Tín dụng phục hồi, ngân hàng chờ nới room

16:52' - 22/11/2021
BNEWS Dù chính sách tiền tệ hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục được duy trì với lãi suất điều hành ở mức thấp, room tín dụng dự kiến sớm được nới trong thời gian tới.

Sau khi Tp.Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dần khôi phục trở lại; cộng thêm nhiều ngân hàng đồng loạt tung ra các gói cho vay với lãi suất ưu đãi đã giúp tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng bắt đầu phục hồi mạnh trong những tháng cuối năm.

Theo ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), sau thời gian quý 3 bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nghiệp vụ tín dụng của ngân hàng đã phục hồi trở lại ngay từ tháng 10.

Ở thời điểm này, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để phục vụ cho các hoạt động phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, ngân hàng cũng tung ra các gói cho vay với lãi suất ưu đãi để đồng hành cùng khách hàng. Đó cũng là lý do mà nhiều khách hàng quan tâm hơn nguồn vốn tín dụng.

Ông Tuệ cũng cho biết, dù ngành ngân hàng không hạ chuẩn cho vay, tuy nhiên, các ngân hàng vẫn đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp theo nội dung của Thông tư 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Đồng thời, mỗi ngân hàng cũng có cơ chế ưu đãi riêng cho khách hàng. Chẳng hạn, tại Sacombank có gói tín dụng 10.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi chỉ từ 4,5%/năm dành cho khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Chỉ cần khách hàng đủ điều kiện tín dụng theo quy định sẽ được ngân hàng giải ngân bình thường; kể cả khách hàng đang được cơ cấu nợ theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN có nhu cầu sử dụng vốn mới để phục vụ kinh doanh thì ngân hàng vẫn đáp ứng”, ông Phan Đình Tuệ cho biết.
Tại Tp.Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phục trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh cho biết, sau khi thành phố thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, trên địa bàn ghi nhận nhiều hồ sơ đăng ký tín dụng mới phát sinh.

Dù tăng trưởng tín dụng chưa phục hồi như kỳ vọng trong tháng 10/2021, song với các giải pháp hỗ trợ và kích cầu tín dụng đang triển khai, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn trong 2 tháng cuối năm.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra đầu tháng 11/2021, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cho biết, ngân hàng kỳ vọng đạt hạn mức tín dụng 25% cho cả năm, sau 9 tháng tín dụng của MSB đã tăng gần 16%, cao hơn mức 10,6% cuối tháng 6.
Theo vị CEO này, MSB là ngân hàng có quản trị rủi ro tốt, tập trung giải ngân vào các ngành phát triển bền vững , tích cực tham gia các hoạt động và chính sách của Ngân hàng Nhà nước.

Trong kỳ nới hạn mức tín dụng cuối năm, MSB kỳ vọng sẽ được nâng "room" tín dụng, dựa trên cân đối và phân bổ của cơ quan điều hành.

Nhiều ngân hàng khác cũng đang chờ được nới room tín dụng để có dư địa đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp trong dịp cuối năm.

Tổng hợp số liệu từ báo cáo tài chính các ngân hàng thương mại, trong một báo cáo mới đây Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết: Tính đến hết quý III, tăng trưởng tín dụng nhóm ngân hàng niêm yết tăng 7,7% so với cuối năm 2020.

Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (ngoại trừ Agribank) tăng trưởng khá tốt (7,8%) và nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tăng trưởng tích cực hơn (8,8%).
Một số ngân hàng thương mại có mức tăng trưởng cho vay khách hàng tốt trong 9 tháng bao gồm: TCB, TPB, VIB, LPB, MBB và MSB.

Đáng chú ý, tăng trưởng mảng trái phiếu doanh nghiêp đóng góp nhiều vào mức tăng trưởng tín dụng 9 tháng ở nhiều ngân hàng như TCB, VPB, MBB, TPB. Mức tăng trưởng tín dụng 9 tháng tại các ngân hàng thương mại cổ phần đã tiệm cận với hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp mới trong quý III.
Do đó, các chuyên gia của KBSV nâng dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 từ 10% (trong báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô quý IV/2021) lên mức 12%.

Với việc tốc độ triển khai tiêm chủng vaccine tại các thành phố lớn diễn ra nhanh hơn dự kiến, dịch bệnh dần được kiểm soát, các quy định giãn cách xã hội dần được gỡ bỏ và ít có khả năng thắt chặt trở lại, nhu cầu vốn trong nền kinh tế sẽ sớm hồi phục tương ứng với sự phục hồi ở lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng.
“Báo cáo tài chính quý III công bố cho thấy chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại, dù cần thêm một vài quý để đánh giá chính xác, không chịu ảnh hưởng quá mạnh bởi đợt giãn cách xã hội quý III. Đây là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước sớm cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng có chất lượng tài sản và chỉ số an toàn tốt”, báo cáo của KBSV nhận định.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), tính đến ngày 29/10, tăng trưởng tín dụng bất ngờ ghi nhận mức tăng 8,72%, cao hơn mức 6,48% cùng kỳ năm ngoái. Điều này phần lớn nhờ các ngân hàng thương mại đã tung các gói, chương trình ưu đãi nhằm kích cầu tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cuối năm.
Hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều đã chạm đến hạn mức tín dụng của năm. Khi tăng trưởng tín dụng được đánh giá là một yếu tố quan trọng giúp các ngân hàng duy trì mức lợi nhuận cao, MBS kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế hoạt động trở lại. Vào thời điểm cuối năm, nhu cầu tín dụng tăng, dư nợ tín dụng cũng tăng mạnh hơn, tăng trưởng tín dụng theo đó dự báo sẽ đạt trên 12% cho cả năm 2021.
Về lãi suất, các chuyên gia cho rằng, dù mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì thấp trong 2 tháng cuối năm, nhưng khó có dư địa giảm thêm. Nhất là khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng… đang hút dòng tiền nhàn rỗi trên thị trường.
“Dù chính sách tiền tệ hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục được duy trì với lãi suất điều hành ở mức thấp, room tín dụng dự kiến sớm được nới trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng còn rất ít dư địa để mặt bằng lãi suất giảm thêm trong bối cảnh áp lực lạm phát là hiện hữu. Thêm vào đó, rủi ro nợ xấu gia tăng trong một vài quý tới khi các khoản vay dần đáo hạn là yếu tố khiến các ngân hàng thương mại cần duy trì một mức biên lãi ròng cao để có dư địa trích lập dự phòng, kéo theo đó lãi suất cho vay khó có thể giảm thêm”, các chuyên gia của KBSV nhận định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục