Tín dụng đen - Bài 1: Thủ đoạn cũ, nhiều người sập bẫy

20:14' - 26/01/2021
BNEWS Vay tiền nhanh, không cần thế chấp, thủ tục thuận tiện, dễ dàng… vẫn là những chiêu trò cũ của các đối tượng tín dụng đen nhằm lôi kéo người lao động tham gia.
Chỉ còn chưa đầy 20 ngày nữa sẽ tới Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân bắt đầu có xu hướng tăng cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của COVID-19, hàng nghìn lao động bị mất việc hoặc giảm giờ làm khiến thu nhập giảm sút đáng kể. Lợi dụng tình hình này, các hình thức cho vay qua app, mạng xã hội, phát tờ rơi… lại đẩy mạnh hoạt động. Dù cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo và triệt phá nhiều vụ việc phức tạp, song nhiều lao động vẫn rơi vào vòng xoáy trả nợ không hồi kết, bị đe dọa, khủng bố tinh thần của các nhóm hoạt động tín dụng đen.

Bài 1: Thủ đoạn cũ, nhiều người sập bẫy

Vay tiền nhanh, không cần thế chấp, thủ tục thuận tiện, dễ dàng… vẫn là những chiêu trò cũ của các đối tượng tín dụng đen nhằm lôi kéo người lao động tham gia. Và dĩ nhiên, chỉ cần cú “click” hợp đồng giao kèo, người vay sẽ căng thẳng quay cuồng với một mớ lùng nhùng thôi thúc hàng ngày phải trả gốc, trả lãi không dễ thoát.

* Vay càng nhanh, lãi càng cao

Trong những ngày gần đây, trên một số điểm giao nhau gần khu công nghiệp Tân Bình, Linh Xuân… liên tục xuất hiện một số đối tượng phát tờ rơi cho vay. Các tờ rơi, biển quảng cáo cho vay cũng xuất hiện “nhan nhản” trên bờ tường, trụ điện… ở các con hẻm nhỏ ở khu vực có đông công nhân lao động sinh sống.

Nội dung của tờ rơi rất đơn giản, chỉ là những dòng chữ như: cho vay trả góp không cần thế chấp, giải ngân trong ngày; cho vay trả góp chỉ cần chứng minh nhân dân photo và hộ khẩu; cho vay trả góp hàng ngày... kèm theo số điện  thoại liên hệ. Thậm chí, để có thêm “con nợ”, các đối tượng còn sử dụng chiêu lôi kéo với nội dung “giới thiệu người vay sẽ được hoa hồng”.

Và chỉ cần bốc máy gọi điện, người dân ngay lập tức có thể vay được một số tiền không nhỏ, có thể lên tới 20-30 triệu đồng mà không cần thế chấp tài sản. Những chiêu trò rất đơn giản, dễ nhận thấy và liên tục được cơ quan chức năng cảnh báo, thế nhưng vẫn có vô số người dân sập bẫy. Không chỉ chịu tiền lãi cao ngất ngưởng, cái giá phải trả còn lớn hơn rất nhiều nếu chẳng may họ đóng tiền trễ hạn.

Đến bây giờ sau vài tháng đổi việc và chuyển chỗ trọ, anh N.V.Bình, công nhân Khu công nghiệp Tân Bình vẫn chưa quên cảm giác mình và gia đình bị “hăm dọa” khi trễ hạn đóng tiền vay trả góp.

Anh Bình đã vay trả góp 30 triệu đồng để mua xe máy từ những tờ quảng cáo gần chỗ làm với lãi suất 6%/tháng, trễ 1 ngày phạt 500.000 đồng. Tuy nhiên, sau vài tháng kẹt tiền, trễ hạn số tiền nợ của anh Bình đã được cộng dồn lên đến 100 triệu đồng.

Không có tiền trả, nhiều lần anh nhận được tin nhắn hăm dọa, cho giang hồ “xử”. Quá lo sợ, anh Bình đã phải bán xe và vay mượn của bạn bè, người thân để trả nợ. Dù đã hết nợ gốc cùng một phần lãi ban đầu, nhưng vì an toàn, anh Bình đành phải bỏ dỡ công việc đang làm và chuyển đổi nơi ở trọ.

Tương tự, chị L.T.K.T bảo mẫu một trường tiểu học ở huyện Bình Chánh, do nhu cầu cá nhân nên đã liên hệ đến một công ty tài chính vay số tiền 20 triệu đồng trong 3 năm, với lãi suất 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương 75%/năm. Tuy nhiên, hồ sơ sau khi ký, nhân viên của công ty này giữ, chị không được giữ lại bản nào.

Trong quá trình hoàn trả, có lần thời gian chị T. đóng tiền chậm hơn so với thỏa thuận trong hợp đồng vay, ngay lập tức nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ với những lời lẽ mang tính chất đe dọa. Bức xúc với những lời hăm dọa, chị trực tiếp đến cơ quan nơi nhận tiền để làm rõ thì được giải thích họ không liên quan đến hồ sơ vay vốn này, không quản lý, không biết hồ sơ vay của chị…

Trường hợp chị T.L ngụ ở Bình Thạnh lại là câu chuyện vướng vào tín dụng đen với mức độ nghiêm trọng hơn. Trong năm 2019, do nhu cầu cần vốn kinh doanh, chị T.L đã mượn một số đối tượng với lãi suất 1,5 – 1,75%/ngày.

Thế nhưng, sau một thời gian công việc có trục trặc, chị T.L có xin thời gian xử lí, ngưng đóng tiền lời thì các đối tượng này đã lập tức đến nhà gây sức ép, ép chị ghi giấy mượn nợ với những số tiền rất lớn.

Thậm chí, chị T.L còn bị các đối tượng cho vay nặng lãi làm hợp đồng giả cách mua bán nhà, chuyển khoản chỉ 600 triệu đồng nhưng trong hợp đồng mua bán nhà photo thì lại ghi nợ tới 3 tỷ đồng.

Các đối tượng này còn quay phim, chụp ảnh chị và con gái mới 7 tuổi đưa lên mạng xã hội. Dùng những video khi qua nhà ép hẹn ngày trả tiền, hình ảnh, sao kê ngân hàng, các giấy tờ liên quan để kiện ngược chị T.L về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đến các cơ quan công an.

* Vẫn diễn biến phức tạp

Theo Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an Tp.Hồ Chí Minh, hoạt động cho vay lãi nặng, tín dụng đen trên địa bàn thành phố diễn biến rất phức tạp. Phần lớn các vụ việc cho vay nặng lãi thường liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật khác như: bắt cóc, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, thậm chí giết người…

Chúng hoạt động tại những nơi đông dân cư, gần trường học, khu công nghiệp để nhắm vào đối tượng học sinh sinh viên và công nhân, với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt như quảng cáo trên mạng, phát tờ rơi cho vay tiền không cần gặp mặt… tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự.

Đáng chú ý, gần đây, để đối phó với cơ quan công an, các đối tượng cho vay nặng lãi thường núp bóng dưới các giao dịch dân sự. Chẳng hạn như thỏa thuận cho vay, ghi mục lãi suất hợp đồng thấp hơn lãi suất thực tế; hoặc ghi đúng theo hợp đồng song lại “đẻ” thêm giấy vay tiền viết tay, các giấy này có thể tiêu hủy hoặc thay đổi dễ dàng. Thậm chí, các đối tượng còn sử dụng hợp đồng giả cách yêu cầu bị hại viết giấy mua bán tài sản, sau đó cho người vay tiền thuê lại chính tài sản đó.

“Các nhóm đối tượng chuyên cho vay lãi nặng thường núp bóng dưới các công ty tư vấn cho thuê tài chính, công ty bảo vệ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cửa hàng mua bán điện thoại… được tổ chức chặt chẽ, có sự tham gia của các đối tượng có tiền án, tiền sự, côn đồ, thậm chí một số đối tượng trốn truy nã", Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng nói.

Thực tế tham gia tố tụng nhiều vụ án liên quan, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tp.Hồ Chí Minh cho biết, phần lớn người bị hại trong các vụ án liên quan đến tín dụng đen là người nghèo. Rất nhiều người sống trong tâm trạng lo sợ, âm thầm chịu đựng, nhiều trường hợp mất cả nhà, mất đất, thậm chí có người phải tử tự.

Điều đáng nói, người vay tín dụng đen ban đầu chỉ món tiền nhỏ, khi trình báo lên công an thì giải quyết không rốt ráo, sau đó biến tướng thành hợp đồng giả cách cho vay bằng cách mua bán nhà. Việc xử lý và nhận diện nhóm đối tượng này rất khó, vì chúng thường dùng những chiêu trò lách luật để đưa nạn nhân vào tròng.

“Thủ tục vay tín dụng đen rất đơn giản, nhanh chóng vì chỉ cần giấy photo, trong 10-30 phút là giải ngân, kèm theo hợp đồng rất đơn giản nhưng lãi suất từ 100-365%/năm tuỳ theo số tiền mượn. Nếu không trả kịp thời, người vay và gia đình họ sẽ bị xử theo luật giang hồ, rất khó sống yên ổn”, Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận diện thủ đoạn tín dụng đen.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, trên thị trường gần đây xuất hiện các vụ tín dụng đen mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng, tổ chức thành đường dây chặt chẽ, thậm chí là có sự tham gia của nhóm cán bộ biến chất “bảo kê” cho nhóm này lộng hành. Trong khi đó, mức xử phạt hiện quá thấp, chưa đủ sức răn đe. Đây là những lí do chính khiến hoạt động tín dụng đen vẫn chưa được dẹp bỏ triệt để.

Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng tới đời sống nhiều lao động, hoạt động tín dụng đen đang có dấu hiệu đẩy mạnh hoạt động vào thời điểm cận tết như hiện nay.

Ông Ngô Ngọc Tấn, Giám đốc chi nhánh Tổ chức tài chính vi mô (CEP) Quận 8 cho biết, người lao động thường có thu nhập thấp, phải lo đối diện với cuộc sống hàng ngày nên không có nguồn tích lũy, nên khi có nhu cầu cần gấp là họ tìm đến tín dụng đen mà không phải thông qua tài sản thế chấp, hay kiểm tra nguồn tài chính thu nhập. Ngược lại, các tổ chức tài chính chính thức thường phải qua quy trình thẩm định, đánh giá nhu cầu vay có hợp pháp không và điều kiện, khả năng hoàn trả của công nhân, người lao động.

Bài 2: Lo ngại hoạt động cho vay ngang hàng biến tướng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục