IMF: Lạm phát tại Anh tăng trung bình 9%/năm trong 2 năm tới

17:17' - 15/10/2022
BNEWS IMF ước tính trong 2 năm tới, lạm phát tại Anh dự kiến mỗi năm sẽ tăng trung bình ở mức khoảng 9%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE).

Theo đánh giá mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về nền kinh tế toàn cầu, kế hoạch “ngân sách nhỏ” của Chính phủ Vương quốc Anh sẽ  khiến “cuộc chiến" chống lạm phát trở nên phức tạp, đồng thời dự báo tình trạng giá cả tăng sẽ kéo dài ở Anh.

Trước đó, ngày 27/9, IMF kêu gọi Chính phủ Anh xem xét lại kế hoạch cắt giảm thuế khổng lồ được Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng công bố ngày 23/9, cảnh báo việc cắt giảm thuế có khả năng làm gia tăng bất bình đẳng và gây thêm áp lực đẩy giá cả tăng cao, điều mà Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đang cố gắng kiềm chế.

 

IMF, tổ chức hoạt động nhằm ổn định tăng trưởng kinh tế toàn cầu, thừa nhận kế hoạch giảm thuế lớn nhất trong vòng 50 năm của ông Kwarteng, mặc dù đã gây nên bất ổn trên thị trường tài chính, sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, IMF cho rằng kế hoạch này sẽ gây nên tình trạng tăng giá kéo dài ở Anh. Theo đánh giá của IMF, lạm phát tại Anh dự kiến sẽ đạt đỉnh khoảng 11,3% vào cuối năm nay.

IMF ước tính trong 2 năm tới, lạm phát tại Anh dự kiến mỗi năm sẽ tăng trung bình ở mức khoảng 9%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE).

Mặc dù kinh tế Anh trong năm nay được đánh giá là sẽ tăng trưởng nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), song sẽ ngừng vào năm tới, với nền kinh tế dự kiến chỉ tăng 0,3%. Tuy nhiên, những dự báo của IMF chưa tính đến ảnh hưởng của kế ngân sách nhỏ của chính phủ.

IMF cũng cảnh báo về việc các chính phủ việc tăng chi tiêu hoặc cắt giảm thuế của chính phủ mà không có nguồn bù đắp sẽ chỉ đẩy lạm phát lên cao hơn và khiến việc hoạch định chính sách tiền tệ trở nên khó hơn.

Văn phòng Thủ tướng Anh đã bảo vệ kế hoạch của Thủ tướng Liz Truss bất chấp cảnh báo của IMF, nhấn mạnh chính phủ đưa ra các chính sách hỗ trợ người dân Anh vào thời điểm giá cả toàn cầu tăng cao, giảm bớt gánh nặng thuế cao và giúp người dân giữ được toàn bộ thu nhập kiếm được.

Bộ trưởng Kwasi Kwarteng ngày 10/10 tuyên bố sẽ đưa ra kế hoạch cân đối tài chính của chính phủ vào ngày 31/10, sớm hơn gần 1 tháng so với kế hoạch, nhằm trấn an thị trường.

Động thái này được đưa ra sau khi BoE ngày 11/10 có hành động can thiệp khẩn cấp vào ngày thứ hai liên tiếp khi mở rộng chương trình mua trái phiếu chính phủ trị giá 65 tỷ bảng với trái phiếu chính phủ gắn với lạm phát (lãi suất trái phiếu được thanh toán dựa trên chỉ số giá tiêu dùng nhằm bảo vệ nhà đầu tư khỏi lạm phát) nhằm ổn định giá và ngăn chặn việc bán tháo bởi một số quỹ hưu trí, có thể gây nguy cơ đối với sự ổn định tài chính của Anh.

BoE ngày 11/10 cho biết ngân hàng đã sẵn sàng mua mỗi ngày 5 tỷ bảng trái phiếu thông thường và 5 tỷ bảng trái phiếu gắn với lạm phát cho tới khi chương trình mua trái phiếu chính phủ kết thúc vào ngày 14/10.

Giá vay nợ của chính phủ Anh tuần này đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi BoE bắt đầu thực hiện can thiệp khẩn cấp vào ngày 28/9 khi kế hoạch ngân sách nhỏ của chính phủ gây hoảng loạn cho thị trường, khiến đồng bảng lao dốc và và lợi suất trái phiếu chính phủ tăng vọt.

Động thái can thiệp của BoE khi lần đầu tiên mua nợ gắn với lạm phát đã giúp ổn định thị trường trái phiếu chính phủ. Trước đó, ngày 10/10, BoE đã tăng mức mua trái phiếu hàng ngày lên 10 tỷ bảng.

Các biện pháp này được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi BoE công bố chương trình tài trợ ngắn hạn nhằm giảm áp lực đối với các quỹ hưu trí bị ảnh hưởng sau khi kế hoạch ngân sách nhỏ gây nên làn sóng bán tháo trái phiếu chính phủ.

Các nhà kinh tế cho rằng việc BoE thực hiện hai biện pháp can thiệp khẩn cấp trong vòng 24 giờ là đặc biệt, cho thấy vấn đề của các quỹ hưu trí nghiêm trọng hơn nhiều so với mọi người từng nghĩ 1 tuần trước đây.

Kế hoạch mua trái phiếu khẩn cấp của BoE ngày 28/9 ban đầu giúp làm dịu thị trường, song làn sóng bán tháo tăng vọt vào ngày 10/10 sau khi các nhà phân tích và đầu tư lo ngại kế hoạch này sẽ kết thúc vào ngày 14/10.

Trái phiếu chính phủ gắn với lạm phát- thị trường được chi phối bởi các quỹ hưu trí- đã trải qua 1 tuần bất ổn này khi lợi suất thực 10 năm của trái phiếu tăng 0.64% vào ngày 10/10 lên 1.24%, mức tăng cao nhất kể từ năm 1992, theo số liệu của Bloomberg./. 

>>>Fed thừa nhận giảm lạm phát phải đánh đổi bằng tăng trưởng kinh tế giảm tốc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục