TKV: Ứng dụng công nghệ mới để giảm ô nhiễm môi trường

10:58' - 16/04/2017
BNEWS Cơ giới hoá trong khai thác than đang là giải pháp chiến lược cho “bài toán” nâng cao sản lượng và là mục tiêu xuyên suốt đảm bảo cho sự phát triển bền vững TKV.

Việc không ngừng đầu tư công nghệ tiên tiến vào khai thác sàng tuyển…đã và đang giúp của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) tạo ra những giá trị thực không chỉ cho sản xuất, mà còn bảo đảm những mục tiêu ổn định, dài hơi trong chiến lược phát triển của Tập đoàn.

Phó Tổng Giám đốc điều hành sản xuất TKV khu vực tỉnh Quảng Ninh, Nguyễn Ngọc Cơ cho biết, năm 2010, TKV đã nghiên cứu và đầu tư áp dụng cơ giới hóa đào lò và cơ giới hóa khai thác than tại Công ty Than Mông Dương, Khe Chàm, Vàng Danh….

Đầu tư công nghệ tiên tiến vào khai thác than. Ảnh minh họa: Trọng Đạt/TTXVN.

Đồng thời, đầu tư áp dụng rộng rãi cơ giới hóa trong bốc xúc, vận tải...  Từ năm 2013, TKV đã triển khai nghiên cứu đề tài “Phát triển áp dụng cơ giới hóa đào lò và khai thác than tại các mỏ hầm lò vùng than Quảng Ninh giai đoạn 2013 - 2015, lộ trình đến năm 2020” nhằm đánh giá thực trạng và xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển cơ giới hóa tại TKV.

Năm 2015, TKV đưa vào vận hành các lò chợ cơ giới hóa công suất 600.000 tấn/năm tại các Công ty Than Hà Lầm, Dương Huy, Khe Chàm và lò chợ cơ giới hóa khai thác than vỉa mỏng công suất 180.000 tấn/năm tại Công ty Than Quang Hanh.

Đồng thời, việc cơ giới hóa khai thác than vỉa dốc bằng tổ hợp dàn chống 2ANSH kết hợp máy bào và giàn mềm ZRY tại các công ty Than Mạo Khê, Than Uông Bí, Than Hồng Thái... bước đầu đã cải thiện điều kiện làm việc, đạt được năng suất và đảm bảo an toàn lao động.

 Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Cơ cũng cho hay, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện các công nghệ cơ giới hoá đồng bộ khai thác hầm lò, trong khai thác than lộ thiên, Tập đoàn đã đầu tư thiết bị bốc xúc, vận tải có công suất lớn trong khai thác than lộ thiên để giảm chi phí như ô tô có tải trọng đến 100 tấn, máy khoan đường kính lớn, máy xúc thủy lực gầu ngược dung tích 12m3, hệ thống vận tải liên hợp ô tô - băng tải...

Đối với khâu sàng tuyển và chế biến than, Tập đoàn đang áp dụng công nghệ mới, tự động hoá tối đa các công đoạn để giảm ô nhiễm môi trường, giảm khấu lao động thủ công cho thợ mỏ... Đặc biệt, khâu vận chuyển cũng được băng tải hóa bằng các hệ thống hiện đại, khép kín, đồng bộ từ mỏ ra đến cảng tiêu thụ.

Chẳng hạn, tại Công ty Than Mạo Khê là một trong những công ty khai thác có sản lượng lớn của Tập đoàn, với sản lượng khai thác trong những năm gần đây đạt từ 1,7 - 2 triệu tấn than/năm; trong đó, sản lượng khai thác than hầm lò chiếm tới 80%.

Mặc dù sản lượng khai thác than hầm lò lớn song từ trước đến nay, việc vận chuyển than dưới hầm lò về khu vực sàng tuyển trên mặt bằng vẫn được thực hiện bằng 11 băng tải và 3 hộc cấp liệu. Các tuyến băng tải lắp đặt từ trong hầm lò mức âm 150m, âm 80m, âm 25m lên mặt bằng.

Tại mỗi công đoạn bố trí một công nhân vận hành, tổng số công nhân vận hành trong một ca là 15 người và 45 người vận hành/ngày đêm sản xuất.

Theo ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty Than Mạo Khê, nhược điểm của hệ thống này là cần nhiều nhân lực để vận hành và không đo lường, cảnh báo được các tham số vận hành như dòng điện, điện áp lỗi của các tuyến băng tải.

Để khắc phục những nhược điểm trên, Công ty đã đầu tư thực hiện công trình: “Hệ thống tự động hóa điều khiển tập trung các tuyến băng tải, vận chuyển than dưới hầm lò và trên mặt bằng” nhằm tối ưu hóa số lượng công nhân vận hành, nâng cao hiệu quả sản xuất, giám sát được hoạt động của toàn tuyến băng tải, kịp thời khắc phục sự cố nhanh nhất.

Công trình này được khởi công xây dựng từ tháng 1/2017, với tổng vốn đầu tư trên 14.221 tỷ đồng vừa được đưa vào sử dung. Tất cả các tín hiệu, tham số hoạt động của từng băng tải sẽ được truyền về trung tâm điều khiển.

Công trình này sẽ tối ưu hóa được số lượng công nhân vận hành các tuyến băng tải, từ 45 công nhân vận hành/ngày đêm sản xuất giảm xuống còn 12 công nhân.

Đặc biệt, từ nhà điều khiển trung tâm, người vận hành sẽ giám sát được toàn bộ hoạt động của các tuyến băng tải, loại bỏ kim loại lẫn trong than. Đồng thời xác định được từng vị trí có nguy cơ xảy ra sự cố để phối hợp tổ chức khắc phục nhanh nhất, đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất…

Nhờ việc đưa các công nghệ hiện đại vào khai thác nên năm vừa qua, việc cơ giới hoá khai thác than của TKV đã đạt dấu ấn quan trọng. Sản lượng khai thác bằng công nghệ cơ giới hóa toàn Tập đoàn năm 2016 đạt khoảng 1,42 triệu tấn, chiếm 7% sản lượng khai thác hầm lò.

Mức sản lượng này đã vượt xa các năm trước đây, gần gấp 2 lần mức sản lượng khai thác bằng công nghệ cơ giới hóa năm 2015.

Trong sản xuất cơ khí, thiết bị điện, Tập đoàn cũng đã từng bước hiện đại hoá. Các sản phẩm cơ khí chủ lực được sản xuất tại các nhà máy cơ khí trong Tập đoàn như: lắp ráp ô tô vận tải, sản xuất các loại vì chống thuỷ lực và dàn chống tự hành, chế tạo các loại máy xúc ...

Trong hoạt động bảo vệ môi trường, Tập đoàn cũng đã áp dụng công nghệ xử lý ô nhiễm, ứng dụng các công nghệ hiện đại trong xử lý nước thải từ các mỏ than...

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc TKV Nguyễn Ngọc Cơ, trong thời gian tới theo, với mục tiêu “An toàn - Đổi mới - Phát triển”, TKV sẽ tiếp tục tăng cường đổi mới công nghệ, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất than, “tự động hóa” trong các nhà máy sàng tuyển, chế biến, nhiệt điện....

Đồng thời, TKV cũng tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong khai thác mỏ hầm lò, phấn đấu nâng tỷ lệ khai thác than hầm lò bằng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ lên 15 - 20% tổng sản lượng than khai thác hầm lò vào năm 2020. Bên cạnh đó, cơ giới hóa khâu bốc xúc, vận tải, kiểm soát khí mỏ, tăng cường mức độ đảm bảo an toàn”, góp phần giảm tải sức lao động cho công nhân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục