Tin vui mới cho những nhà xuất khẩu nông sản vào EU

06:30' - 03/10/2024
BNEWS Quy định không phá rừng là một điều khoản gây tranh cãi nhất trong Thỏa thuận Xanh của châu Âu vì mức độ nghiêm trọng từ tác động của nó đối với các quốc gia xuất khẩu hàng hóa vào lục địa này

 

Theo báo Jakarta Post số ra ngày 1/10, chiến dịch quốc tế mà Indonesia và nhiều nước đang phát triển phát động trong hai năm qua nhằm phản đối Quy định không phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) về nhập khẩu hàng hóa nông sản có thể sẽ đạt được mục tiêu.

EUDR, dự kiến có hiệu lực vào ngày 30/12 năm nay, có thể sẽ bị hoãn lại do sự phản đối mạnh mẽ không chỉ từ các nước đang phát triển mà còn từ chính các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Về cơ bản, EUDR là một trong những nội dung chính của Thỏa thuận Xanh châu Âu, một tập hợp các sáng kiến chính sách được Ủy ban châu Âu (EC) thông qua vào năm 2021 để đưa khối này đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Sự phản đối mới nhất và mạnh mẽ nhất được 29 hiệp hội thương nhân, nhà sản xuất trang trại, tổ chức xã hội dân sự và thậm chí cả các nhà xuất bản báo chí châu Âu đưa ra vào ngày 25/9. Theo đó, nhóm này yêu cầu hoãn việc thực hiện EUDR và cung cấp đầy đủ các công cụ tuân thủ cần thiết với lượng thời gian đảm bảo để chuẩn bị đầy đủ.

Các tổ chức đưa ra yêu cầu trong Tuyên bố chung được ban hành tại Brussels gồm: Hiệp hội thương nhân hạt có dầu, ngũ cốc, dầu ô liu, dầu và chất béo, và thức ăn chăn nuôi COCERAL; Nông dân và hợp tác xã nông nghiệp Copa-Cogeca; Chủ rừng CEPF; Chủ đất ELO; Hiệp hội lâm nghiệp nhà nước EUSTAFOR; và các nhà xuất bản báo ENPA.

 
Tuyên bố chung khẳng định: “Ngay từ bây giờ, các công ty đã phải đối mặt với những bất ổn khó tháo gỡ khi đàm phán hợp đồng cho năm tới. Hậu quả là có thể sẽ xảy ra tình trạng gián đoạn thị trường nghiêm trọng, gây tổn hại nặng nề cho các nhà sản xuất chính của châu Âu. Điều này sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với các nhà sản xuất và những ngành công nghiệp hạ nguồn của châu Âu, đồng thời đe dọa đến an ninh chuỗi cung ứng, làm giảm khả năng tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và lâm nghiệp quan trọng của EU”.

Trong năm qua, các nhà điều hành và thương nhân trên toàn thế giới đã liên tục lên tiếng lo ngại về tính khả thi thực tế của EUDR. Nhiều hiệp hội thương mại thậm chí còn chỉ trích quy định này là chính sách thương mại phân biệt đối xử, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển.

Ngày 23/9, hãng tin Reuters đã đăng một bài bình luận của chuyên gia Afiq Alias từ London (Anh), trong đó cho biết, EUDR sẽ tạo ra một tương lai thương mại mơ hồ và thậm chí có nguy cơ dẫn đến một “chính sách thiêu rụi”. Bài báo trích dẫn Mỹ, Trung Quốc, Brazil, Australia, cùng một số nước EU như Đức, Italy, Thụy Điển và các nước châu Phi đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ, yêu cầu hoãn việc thực hiện EUDR.

Ảnh hương của EUDR đối với xuất khẩu nông sản của Indonesia

Chắc chắn Indonesia, quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất chính các mặt hàng cao su, gỗ, ca cao và cà phê, sẽ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi EUDR.

EUDR sẽ được áp dụng đối với các mặt hàng nông sản, cụ thể là các sản phẩm gỗ, gia súc, dầu cọ, đậu nành, cà phê, ca cao và cao su thiên nhiên. Trong khi đó, các loại dầu thực vật như dầu hạt cải, dầu hướng dương, dầu hạt lanh, dầu ô liu và các loại dầu khác được sản xuất rộng rãi ở EU, lại được miễn trừ khỏi quy định này.

Reuters nhận định, hiện EU đã phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt một số mặt hàng chủ chốt. Một số công ty đã bắt đầu tích trữ cà phê. Dữ liệu xuất khẩu mới nhất cho thấy xuất khẩu dầu cọ của Indonesia sang châu Âu đã giảm 37% kể từ đầu năm.

Theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), dầu hạt cải, dầu hướng dương, dầu ô liu, dầu hạt lanh và các loại dầu ăn khác đều là hàng hóa nông nghiệp tương tự như dầu thực vật và phải được đối xử bình đẳng mà không phân biệt đối xử. Tuy nhiên, dầu cọ đã bị tách riêng ra khỏi tất cả các loại dầu thực vật thuộc phạm vi EUDR.

EUDR sẽ ngăn chặn hàng hóa có thể truy xuất nguồn gốc từ đất rừng bị phá xâm nhập vào EU. Đáng chú ý EUDR sẽ tạo ra một bộ yêu cầu phức tạp và khó thực thi. Nông dân sẽ phải cung cấp tọa độ vị trí của lô đất của họ để một nhân viên hải quan châu Âu kiểm tra qua hình ảnh vệ tinh. Việc thêm thủ tục hành chính vào một thị trường phần lớn là không chính thức sẽ tốn kém và mất thời gian.

Mối quan tâm lớn nhất của Chính phủ Indonesia và Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (Gapki) là để chứng minh tính hợp pháp và tình trạng không phá rừng của các sản phẩm, những người sản xuất, bao gồm cả những hợp tác xã nhỏ, phải tiến hành thẩm định với việc tạo ra hàng chục bộ thông tin. Trong khi những người nông dân sản xuất nhỏ sở hữu khoảng 40% trong số 16,5 triệu ha đất trồng cọ dầu của đất nước, việc thẩm định sẽ là hết sức khó khăn và tốn thời gian.

Tuy nhiên, trước khả năng hoãn thực thi chính sách xanh EUDR, Indonesia không nên tự mãn với kết quả của việc ngăn chặn nạn phá rừng. Chính phủ, khu vực tư nhân cũng như giới nông dân nên thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn để duy trì và tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững trong phát triển và quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Quyết định hoãn EUDR là hoàn toàn đúng đắn

Việc hoãn thực hiện EUDR có nhiều khả năng nhất cho thấy những thiếu sót của quy trình lập pháp EUDR, đặc biệt là trong việc thu hút các bên bị ảnh hưởng, đặc biệt là người dùng trong nước và các nước sản xuất. Nó cũng cho thấy sự thất bại bởi những hậu quả tiềm ẩn và tác động không mong muốn của quy định đối với các nhà sản xuất và chế biến EU.

Việc hoãn EUDR là không thể tránh khỏi do nhiều yếu tố, nhưng vấn đề quan trọng nhất là sự thiếu chuẩn bị của bộ máy hành chính EU để thực thi luật mà không có hướng dẫn rõ ràng. Hoãn thực thi quy định này sẽ cho phép cả nhà sản xuất và người tiêu dùng thích nghi tốt hơn, tuân thủ các cơ chế và yêu cầu rõ ràng hơn.

EUDR được coi là một trong những quy định gây tranh cãi nhất trong Thỏa thuận Xanh của châu Âu vì mức độ nghiêm trọng từ tác động của nó đối với các quốc gia sản xuất, những quốc gia không được tham gia hoặc tham vấn đúng cách. Sau đó là ảnh hưởng đối với các nhà sản xuất và người dùng EU.

Thỏa thuận Xanh của châu Âu thành công sẽ trở thành một ví dụ mẫu mực có tác động tích cực và hữu hình đến phong trào toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, một mục tiêu cao cả như vậy phải được theo đuổi phù hợp với các cam kết toàn cầu, đặc biệt là Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) và các nguyên tắc về thương mại công bằng và tự do để đảm bảo sự ủng hộ toàn cầu. Từ bài học kinh nghiệm EUDR, quá trình hoạch định chính sách cần được thực hiện theo cách thận trọng và mang tính tham vấn hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục