Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tiếp tục đổi mới tư duy, cách làm đưa Quảng Ninh phát triển toàn diện hơn nữa
Ngày 6/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Ninh về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV nhiệm kỳ 2020-2025. Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:
“Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo của Tỉnh, Thưa toàn thể các đồng chí, Hôm nay, tôi rất vui mừng lại được về thăm và làm việc với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Trước hết, tôi xin được thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, thân ái gửi tới các đồng chí, và qua các đồng chí tới toàn thể các bậc lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong Tỉnh lời chào thân ái, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc tốt đẹp nhất. Thưa các đồng chí, Như chúng ta đều biết, từ xa xưa Quảng Ninh đã nổi tiếng là một vùng "địa linh, nhân kiệt", bởi có Vịnh Hạ Long - một kỳ quan thiên nhiên thế giới; là cửa ngõ, phên giậu của Tổ quốc ở phía Đông Bắc; có hơn 500 di tích lịch sử và danh thắng đặc sắc gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước hào hùng của Dân tộc; có Yên Tử - nơi khởi nguồn của thiền phái Trúc Lâm.Trên sông Bạch Đằng vẫn còn ghi đậm dấu ấn những chiến công hiển hách của ông cha ta chống quân xâm lược vào các thế kỷ thứ X và thế kỷ XIII, viết nên bản hùng ca bất hủ, khẳng định nền độc lập dân tộc và vị thế quốc gia. Trúc Lâm - Yên Tử nâng tầm giá trị nhân văn, tính độc đáo của bản sắc văn hóa Việt Nam gắn liền với vị vua - nhà chính trị lỗi lạc, nhà văn hóa lớn Trần Nhân Tông đã 2 lần lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh thắng quân Nguyên - Mông, đội quân hùng mạnh nhất thời bấy giờ, để lại tiếng thơm muôn thuở của một bậc minh quân thống nhất giữa Đời và Đạo, không màng danh lợi, vinh hoa phú quý, hết lòng vì nước, vì dân.
Quảng Ninh cũng là nơi có thương cảng Vân Đồn, một trong những thương cảng sầm uất nhất Việt Nam trong nhiều thế kỷ, đã khẳng định Việt Nam từ sớm là một quốc gia biển, vươn ra biển, phát triển kinh tế biển.
Trong giai đoạn cách mạng hiện đại ngày nay, Quảng Ninh còn là cái nôi của giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam, là quê hương của phong trào "vô sản hóa", nơi đào luyện nên nhiều nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng trên cả nước, làm nên khí phách, bản lĩnh, tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm" của Đảng, của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam.Thưa các đồng chí,
Tôi đã có một số lần về thăm và làm việc với Quảng Ninh; lần nào cũng để lại trong tôi những cảm xúc và ấn tượng rất sâu sắc, xúc động, tốt đẹp và hôm nay, qua Báo cáo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, nghe ý kiến phát biểu của một số đồng chí và được tận mắt chứng kiến những thành quả cụ thể, tôi rất vui mừng, phấn khởi về sự phát triển của Quảng Ninh trong những năm gần đây.Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ của Trung ương và phát huy bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần năng động sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh, hơn 10 năm qua đã đạt được những thành tựu rất ấn tượng.
Các nhiệm kỳ kế tiếp nhau đã thể hiện rõ tinh thần kế thừa, đổi mới và phát triển, đoàn kết nhất trí, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đột phá để chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh"; đi tiên phong trong đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tích cực cải cách hành chính để phát huy có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế cho phát triển; đẩy nhanh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược gắn với tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang phát triển mới; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh, phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Quảng Ninh vươn lên, đã và đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. Đặc biệt, năm 2021, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, Quảng Ninh đã nổi lên là một điểm sáng về sự chủ động trong phòng, chống dịch, giữ vững địa bàn "an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới"; thực hiện tốt "mục tiêu kép" với đà tăng trưởng GRDP hơn hai con số trong 6 năm liên tiếp (2016 - 2021) và chủ động chuyển sang thực hiện "thích ứng an toàn" và giành được những kết quả tích cực bước đầu.
Những thành tích to lớn, dấu ấn nổi bật đó chứng tỏ các đồng chí đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 108-TB/TW, ngày 01/10/2012 về Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái tỉnh Quảng Ninh", qua đó Quảng Ninh đã chủ động cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo trong thực tiễn và bước đầu đạt được những kết quả, thành tựu khá toàn diện, như trong Báo cáo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nêu. Nổi bật là:
- Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt 10,7% so với giai đoạn 2011 - 2015 là 9,2%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Năm 2021, trong điều kiện bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, nhưng Quảng Ninh vẫn đạt được mức tăng trưởng 10,28% (đứng thứ 2 cả nước). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh cả năm đạt 52.467 tỉ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững; dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Hệ thống kết cấu hạ tầng được đẩy nhanh phát triển, dựa chủ yếu vào nguồn lực xã hội, kết hợp với vai trò dẫn dắt bởi nguồn lực nhà nước được đầu tư tập trung. Liên kết vùng ngày càng chặt chẽ; gắn kết hài hoà giữa phát triển đô thị với nông thôn. Diện mạo, cảnh quan vùng đất Quảng Ninh thay đổi từng ngày.
- Văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội được chăm lo phát triển. GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 7.614 USD, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước; tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 7,56% năm 2010 xuống còn 0,15% năm 2021. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và bảo đảm chất lượng chăm sóc sức khoẻ của nhân dân, nhất là trong phòng, chống dịch vừa qua.Các tiềm năng về lịch sử, văn hóa, con người Quảng Ninh được khơi dậy, phát huy; nhiều di tích văn hóa được đầu tư bảo tồn, tôn tạo; có cơ chế thích hợp để chuyển hóa thành nguồn lực phục vụ trực tiếp cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
- Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều đổi mới. Đảng bộ nhiều năm liền đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh; phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động để thực hiện có hiệu quả các quyết sách đổi mới. Hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền có nhiều tiến bộ, trở thành tỉnh thuộc nhóm đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và các chỉ số phản ánh chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới; mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân ngày càng được củng cố, khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được tăng cường. - Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo quốc gia được giữ vững, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển. Tích cực, chủ động xây dựng Quảng Ninh thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế. Hoạt động đối ngoại được chú trọng mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu và những kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh đã đạt được trong thời gian qua, nhất là trong những năm gần đây; Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh tiêu biểu, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực, trở thành một điểm sáng về đổi mới của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng ở khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, Quảng Ninh cũng còn một số những hạn chế, khuyết điểm, tồn tại như trong Báo cáo của Tỉnh ủy đã chỉ ra. Đó là: Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp uỷ, tổ chức đảng ở cơ sở, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện có những nội dung, những việc chưa đáp ứng được yêu cầu. Tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ, du lịch không đạt mục tiêu đề ra. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn yếu và thiếu. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, nhất là quản lý tài nguyên, khoáng sản, đầu tư công, đất đai,... có mặt còn hạn chế. Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật tuy đã được kiềm chế, kiểm soát, nhưng chưa vững chắc.Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của một số cơ quan, đơn vị chưa có nhiều chuyển biến, tiến bộ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm trong ngành du lịch, dịch vụ còn khó khăn do chịu ảnh hưởng nặng nề, kéo dài bởi dịch bệnh COVID-19,...
Một số vấn đề, mâu thuẫn đã được phát hiện, nhận thức sâu sắc, từng bước giải quyết, nhưng chưa được như mong muốn, như: Giữa khai thác than, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn; giữa đẩy mạnh công nghiệp hoá, đô thị hoá với phát triển nông nghiệp sinh thái, bảo vệ môi trường v.v...
Thưa các đồng chí, Năm 2022 và những năm tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực sẽ còn có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là tình hình dịch bệnh COVID-19; chúng ta tuyệt nhiên không được chủ quan, mất cảnh giác; sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới cũng đang đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và chương trình, kế hoạch đã đề ra như nêu trong Báo cáo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, tôi xin lưu ý, nhấn mạnh thêm và mong Quảng Ninh thực hiện tốt hơn nữa những việc sau đây: Một là, tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống vẻ vang và vị thế rất quan trọng của Quảng Ninh, nâng cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm để đưa Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa, trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về các mặt.Phát triển nhanh nhưng phải bền vững; tránh tư tưởng chủ quan, thỏa mãn, nhất là với một tỉnh có tốc độ phát triển bứt phá như Quảng Ninh. Thực tế cho thấy, mâu thuẫn này được giải quyết thì mâu thuẫn mới lại xuất hiện, nhiều khi phức tạp hơn; khó giải quyết hơn; nếu chủ quan, tự mãn, say sưa với thắng lợi, không thấy hết những khó khăn ở phía trước, thì rất dễ bị vấp váp, bị tụt hậu, thậm chí đi đến sai lầm.
Hai là, cần thường xuyên làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ "then chốt", bảo đảm cho mọi thành công của các lĩnh vực khác. Bám sát những tư tưởng chỉ đạo, tinh thần mới trong Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực, hư hỏng; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Tôi hoan nghênh Quảng Ninh vừa qua đã có những đột phá, sáng tạo trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng; thực hiện tinh gọn bộ máy, kiêm nhiệm các chức danh phù hợp với chủ trương, định hướng của Trung ương, nhưng phải rất chú ý đi đôi với kiểm soát quyền lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh để lạm quyền, lộng quyền; phòng ngừa tình trạng cán bộ vấp ngã, sai lầm. Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời phải chống các biểu hiện dân túy, dân chủ hình thức, mỵ dân. Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, chăm lo các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là đối với người có công, đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, biên giới, hải đảo, người có thu nhập thấp. Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái; đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, có vai trò trực tiếp bảo đảm thành công cho chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh" gắn với chiến lược, chương trình hành động cụ thể. Tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo hành lang phát triển mới gắn với lộ trình chuyển đổi nhiều vùng từ khai thác than sang phát triển du lịch - dịch vụ. Không chỉ đào tạo nguồn nhân lực, mà còn phải đổi mới công tác giáo dục từ tư duy, nếp nghĩ, lối sống, nếp sinh hoạt, ý thức chấp hành pháp luật của mọi người dân. Với đặc thù và tự hào công nhân vùng mỏ đã hình thành hàng trăm năm, thì nay tại các khu công nghiệp, dịch vụ mới rất sôi động của Quảng Ninh đã và đang hình thành đội ngũ công nhân mới rất đông đảo; Đảng bộ, chính quyền cần chăm lo xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, thực sự là lực lượng tiên phong trong công cuộc đổi mới và phát triển của Quảng Ninh. Bốn là, gắn kết hài hoà phát triển giữa đô thị và nông thôn, thúc đẩy liên kết vùng. Các đô thị ở Quảng Ninh đang có tốc độ tăng trưởng nhanh. Bên cạnh đó, Quảng Ninh vẫn còn khu vực nông thôn rộng lớn, đồng bào các dân tộc thiểu số, cư dân hải đảo,... vì vậy trong chiến lược phát triển của tỉnh, Quảng Ninh cần hết sức chú trọng xây dựng nông thôn mới, đầu tư phát triển nền nông nghiệp sinh thái xanh - sạch, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, làm cơ sở cho sự phát triển bền vững. Với vị thế quan trọng, Quảng Ninh cần phát huy tốt hơn nữa vai trò tiên phong trong đổi mới của vùng đồng bằng Bắc Bộ, cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; khai thác tốt lợi thế cạnh tranh tạo ra từ các hệ thống giao thông chiến lược mới hoàn thành để thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, hình thành nên các vùng động lực, hành lang phát triển mới. Chú trọng kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái để phát triển du lịch bền vững. Năm là, đặc biệt chăm lo xây dựng, củng cố khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh, phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế; giữ vững chủ quyền an ninh biên giới trên đất liền, trên biển đảo. Nắm và dự báo đúng tình hình, không để xảy ra bị động, bất ngờ; kịp thời phát hiện và xử lý có hiệu quả mọi tình huống; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển. Mở rộng quan hệ hợp tác và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế. Các kiến nghị, đề xuất của Quảng Ninh là rất cụ thể, xác đáng, thiết thực, xuất phát từ thực tiễn quá trình vận động, phát triển, từ mong muốn tìm tòi, đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tôi đề nghị các ban, bộ, ngành liên quan theo chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của mình, sớm nghiên cứu, xem xét và làm việc trực tiếp với Tỉnh để giải quyết cụ thể những đề xuất, kiến nghị của Quảng Ninh với tinh thần tạo điều kiện tốt nhất có thể để Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững hơn nữa. Thưa các đồng chí, Được về thăm và làm việc với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh hôm nay, một lần nữa tôi tin tưởng và mong rằng, với truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng vẻ vang của quê hương, trên đà những thắng lợi đã đạt được, cùng với ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, tinh thần năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đổi mới, phấn đấu hoàn thành vượt mức toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra, xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no và hạnh phúc. Chúc Quảng Ninh tiến thật xa, Quảng Ninh như thế mới là Quảng Ninh. Xin trân trọng cảm ơn.”Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm cấp cao với Thủ tướng Liên bang Đức
19:49' - 31/03/2022
Chiều 31/3, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm cấp cao với Thủ tướng Liên bang Đức, Lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Đức Olaf Scholz.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách
11:23' - 28/03/2022
Sáng 28/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về bốn dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Chính phủ Malaysia
19:29' - 21/03/2022
Thủ tưởng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cảm ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian tiếp, chúc mừng những thành tựu của Việt Nam
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
“Hàng rào” bảo vệ và kiểm soát chất lượng vật liệu xây dựng
20:24' - 21/11/2024
Bộ Xây dựng khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm vật liệu xây dựng sản xuất trong nước, đồng thời tăng cường giám sát để chống gian lận thương mại và kiểm soát chất lượng.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Thượng viện Malaysia
20:19' - 21/11/2024
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, chiều 21/11, tại Trụ sở Nghị viện Malaysia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã hội kiến Chủ tịch Thượng viện Malaysia Dato’ Awang Bemee Awang Ali Basah.
-
Kinh tế Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Campuchia
19:43' - 21/11/2024
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao hai nước tiến hành hội đàm.
-
Kinh tế Việt Nam
Đề nghị Hàn Quốc hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam
18:49' - 21/11/2024
Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục đầu tư, mở rộng đầu tư vào Việt Nam, hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực bán dẫn, AI...
-
Kinh tế Việt Nam
Dồn sức sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải
18:14' - 21/11/2024
Đại diện chính quyền Cần Thơ mong muốn Đại sứ Hoa Kỳ và các Tổng lãnh sự, các tổ chức quốc tế trong thời gian tới ủng hộ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Việt Nam.
-
Kinh tế Việt Nam
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình tiếp lãnh đạo Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc
18:07' - 21/11/2024
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình hoan nghênh và đánh giá cao IBK đã tài trợ cho Diễn đàn hợp tác đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc năm 2024.
-
Kinh tế Việt Nam
Kiên quyết thực hiện các biện pháp phù hợp để thực thi chủ quyền đối với vùng biển của Việt Nam
17:43' - 21/11/2024
Việt Nam tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển trong việc ban hành nội luật và các quy định liên quan đến biển, phù hợp với UNCLOS 1982.
-
Kinh tế Việt Nam
Thông tin về việc Hoa Kỳ bàn giao 5 máy bay huấn luyện cho Việt Nam
17:40' - 21/11/2024
Ngày 20/11 vừa qua, Việt Nam đã tiếp nhận 5 máy bay huấn luyện T-6C thế hệ mới do Hoa Kỳ sản xuất.
-
Kinh tế Việt Nam
Cải thiện tình trạng khó tiếp cận thông tin thu, chi ngân sách tại các địa phương
17:25' - 21/11/2024
Việc tuân thủ quy định về công khai ngân sách huyện còn nhiều hạn chế, chưa tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia đóng góp ý kiến vào các tiến trình ngân sách