Tình hình tài chính hộ gia đình Trung Quốc ngày càng căng thẳng

08:00' - 26/12/2021
BNEWS Bloomberg cho hay, tình hình tài chính của các hộ gia đình Trung Quốc trở nên căng thẳng, khi ngày càng nhiều người chuyển sang tín dụng tiêu dùng để bù đắp thu nhập có tốc độ tăng chậm hơn chi tiêu.

Báo cáo nghiên cứu được Diễn đàn Tài chính Trung Quốc 40 (CF40) công bố mới đây nhấn mạnh, gánh nặng trả nợ tăng mạnh đang ảnh hưởng đến năng lực tiêu dùng và mua nhà của mọi người.

Trên cơ sở phân tích báo cáo dòng tiền của khu vực cư dân giai đoạn 2008-2019, báo cáo phát hiện tín dụng tăng mới đã vượt qua dòng tiền chảy vào an sinh xã hội, trở thành dòng vốn lớn thứ hai.

Các chuyên viên xây dựng báo cáo này nhấn mạnh, sau năm 2015, mức tăng của dòng vốn chảy ra khỏi khu vực cư dân tiếp tục lớn hơn dòng vốn vào, chi phí thanh toán nợ gốc và lãi tăng lên mức 7.970 tỷ NDT vào năm 2019.

Nghiên cứu cho thấy, nếu như chi phí thanh toán nợ gốc và lãi vào năm 2008 là chưa đến 1.000 tỷ NDT, thì năm 2019 đã lần đầu tiên vượt qua các khoản vay mới.

Báo cáo nhấn mạnh: Việc đảo nợ sẽ khiến khu vực cư dân chịu áp lực“thu không đủ chi” ngày càng lớn, trong khi sự tăng trưởng của tín dụng mới được thúc đẩy bởi các khoản vay mua nhà và tiêu dùng.

Theo một báo cáo của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vào tháng 9/2021, tính đến cuối năm 2020, dư nợ cho vay tiêu dùng cá nhân bình quân đầu người của Trung Quốc là 35.100 NDT, tăng 11,8% so với cùng kỳ, trong đó không bao gồm 10.700 Nhân dân tệ cho vay mua nhà, tăng 7,9% so với cùng kỳ.

Báo cáo cho rằng, Chính phủ Trung Quốc nên cải thiện mức lợi tức đầu tư của tài sản tài chính khu vực cư dân, cải thiện phân phối thu nhập, đồng thời xem xét thông qua các phương thức giảm lãi suất có định hướng để hạ chi phí thanh toán nợ gốc và lãi suất của khu vực cư dân.

Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh, cho dù xét từ góc độ tỷ lệ nợ/GDP, tỷ lệ nợ/thu nhập hay tỷ lệ nợ/tài sản, chưa có bằng chứng nào cho thấy quy mô nợ của khu vực cư dân Trung Quốc là quá cao.

Tỷ lệ nợ/GDP của khu vực cư dân Trung Quốc là 61,3%, cao hơn mức trung bình 52,8% của các nền kinh tế mới nổi, nhưng thấp hơn mức trung bình 79% của các nền kinh tế phát triển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục