Tín hiệu sau đàm phán thương mại Mỹ-Trung ở Bắc Kinh

18:01' - 15/02/2019
BNEWS Các thị trường đang theo dõi những dấu hiệu liệu hai siêu cường kinh tế có duy trì việc "tạm đình chỉ" áp các mức thuế cao gây nhiều thiệt hại hay không.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Mỹ đã có những cuộc trao đổi “hữu ích” với Trung Quốc về tranh chấp thương mại giữa hai nước, sau khi vòng đàm phán thương mại cấp cao tại Bắc Kinh kết thúc vào ngày 15/2 mà không có dấu hiệu nào cho thấy đã đạt được những tiến bộ cụ thể.

Đăng tải trên Twitter sau khi đàm phán kết thúc, ông Mnuchin cho biết ông cùng Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã có các cuộc gặp "hữu ích" với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. 

Đàm phán thương mại cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra trong hai ngày 14 và 15/2 tại Bắc Kinh. Cuộc đàm phán đã kết thúc vào trưa 15/2 và hai đoàn đàm phán đã rời đi mà không có tuyên bố nào được đưa ra.

Trước đó, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow ngày 14/2 nhấn mạnh rằng "chưa có quyết định" gia hạn đình chiến thương mại giữa hai nước, mặc dù trước đó Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông để ngỏ khả năng gia hạn đình chiến thương mại để có thêm thời gian đàm phán và khẳng định ông sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình để thảo luận về bất cứ thỏa thuận nào.

Có nguồn tin cho hay phía Mỹ đang xem xét khả năng kéo dài thời hạn chót nâng mức thuế bổ sung đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc thêm 60 ngày. Song song với đó, phía Mỹ cũng chuẩn bị sẵn “tuyệt chiêu” đối phó với Trung Quốc.

Trên thực tế, hai bên đang nỗ lực đạt được thỏa thuận trước thời hạn chót 1/3 mà nguyên thủ hai nước đạt được tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina ngày 1/12/2018, nếu không phía Mỹ sẽ nâng mức thuế bổ sung đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%.

Tuy nhiên, vào ngày 12/2 vừa qua, Tổng thống Mỹ Trump nói với các phóng viên rằng nếu Mỹ-Trung tiệm cận tới việc đạt được một thỏa thuận, tức là hai bên cho rằng có thể đạt được một thỏa thuận thực sự và thỏa thuận đó sẽ được thực hiện thì ông có thể kéo dài thời hạn chót. 

Sau đó, nguồn thạo tin của hãng Bloomberg cho biết thêm người đứng đầu Nhà Trắng đang xem xét cho các nhà đàm phán thêm thời gian và trì hoãn thời gian nâng mức thuế suất đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc thêm 60 ngày.

Báo "Liên hợp buổi sáng" của Singapore có chi nhánh ở Hong Kong, dẫn nhận định của Trần Ba, Giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung (Trung Quốc), cho rằng việc ông Trump có thái độ mềm mỏng cho thấy việc Tổng thống Mỹ tin rằng thỏa thuận có thể chấp nhận được về nguyên tắc, đồng thời thể hiện rằng đàm phán sẽ đạt được kết quả tốt về căn bản, phần còn lại là chi tiết về việc thực hiện thỏa thuận. 

Cuộc đàm phán quan trọng lần này được cho là chìa khóa để ngăn chặn sự leo thang của cuộc chiến thương mại, chủ đề sẽ tiếp tục tập trung vào các vấn đề cải cách mang tính cơ cấu như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Giáo sư Trần Ba cho rằng ông Trump thực sự không giống như phái diều hâu Mỹ muốn chủ trương sử dụng chiến tranh thương mại làm khởi điểm để gây sức ép lên Trung Quốc. Ông muốn đạt được thỏa thuận về cuộc chiến thương mại và tuyên bố đó là chiến thắng. Cam kết của Trung Quốc với Mỹ cho đến nay, bao gồm cả việc mua nhiều hơn các sản phẩm nông nghiệp và khí đá phiến, qua đó thể hiện phần lớn cơ sở tuyên bố thắng lợi của ông Trump đã thành hiện thực.

Tuy nhiên, vấn đề là với hồ sơ thất hứa của Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại, các nhà đàm phán Mỹ cảm thấy rằng bất kỳ thỏa thuận nào đều phải có cơ chế thực hiện. Về khía cạnh này, tờ Thời báo Tự do của Đài Loan dẫn lại nguồn tin của tờ Thời báo New York cho biết phía Mỹ đã lên kế hoạch xây dựng cơ chế tự động đánh thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Theo nguồn tin, nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy phía Mỹ đưa ra cơ chế này là trong quá khứ, Trung Quốc có quá nhiều hồ sơ thất hứa.

Ví dụ: Năm 2001, khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Trung Quốc cam kết mở cửa cho dòng vốn nước ngoài tiến vào thị trường tài chính và thị trường viễn thông nước này, nhưng tới nay, Trung Quốc vẫn chưa thực hiện. Do đó, phía Mỹ cho rằng bất cứ thỏa thuận nào cũng cần một cơ chế thực hiện để phòng ngừa khả năng Trung Quốc “hứa suông”.

Nhận định về cuộc đàm phán thương mại cấp cao Mỹ-Trung lần này, chuyên gia Trần Ba cũng cho rằng một trong những khó khăn mà hai bên phải vượt qua là vấn đề thực thi thỏa thuận. Trong hai vòng đàm phán trước đó, Trung Quốc và Mỹ đã tổ chức các cuộc tham vấn về cơ chế xác minh và thực thi hiệu quả thỏa thuận. Ông đặt vấn đề: "Cam kết của Trung Quốc làm Mỹ hài lòng như thế nào?

Nếu Mỹ cử người giám sát, điều này sẽ làm tổn hại đến chủ quyền quốc gia của Trung Quốc. Nhưng nếu không có sự giám sát của Mỹ, Trung Quốc có thể sử dụng phương pháp nào để khiến Mỹ tin rằng Trung Quốc đang thực hiện cam kết của mình?". Ông cho rằng một phương án thỏa hiệp là dùng đến trọng tài thương mại, điểm tốt ở đây là quá trình này nhanh chóng và phi chính thức./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục