Toàn cảnh bức tranh FDI của thế giới năm 2015
Trong số các nền kinh tế phát triển, Mỹ là quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất với tổng số vốn đạt 380 tỷ USD, tăng gấp bốn lần so với năm 2014, trong khi thu hút đầu tư nước ngoài của Hong Kong chỉ đạt 163 tỷ USD và Trung Quốc là 136 tỷ USD.
Theo số liệu thống kê của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) vừa công bố, từ những năm 1980, Mỹ luôn là nước tiếp nhận đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới, mặc dù năm 2014, Trung Quốc đã vượt Mỹ về lĩnh vực này.
Đặc biệt, lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực thương mại tại quốc gia Bắc Mỹ này đã tăng gần 40%, ước tính đạt 1.700 tỷ USD, đây là mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 2009.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới này, nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại thường "đổ" vào các nền kinh tế đang phát triển có tốc độ tăng trưởng cao như Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, ...
Tuy nhiên, những năm gần đây, các dự án đầu tư nước ngoài có xu hướng trở lại các thị trường và nền kinh tế phát triển, ổn định và tiềm năng. Riêng năm 2015 số vốn này đạt hơn 55% tổng nguồn vốn đầu tư của toàn thế giới.
Các chuyên gia kinh tế, tài chính Mỹ và quốc tế dự báo năm 2016, nguồnvốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể sẽ giảm đôi chút trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi yếu, thị trường tài chính chưa ổn định, nhu cầu vốn thấp, nhất là tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới như Trung Quốc, Brazil, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Nam Phi...giảm mạnh.
Ngoài ra, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với những rủi ro, thách thức mới từ các cuộc khủng hoảng địa chính trị, vấn đề di cư và căng thẳng đang gia tăng tại nhiều khu vực, nhất là ở Trung Đông, Biển Đông, Đông Bắc Á...
Bên cạnh đó, các hình thức đầu tư nước ngoài sẽ ngày càng đa dạng như “mua bán sáp nhập” hay đầu tư trực tiếp xây dựng hạ tầng cơ sở.
Đáng chú ý, trong năm 2015, số lượng đầu tư mua bán sáp nhập công ty đã tăng lên 650 tỷ USD và việc nhiều công ty nước ngoài mua lại công ty của Mỹ là yếu tố thúc đẩy mức tăng đầu tư nước ngoài tại Mỹ trong năm ngoái.
Số liệu của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc công bố mới đây cho biết tổng vốn FDI được cam kết với Hàn Quốc trong năm 2015 đã lên tới 20,9 tỷ USD, tăng 10% so với con số kỷ lục 19 tỷ USD được ghi nhận trong năm trước đó. Đây là một kỷ lục mới trong lĩnh vực thu hút vốn nước ngoài vào nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này.
Bên cạnh đó, lượng vốn FDI được giải ngân tại Hàn Quốc trong năm ngoái cũng lên tới mức cao kỷ lục mới là 16 tỷ USD, tăng 32,3% so với năm 2014.
Giới chức kinh tế Hàn Quốc cho rằng có được sự tăng trưởng mạnh mẽ kể trên là nhờ sự gia tăng nguồn vốn đầu tư từ phía Trung Quốc trong bối cảnh hai nước bắt đầu thực thi Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương từ cuối tháng 12/2015.
Nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Hàn Quốc trong năm 2015 đã tăng 66,3% so với năm 2014, lên 2 tỷ USD, trong khi dòng FDI cam kết từ Mỹ tăng 51,8% lên 5,5 tỷ USD và từ khu vực Trung Đông tăng hơn sáu lần, đạt 1,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, cũng trong năm ngoái, lượng FDI cam kết từ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) lại giảm 61,6%, xuống còn 2,5 tỷ USD, và từ Nhật Bản giảm 33,1%, xuống còn 1,7 tỷ USD.
Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, tình hình thu hút FDI của nước này trong nửa cuối năm 2015 tốt hơn so với nửa đầu năm 2015, sau khi Hàn Quốc ký FTA với Trung Quốc và Tổng thống Park Geun-hye thực hiện một số chuyến công du nước ngoài.
Bộ trên dự báo Hàn Quốc có thể thu hút lượng FDI khoảng 20 tỷ USD trong năm 2016, nhờ sự phục hồi nhẹ của nền kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới, hiệu quả của các FTA và nỗ lực của Hàn Quốc trong việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc vừa thông báo, trong tháng 12/2015, vốn FDI vào Trung Quốc đã giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2014. Theo số liệu thống kê, FDI tháng 12/2015 chỉ đạt 77 tỷ NDT, tương đương 12 tỷ USD. Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cũng công bố báo cáo về việc một số công ty nước này đã rút khỏi Trung Quốc.
Nguyên nhân chủ yếu khiến các công ty Mỹ tại Trung Quốc chuyển hoặc có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất sang nước khác trong ba năm qua là do chi phí nhân công tăng cũng như các vấn đề liên quan đến luật pháp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp quyết định rút về Bắc Mỹ để giảm chi phí nhờ tận dụng sự bùng nổ về nguồn cung năng lượng cũng như mức lương ổn định.
Báo cáo Tăng trưởng Châu Phi 2016 do Media Tenor công bố mới đây cho biết: Những năm giữa thập niên 1990 đã đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ tăng trưởng khá đối với các nước châu Phi Nam Sahara với đà tăng trưởng kéo dài tới hai thập niên.
Sau một thời gian dài tăng trưởng mờ nhạt với điều kiện sống của người dân dưới mức tiêu chuẩn trong thập niên 1980 và những năm đầu thập niên 1990, tăng trưởng kinh tế của các nước châu Phi đã đạt mức trung bình 5-6% kể từ năm 1995.
Thời điểm này, các nước châu Phi Nam Sahara đã thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, chủ yếu qua con đường thương mại, và qua các hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào lục địa này.
Việc chuyển hướng xuất khẩu từ các nước tiên tiến – những nước chiếm tới 90% thị phần xuất khẩu trong năm 1995 – sang các đối tác thương mại mới diễn ra khá nhanh.
Trước năm 2014, các đối tác xuất khẩu mới của các nước châu Phi Nam Sahara như Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm tới 50% thị phần xuất khẩu. Trung Quốc chiếm một nửa thị phần xuất khẩu trong nhóm các đối tác xuất khẩu mới.
Trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc, 70% là các sản phẩm nhiên liệu, khoáng chất và kim loại. Ngược lại, các nước này nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu hàng chế tạo và máy móc.
Việc tiếp cận các thị trường mới nhằm xuất khẩu nguyên liệu thô đã thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của các nước này tăng lên gấp năm lần so với 20 năm trước. Quan trọng hơn, việc gắn kết giao thương với Trung Quốc và các đối tác thương mại mới đã giúp giảm tính biến động trong xuất khẩu.
Điều này rất có ý nghĩa trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu những năm 2008-2009, khi những nền kinh tế tiên tiến trải qua thời kỳ tăng trưởng giảm sâu, qua đó giảm nhu cầu nhập khẩu.
Trong khi đó, Trung Quốc đã có vai trò rất lớn trong việc đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu của các nước châu Phi Nam Sahara.
Về khía cạnh nhập khẩu, việc tiếp cận các hàng hóa Trung Quốc giá rẻ, từ vải vóc tới mô tô, đã giúp người dân các nước này nâng cao điều kiện sống, đồng thời có tác động đáng kể trong việc giữ lạm phát ở mức thấp và bền vững.
Về khía cạnh tài chính, Trung Quốc cũng đổ một lượng vốn đáng kể vào khu vực các nước châu Phi Nam Sahara từ năm 2006, sau đó duy trì thị phần trong tổng vốn FDI ở mức nhỏ - ít hơn 5% trong năm 2012. Trung Quốc cũng rót các khoản tín dụng vào khu vực này.
Đổi lại, các nước châu Phi Nam Sahara chiếm tới 1/4 số hợp đồng kỹ thuật của Trung Quốc trên khắp thế giới vào năm 2014, chủ yếu trên các lĩnh vực năng lượng (thủy điện) và giao thông (đường sá, cảng biển, hàng không, ô tô).
Khi Trung Quốc tái cân bằng lại, đưa nền kinh tế hướng tới tiêu thụ nội địa nhiều hơn là đầu tư ra bên ngoài, tác động ngắn hạn tới các nước châu Phi Nam Sahara là khá lớn.
Việc giảm mạnh nhập khẩu của Trung Quốc phần nào cũng khiến các nước này lo ngại khi cả kim ngạch lẫn sản lượng xuất khẩu đều giảm. Hệ quả là tăng trưởng kinh tế khu vực này trong năm 2015 cũng yếu hơn hẳn so với các năm trước đó.
Số lượng dự án FDI đăng ký cũng đã rớt từ 311 dự án trong năm 2014 xuống còn 260 dự án trong năm 2015. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn cam kết rót 60 tỷ USD để phát triển châu Phi trong vòng ba năm tiếp theo.
Vì vậy, mặc dù gặp những thách thức trong ngắn hạn, cơ hội cho khu vực châu Phi vẫn còn lớn và quan hệ với Trung Quốc vẫn còn mạnh mẽ. Nhìn xa hơn, sự quá độ nguồn nhân lực của các nước châu Phi Nam Sahara rất có ý nghĩa khi đến năm 2035, dân số khu vực này trong độ tuổi lao động (15–64 tuổi) sẽ vượt số người trong độ tuổi lao động của phần còn lại của cả thế giới.
- Từ khóa :
- FDI
- Mỹ
- Trung Quốc
- Hồng Kông
- Hàn Quốc
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Vì sao FDI của Nhật vào Trung Quốc giảm mạnh?
10:17' - 21/01/2016
Năm 2015, FDI của Nhật Bản vào Trung Quốc chỉ đạt 3,21 tỷ USD, giảm 25,2% so với năm 2014. Điều này cho thấy xu thế “rời bỏ Trung Quốc” của các nhà đầu tư Nhật Bản.
-
DN cần biết
FDI vào Hàn Quốc tăng kỷ lục trong năm 2015
11:34' - 07/01/2016
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, đầu tư nước ngoài tăng mạnh là nhờ sự gia tăng nguồn vốn từ phía Trung Quốc kể từ khi hai nước thực thi Hiệp định thương mại tự do song phương từ cuối tháng 12/2015.
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc cam kết giảm mạnh rào cản để thu hút FDI
21:24' - 18/11/2015
Trung Quốc sẽ cắt giảm đáng kể những quy định hạn chế vốn đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường đông dân nhất thế giới này.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Hợp tác toàn diện Việt Nam và Lào luôn được củng cố
13:22'
Mặc dù tình hình khu vực và thế giới đang tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, nhưng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam vẫn luôn được củng cố.
-
Kinh tế Thế giới
Mỹ chuẩn bị một khuôn mẫu đàm phán thương mại mới
13:20'
Tờ Wall Street Journal ngày 25/4 đưa tin các quan chức Mỹ đang chuẩn bị một khuôn mẫu đàm phán thương mại mới.
-
Kinh tế Thế giới
Nhiên liệu hóa thạch vẫn là một phần của hỗn hợp năng lượng nhiều năm tới
10:34'
Nhiên liệu hóa thạch có khả năng vẫn là một phần của hỗn hợp năng lượng trong nhiều năm tới, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà các giải pháp thay thế vẫn còn hạn chế.
-
Kinh tế Thế giới
Đàm phán thương mại Anh-Mỹ bế tắc
10:29'
Sau cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Scott Bessent, Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves đã “ra về tay trắng” sau khi phía Mỹ đưa ra yêu cầu mới về việc giảm thuế đối với ô tô Mỹ nhập khẩu vào Anh.
-
Kinh tế Thế giới
Nước Mỹ trước nguy cơ thiếu hụt hàng hóa
09:50'
Các nhà bán lẻ Mỹ đang cảnh báo rằng người tiêu dùng nước này có thể một lần nữa phải đối mặt với tình trạng kệ hàng trống rỗng và chuỗi cung ứng hỗn loạn.
-
Kinh tế Thế giới
Thách thức lớn nhất với doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc
08:55'
Sách trắng được AmCham China công bố hôm 25/4 đã liệt kê căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc là thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc.
-
Kinh tế Thế giới
Doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc thận trọng trước bất ổn địa chính trị
08:12'
Một xu hướng đáng lo ngại đã xuất hiện khi tỷ lệ doanh nghiệp coi Trung Quốc là điểm đến đầu tư chính giảm 6 điểm phần trăm so với năm 2023.
-
Kinh tế Thế giới
Bloomberg: Trung Quốc cân nhắc dừng áp thuế 125% đối với một số hàng nhập khẩu từ Mỹ
18:27' - 25/04/2025
Chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc tạm dừng áp mức thuế 125% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.
-
Kinh tế Thế giới
Công suất điện gió, điện Mặt Trời của Trung Quốc lần đầu vượt nhiệt điện
18:11' - 25/04/2025
Công suất lắp đặt năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời của nước này lần đầu tiên vượt tổng công suất nhiệt điện vốn được chuyển hóa chủ yếu từ nguồn than đá.