Tốc độ tăng chi tiêu tiêu dùng của Anh không theo kịp lạm phát

15:57' - 11/04/2023
BNEWS Theo dữ liệu được công bố ngày 11/4, chi tiêu tiêu dùng ở Anh đã tăng trong tháng 3/2023 nhưng tụt lại xa so với lạm phát, do các hộ gia đình tiếp tục cắt giảm mua sắm.
Theo dữ liệu được công bố ngày 11/4, chi tiêu  tiêu dùng ở Anh đã tăng trong tháng 3/2023 nhưng tụt lại xa so với lạm phát, do các hộ gia đình tiếp tục cắt giảm mua sắm để đối phó giá năng lượng cao và các áp lực chi phí khác.

Số liệu từ ngân hàng Barclays, chiếm gần một nửa giao dịch thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ tại Anh, cho thấy chi tiêu thẻ đã tăng 4% so với cùng kỳ trong tháng 3/2023.

 
Theo chỉ số chi tiêu tiêu dùng của ngân hàng này, doanh số bán đồ gia dụng và đồ tự làm tăng do mọi người bắt đầu sửa sang nhà cửa trước mùa Hè. Việc khởi động các mùa mua sắm mới của các chương trình truyền hình nổi tiếng cũng làm tăng lượng đăng ký mua.

Tuy nhiên, mức tăng 4% vẫn không thể bù đắp được chỉ số lạm phát giá tiêu dùng bất ngờ tăng lên mức 10,4% trong tháng 2/2023, cho thấy các hộ gia đình đang phải cắt giảm chi tiêu thực tế.

Esme Harwood, Giám đốc của Barclays, cho biết: “Mức tăng chi tiêu cho hàng tạp hóa dưới mức lạm phát cho thấy người Anh vẫn đang cố gắng tiết kiệm tiền từ việc mua sắm hàng tuần của họ, khi hóa đơn năng lượng tiếp tục tăng”.

Trong Ngân sách mùa Xuân công bố ngày 15/3, Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt cho biết chính phủ sẽ gia hạn gói trợ cấp giá năng lượng cho các hộ gia đình thêm 3 tháng cho đến tháng Sáu. Cụ thể, Anh sẽ tiếp tục giữ nguyên mức giá trần, áp dụng sau khi giá khí đốt và năng lượng tăng vọt do xung đột Nga - Ukraine, để hóa đơn năng lượng trung bình hàng năm của mỗi hộ gia đình ở mức 2.500 bảng (3.100 USD).

Tuy nhiên, 88% số người được Barclays khảo sát cho biết họ lo ngại về tác động của hóa đơn năng lượng đối với túi tiền của mình. Trong số 2/3 tổng số người tham gia khảo sát cho biết họ đang mua ít quần áo hơn. Trong khi đó, 62% số người được hỏi cho biết họ đã cắt giảm việc đi ăn ngoài để tiết kiệm tiền, trong đó các nhà hàng báo cáo mức chi tiêu của khách hàng giảm 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Silvia Ardagna, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Âu tại Barclays, cho biết “với giá thực phẩm và đồ uống tăng đáng kể trong tháng Hai, và khiến giá cả dịch vụ nhà hàng và khách sạn tăng mạnh... không có gì ngạc nhiên khi người tiêu dùng đang tiết chế chi tiêu”.

Theo dữ liệu do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố vào tháng trước, giá thực phẩm và đồ uống không cồn tăng 18,2%, tốc độ cao nhất trong hơn 45 năm, do chi phí năng lượng tăng cao và thời tiết xấu trên khắp các khu vực của châu Âu dẫn đến tình trạng thiếu hụt thực phẩm và giảm khẩu phần ăn.

Các số liệu riêng biệt được Hiệp hội bán lẻ Anh công bố ngày 11/4, cho thấy giá trị tổng doanh số bán hàng của các thành viên của hiệp hội - chủ yếu là các siêu thị và chuỗi cửa hàng lớn - đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng Ba.

Paul Martin, Trưởng bộ phận bán lẻ của công ty tư vấn KPMG (Anh), cho biết: “Khi người tiêu dùng cắt giảm việc đi ăn ngoài, chi tiêu cho tiện nghi gia đình, phụ kiện và đồ nội thất tăng mạnh nhất cho thấy mọi người muốn chuyển sang giải trí tại nhà”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục