Tín dụng tư nhân có thể là nguồn vốn bổ sung cho giới doanh nghiệp châu Á

08:20' - 21/02/2024
BNEWS Các chính sách cho vay thắt chặt hơn của các ngân hàng là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng của tín dụng tư nhân.

Thị trường tín dụng tư nhân tại châu Á có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng và hứa hẹn sẽ có thể góp phần lấp đầy chỗ trống về vốn cho các doanh nghiệp ở khu vực này.

Các chính sách cho vay thắt chặt hơn của các ngân hàng là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng của tín dụng tư nhân. Các quy định quốc tế về vốn ngân hàng đã làm giảm khẩu vị rủi ro của các ngân hàng ở châu Á.

 

Bên cạnh đó, sự tăng mạnh của lãi suất trong các thị trường lớn kể từ đầu năm 2022 đã khiến người đi vay càng khó tiếp cận nguồn vốn thông qua trái phiếu hay các khoản cho vay của ngân hàng. Ngoài ra, thị trường trái phiếu lợi suất cao của châu Á còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đang đặc biệt thiếu vốn. Vì các ngân hàng thường dồn sự chú ý vào các khách hàng doanh nghiệp lớn, nên các SME ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đang phát triển có 2.390 tỷ USD nhu cầu vốn không được đáp ứng hàng năm, theo Ngân hàng Thế giới (WB).

Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết SME chiếm khoảng 96% lượng doanh nghiệp của châu Á, cung cấp 2/3 số việc làm trong khu vực tư nhân ở châu lục này. Chính vì thế, SME là bộ phận rất quan trọng với các nền kinh tế khu vực và cần được hỗ trợ vốn tốt hơn hiện tại.

Các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương là “mảnh đất màu mỡ” đối với các nhà đầu tư tín dụng toàn cầu, khi khu vực này chiếm gần 2/3 tổng mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế toàn cầu, và được dự đoán sẽ tiếp tục vượt Mỹ và châu Âu. Vì thế, công ty vốn đầu tư tư nhân KKR dự đoán lợi nhuận từ tín dụng tư nhân tại châu Á sẽ vượt hai khu vực trên trong 5 năm tới.

Tất cả những đặc điểm trên cho thấy một cơ hội lớn để đưa dòng tiền tiết kiệm tại châu Á quay về phục vụ cho nhu cầu vốn ở khu vực này. Một lượng quá lớn tài sản của châu Á vẫn đang được đầu tư vào các thị trường vốn ở phương Tây, hoặc được quản lý bởi các công ty quản lý tài sản ở rất xa.

Một phần nhờ các quỹ đầu tư quốc gia mà khu vực châu Á-Thái Bình Dương là nơi có tám trong số 20 chủ sở hữu tài sản lớn nhất thế giới, theo nghiên cứu của Willis Towers Watson. Nhưng không một công ty quản lý tài sản thuộc bên thứ ba nào thuộc top 20 của thế giới nằm ở khu vực này.

Vì nhiều công ty ở phương Tây lo ngại về các rủi ro của tín dụng tư nhân, nên đây có thể là cơ hội cho giới đầu tư và các cơ quan quản lý ở châu Á. Nếu loại tài sản này phát triển ở châu Á như ở Mỹ, đây có thể là một "cú huých" đối với các doanh nghiệp vốn là động lực của nền kinh tế khu vực.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục