phát triển nguồn lực tại vùng và "mượn" chất xám từ các chuyên gia trong nước, quốc tế về làm việc tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo bà Tiêu Yến Trinh, các địa phương, cơ sở đào tạo cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp. Trước khi đào tạo, các cơ sở cần xác định chính xác nhu cầu của thị trường lao động hoặc để doanh nghiệp "đặt hàng"; đồng thời, cần tăng cường thực hiện mô hình "trong doanh nghiệp có trường học, trong trường học có doanh nghiệp" để sinh viên được thực hành một cách sớm nhất.

Đối với thu hút nguồn nhân lực, tăng cường khơi dậy niềm tự hào về quê hương, xứ sở và có thêm nhiều chính sách ưu đãi, tạo động lực để các chuyên gia, nhân lực chất lượng cao sẵn sàng về làm việc tại các địa phương trong khu vực.

Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cũng là giải pháp để phát triển, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Liên quan đến trao cơ hội, tạo việc làm để thu hút nguồn nhân lực, Thạc sĩ Huỳnh Phước Nghĩa, Phó trưởng Khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing (Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: Trong nhiều năm làm công tác tư vấn tuyển sinh, về các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, rất nhiều phụ huynh đã đặt câu hỏi, cơ hội việc làm sau này cho con em họ ở đâu?

Vì vậy, xác định đúng yêu cầu nguồn nhân lực, những lĩnh vực mà các địa phương đang cần để mở ngành và tổ chức đào tạo là rất cần thiết.

Cũng theo Thạc sĩ Huỳnh Phước Nghĩa, hiện nay, phân hiệu Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tại tỉnh Vĩnh Long - một địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, đang tập trung đào tạo nhân lực những nhóm ngành mà các tỉnh, thành khu vực này có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực, như: Kinh tế nông nghiệp, kinh doanh quốc tế, thương mại mại điện tử, Logistics và chuỗi cung ứng, luật kinh tế...

Trường cũng triển khai chương trình đào tạo "Tài năng Mekong - đi để trở về" với mong muốn qua môi trường học tập, trải nghiệm ở ngay tại Đồng bằng sông Cửu Long và quốc tế, nguồn nhân lực này sẽ có những đóng góp cho sự phát triển của vùng.

Cùng quan tâm về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Đồng bằng sông Cửu Long, đề cập nhân lực lĩnh vực nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ Trần Thái Nghiêm đề xuất: Hiện nay, sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long đang gắn với ba "biến" là biến đổi khí hậu, biến đổi thị trường và biến đổi của xu thế tiêu dùng.

Do đó chiến lược, nội dung đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực nông nghiệp cho vùng rất cần được chú trọng trang bị các kiến thức, kỹ năng phù hợp với các yếu tố biến đổi này, từ đó đóng góp hiệu quả vào sự phát triển bền vững của đồng bằng ở phía Nam đất nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục