Tìm vị trí trong mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu

21:37' - 17/10/2024
BNEWS Bên cạnh Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á đang nổi lên như những điểm đến thay thế quan trọng của xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong một thể giới phân mảnh, các quốc gia không liên kết đang đóng vai trò như những quốc gia kết nối giữa các khối, hưởng lợi trực tiếp từ sự chuyển hướng thương mại và đầu tư. Bên cạnh Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á đang nổi lên như những điểm đến thay thế quan trọng của xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bằng cách tập trung vào cải thiện hạ tầng, cải cách pháp lý, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và định hướng phát triển bền vững, Việt Nam có thể củng cố vị thế của mình như một nhân tố quan trọng trong mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút nhiều đầu tư hơn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lâu dài.

 

Căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại và chi phí gia tăng ở Trung Quốc đã và đang khiến nhiều công ty chuyển hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng sang nơi khác. Trong những “nơi khác” đó,  Đông Nam Á đang nổi lên như một trung tâm khu vực cho chuỗi cung ứng toàn cầu, cung cấp các vị trí chiến lược cho sản xuất, phân phối và logistics. Xu hướng này được hỗ trợ bởi môi trường kinh doanh thuận lợi của khu vực và thị trường tiêu dùng đang phát triển.

Theo một bài viết trên “The Business Times” (Singapore), việc chuyển sang mô hình gia công cục bộ hơn đã diễn ra trong một thời gian, đặc biệt là ở các nền kinh tế thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), những nước có tiếp xúc thương mại với Trung Quốc đã tăng đều đặn từ 10% năm 2012 lên 16% năm 2022. Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các nền kinh tế ASEAN tiếp tục lấy được đà nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy mạnh vào khu vực. Trong thập kỷ 2011-2021, xuất khẩu của 6 nước lớn trong ASEAN tăng 41%, cao hơn nhiều so với tăng trưởng xuất khẩu toàn cầu là 22%.

Bên cạnh đó, sự ra đời của các hiệp định thương mại, điển hình như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bao gồm các nước ASEAN và các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương quan trọng khác, cũng giúp tăng cường dòng chảy thương mại và kết nối chuỗi cung ứng trên toàn khu vực bằng cách hài hòa hóa các nước ASEAN.

Ngoài ra, chi phí lao động tương đối rẻ ở ASEAN vẫn là một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sang khu vực, mặc dù ngày càng có nhiều sự nhấn mạnh vào việc cải thiện tiêu chuẩn lao động và điều kiện làm việc.

Tác động tới Việt Nam

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Thái Lan, ông Lê Hữu Phúc, Tham tán Thương mại tại Thái Lan, cho rằng sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng vào Việt Nam gắn liền với FDI đã có tác động chuyển đổi đối với đất nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, phát triển kỹ năng, đồng thời cải thiện cơ sở hạ tầng và tạo cơ hội việc làm.

Đối với Việt Nam, đây là một bước tiến quan trọng để tham gia sâu hơn trong mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu, với những lợi ích rộng lớn trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và công nghệ.

Có thể thấy trong quá khứ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng kết hợp với đầu tư nước ngoài đã có tác động tích cực tới việc phát triển kinh tế của Việt Nam. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, nghèo nàn GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2023 đã tăng nhanh đạt mức 4.300 USD, tăng 58 lần so với những năm đầu đổi mới.

Với xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng hiện nay, chúng ta có cơ hội thúc đẩy hơn nữa quá trình công nghiệp hóa và gia tăng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài cho những ngành mới như công nghiệp bán dẫn, công nghiệp phần mềm. Quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng cũng sẽ đem lại cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam liên kết với các công ty đa quốc gia, tham gia sâu hơn vào mạng lưới cung ứng.

Một điểm tích cực nữa là sự hiện diện của các công ty đa quốc gia và chuỗi cung ứng của họ sẽ tạo cơ hội cho các hoạt động chuyển giao các kỹ năng và kiến thức cho lực lượng lao động nội địa, cải thiện năng suất lao động.

Dịch chuyển chuỗi cung ứng cũng thúc đẩy việc hoàn thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng. như hệ thống đường bộ, cảng, sân bay, và cơ sở logistics tốt hơn, hạ tầng năng lượng, viễn thông.. mang lại lợi ích cho nền kinh tế rộng lớn hơn.

Các công nghệ tiên tiến được giới thiệu đến Việt Nam, bao gồm cả công nghệ sản xuất, công nghệ quản lý và mô hình kinh doanh mới thúc đẩy đổi mới và nâng cao hiệu quả trong các ngành công nghiệp khác nhau.

Thêm nữa, việc mở rộng chuỗi cung ứng sản xuất sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, góp phần cân bằng cán cân thương mại.

Tuy vậy, ông Lê Hữu Phúc nhìn nhận sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng vào Việt Nam cũng tạo ra một số thách thức. Chẳng hạn, hoạt động công nghiệp gia tăng có thể dẫn đến mức độ ô nhiễm không khí, nước và đất cao hơn, ảnh hưởng đến hệ sinh thái địa phương và sức khỏe cộng đồng.

Các hoạt động kinh tế có thể làm căng thẳng tài nguyên thiên nhiên, dẫn đến các vấn đề như phá rừng và khan hiếm nước. Bên cạnh đó, lợi ích của tăng trưởng kinh tế đôi khi chưa được phân phối hợp lý, có khả năng mở rộng bất bình đẳng thu nhập giữa các khu vực và các nhóm kinh tế xã hội khác nhau.

Ngoài ra, công nghiệp hóa và di cư nhanh chóng đến các khu vực đô thị có thể gây áp lực lên cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng, dẫn đến các thành phố quá đông đúc, gây quá tải các hệ thông cơ sở hạ tầng như giáo dục, bệnh viện. Tăng trưởng công nghiệp nhanh chóng có thể làm căng thẳng cơ sở hạ tầng hiện có, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng… Để giải quyết những thách thức này đòi hỏi phải lập kế hoạch cẩn thận, quy định hiệu quả và cách tiếp cận cân bằng để tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu hạn chế tiềm ẩn.

Tận dụng hết lợi thế của sự chuyển dịch chuỗi cung ứng

Theo ông Lê Hữu Phúc, để tận dụng hiệu quả lợi thế do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng mang lại, Việt Nam nên tập trung vào 4 ưu tiên.

Thứ nhất là cải thiện môi trường kinh doanh thu hút FDI: Tạo điều kiện đầu tư thuận lợi bằng các ưu đãi như thuế, đơn giản hóa quy trình đầu tư để thu hút FDI vào các lĩnh vực chuỗi cung ứng và logistics.

Thứ hai là hoàn thiện cơ sở hạ tầng: đảm bảo an ninh năng lượng, nâng cấp hệ thống đường bộ, cảng biển và đường sắt để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển hàng hóa.

Thứ ba là hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) để họ có thể tham gia, tích hợp vào mạng lưới chuỗi cung ứng, bao gồm tiếp cận tài chính, công nghệ và thông tin thị trường. Bên cạnh đó cần chú trọng hoàn thiện chính sách hỗ trợ quá trình chuyển giao công nghệ như cung cấp dịch vụ công trong việc định giá công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng, các tổ chức tín dụng tài trợ vốn vay cho doanh nghiệp mua bán, thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ.

Thứ tư là khuyến khích chuỗi cung ứng xanh, theo đó hỗ trợ các sáng kiến và chính sách thúc đẩy sự bền vững môi trường trong chuỗi cung ứng, bao gồm giảm chất thải, tiêu thụ năng lượng và khí thải carbon. Bằng việc thực hiện tốt các biện pháp này, Việt Nam có thể củng cố vị thế của mình như một nhân tố quan trọng trong mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút nhiều đầu tư hơn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lâu dài.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục