Toàn bộ mô hình kinh doanh của Đức đang bị đặt dấu hỏi

05:30' - 25/07/2024
BNEWS Sự kỳ vọng lớn về việc nền kinh tế Đức sẽ lấy lại động lực tăng trưởng trong năm 2024, nhờ tâm lý người tiêu dùng tăng trở lại và sự hồi sinh của nền kinh tế toàn cầu, đang dần bị thu hẹp.
Theo bài viết trên báo Die Welt của Đức, lượng hàng hóa từ “đầu tàu kinh tế châu Âu” xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ và các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU) khác đang giảm, mặc dù các nền kinh tế đó hoạt động tốt. Sự giảm sút này nghiêm trọng đến mức một số nhà quan sát cho rằng toàn bộ "mô hình kinh doanh" của Đức đang bị đặt dấu hỏi.

Đã có những kỳ vọng lớn về việc nền kinh tế đầu tàu châu Âu sẽ lấy lại động lực tăng trưởng trong năm 2024, nhờ tâm lý người tiêu dùng tăng trở lại và sự hồi sinh của nền kinh tế toàn cầu. Một năm trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 1,3% trong năm 2024. Chính phủ liên bang Đức cũng dự báo rằng mức tăng 1,3% là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, tình hình hiện tại cho thấy sự trì trệ, mức tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khó có thể đạt được những dự báo nêu trên. Những trụ cột hy vọng cho nền kinh tế Đức đang dần tan vỡ. 

Bất chấp Giải vô địch bóng đá châu Âu 2024 do Đức làm chủ nhà đã diễn ra thành công, thu hút đông đảo “fan” hâm mộ, cho đến nay vẫn chưa có nhiều dấu hiệu nào thể hiện có sự phát triển mạnh mẽ của trụ cột tiêu dùng. Và giờ đây, trụ cột thứ hai của nền kinh tế - trụ cột thương mại quốc tế, vốn rất quan trọng với nền kinh tế lớn nhất châu Âu - cũng đang bộc lộ những "vết nứt" lớn. 

Các số liệu thống kê cho thấy trụ cột này không có xu hướng tăng trưởng rõ rệt trong nửa đầu năm 2024. Ngược lại, trong tháng Sáu vừa qua, xuất khẩu của Đức sang các nước ngoài EU lại giảm. Theo số liệu sơ bộ của Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis), lượng hàng hóa của Đức xuất khẩu sang các nước ngoài EU trong tháng 6/2024 giảm 2,6% so với tháng trước đó và giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

 
Mặc dù giá trị xuất khẩu tính theo từng tháng riêng lẻ không có quá nhiều ý nghĩa, nhưng nhu cầu từ nước ngoài đối với hàng hóa Đức đã giảm rõ rệt trong những tháng gần đây. Bức tranh tổng thể cho thấy lĩnh vực xuất khẩu của nền kinh tế Đức đang có rất ít động lực tăng trưởng. Chuyên gia kinh tế Thomas Obst từ Viện nghiên cứu Kinh tế Đức (IW) cho biết lượng hàng hóa xuất khẩu của Đức sang các nước khác thấp hơn, phù hợp với số lượng đơn đặt hàng yếu hơn thời gian qua.

Cũng trong tháng 6/2024, lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ - thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Đức - giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù nền kinh tế Mỹ đang có kỳ vọng tăng trưởng tốt (dự báo tăng trưởng từ 2% trở lên trong năm nay). Mức giảm thậm chí còn lớn hơn đối với thị trường xuất khẩu quan trọng thứ hai của Đức là Trung Quốc (giảm 9,9%). Chỉ có một đối tác thương mại quan trọng có nhu cầu về hàng hóa Đức tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, đó là Hàn Quốc, với mức xuất khẩu tăng 9,4%.

Dù tổng giá trị xuất khẩu sang các nước ngoài EU trong tháng 6/2024 vẫn ở mức cao (đạt 58 tỷ euro), nhưng động lực tăng trưởng xuất khẩu của nền kinh tế Đức tính trên cả năm 2024 được đánh giá là rất thấp. Một số chuyên gia kinh tế nhận thấy toàn bộ "mô hình kinh doanh" của Đức đang bị đặt dấu hỏi. Chuyên gia kinh tế Thomas Obst từ Viện IW cho rằng chủ nghĩa bảo hộ và sự phân mảnh ngày càng tăng của nền kinh tế toàn cầu là lực cản lớn đối với nền kinh tế Đức - quốc gia vốn dựa trên nền tảng thương mại tự do. Lực cản này sẽ làm mất đi động lực của nước Đức với tư cách một quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Một số đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức đang phải vật lộn với những vấn đề trong nước. Trung Quốc là ví dụ. Sau đại dịch COVID-19 và với những chính sách kinh tế mới khắt khe hơn, Trung Quốc khó có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ như trước. Ngay từ năm 2023, xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc hầu như không cao hơn mức của năm 2018.

Với Vương quốc Anh, quốc gia mà mười năm trước là một trong những điểm đến quan trọng nhất của hàng hóa Đức, cũng ngày càng nhập khẩu ít hàng hóa từ Đức hơn. Hiện Vương quốc Anh đã tụt xuống vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng các thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng hóa Đức, xếp sau cả các nước như Ba Lan, Italy và Áo.

Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là hoạt động xuất khẩu sang Mỹ cũng sụt giảm. Ngoài ra, các quốc gia đang phát triển rất nhanh như Ấn Độ hay Mexico cũng mua ít hàng hóa từ Đức hơn. Sau những cú sốc và xung đột địa chính trị trong những năm qua, lĩnh vực thương mại quốc tế vốn rất quan trọng đối với các công ty của Đức, đã mất đi phần lớn sự năng động trước đó. Trước đại dịch COVID-19, lĩnh vực này thường tăng trưởng từ 3% đến 4% mỗi năm. Nhưng năm nay, mức tăng trưởng chỉ được kỳ vọng từ 1% đến 2%.

Các tổ chức nghiên cứu kinh tế Deloitte Economic Research và Oxford Economics kỳ vọng lĩnh vực thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 2% trong năm 2024, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế khác cho rằng kỳ vọng này thậm chí còn quá lạc quan. Một trong những điểm bất lợi, tác động tiêu cực đến thương mại quốc tế trong năm nay là sự gia tăng mạnh giá cước vận tải. Sau cuộc đụng độ giữa phong trào Hamas và Israel, cũng như các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ, nhiều doanh nghiệp vận tải biển đã phải thay đổi một số tuyến đường vận chuyển của họ. Điều này cùng với phí bảo hiểm cao hơn đã khiến hoạt động vận tải đường biển trở nên đắt đỏ hơn nhiều so với trước. 

Dù giá thành sản xuất tại Đức đã giảm phần nào khi giá năng lượng giảm, nhưng nhìn chung nước Đức vẫn được coi là một địa điểm sản xuất đắt đỏ. Nếu khả năng cạnh tranh về địa điểm sản xuất của nền kinh tế đầu tàu châu Âu tiếp tục xấu đi, lĩnh vực xuất khẩu của Đức sẽ càng kém tin cậy hơn trong tương lai. 

Theo bài viết trên tạp chí kinh tế Handelsblatt, với việc các trụ cột đều gặp khó khăn, nền kinh tế Đức khó có thể mong đợi một sự phục hồi mạnh mẽ. Sự "mệt mỏi" trong mùa Xuân kéo theo sự ảm đạm trong mùa Hè. Các chuyên gia kinh tế tại Viện nghiên cứu Handelsblatt cho rằng nền kinh tế Đức chỉ tăng trưởng 0,1% trong quý II/2024. Báo cáo của Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) cũng đưa ra nhận định tương tự khi cho rằng nền kinh tế Đức phục hồi thấp hơn dự kiến trong mùa Xuân và Tổng sản phẩm quốc nội thực tế có thể chỉ tăng nhẹ trong quý II/2024.

Bundesbank nhận định sự phát triển yếu trong ngành công nghiệp và xây dựng đã làm chậm lại toàn bộ nền kinh tế trong quý vừa qua. Một lý do cho điều này là lãi suất cao. Chi phí tài chính tăng tiếp tục làm giảm đầu tư và do đó làm giảm nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm công nghiệp và xây dựng. 

Theo Bundesbank, kỳ vọng tăng trưởng trong quý III/2024 sẽ phần nào tốt hơn so với quý trước. Lĩnh vực tiêu dùng tư nhân sẽ tăng tốc trong những tháng mùa Hè. Các điều kiện chung đang mang tới những thuận lợi cho tiêu dùng tư nhân như tiền lương tăng, lạm phát giảm và thị trường lao động mạnh mẽ. Tuy nhiên, lĩnh vực công nghiệp có thể sẽ tiếp tục làm chậm lại nền kinh tế nói chung. Sự sụt giảm về số lượng đơn đặt hàng mới cho thấy nhu cầu yếu về hàng hóa của Đức vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn. Do đó, các chuyên gia Bundesbank cho rằng dù có kỳ vọng tốt hơn, nhưng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Đức vẫn ở mức rất thấp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục