Tổng cục Đường bộ Việt Nam nói gì về việc sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ?

17:40' - 25/09/2017
BNEWS Ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Quản lý Bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã trao đổi với phóng viên BNEWS/TTXVN về việc duy tu, bảo trì quốc lộ, việc sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ.
Áp dụng công nghệ cào bóc tái chế mặt đường được Tổng cục đường bộ Việt Nam thử nghiệm trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Hoà Bình). Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Kể từ khi đi vào hoạt động (2013-2017), Quỹ bảo trì đường bộ đã đóng góp quan trọng vào việc duy tu, bảo trì, kéo dài tuổi thọ hệ thống đường quốc lộ trên toàn quốc, đặc biệt là giảm chi thường xuyên trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho hoạt động này.

Phóng viên BNEWS/Thông tấn xã Việt Nam đã trao đổi với ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Quản lý Bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) xung quanh vấn đề này.

PV: Ông có thể đánh giá những kết quả của Quỹ bảo trì đường bộ sau 5 năm đi vào hoạt động?

Ông Lê Hồng Điệp: Kể từ năm 2013 khi Quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động đã góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách Trung ương và ngân sách các địa phương. Nhờ đó, hằng năm đã giảm được 50% ngân sách Trung ương chi trực tiếp cho công tác bảo trì hệ thống đường quốc lộ.

Việc sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ đã góp phần quan trọng trong việc bảo dưỡng kéo dài thời gian khai thác công trình đường bộ, sửa chữa kịp thời các hư hỏng trên hệ thống đường bộ, bảo đảm hệ thống đường bộ thông suốt, an toàn phát huy hiệu quả góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước.

Có thể kể đến một số kết quả cụ thể trong quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ giai đoạn 2013-2017.

Đó là trong duy tu, bảo dưỡng thường xuyên hiện có 20.582 km quốc lộ và 5.450 cầu được bảo dưỡng thường xuyên bằng nguồn vốn của Quỹ bảo trì đường bộ, chưa kể đến các tuyến đang thực hiện BOT và các dự án xây dựng công trình chưa hoàn thành.

Các công trình cầu phao, bến phà và hầm đường bộ cũng được sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ để bảo trì và vận hành khai thác an toàn.

Về công tác sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất, từ năm 2013 đến nay, rất nhiều tuyến quốc lộ và các công trình đường bộ đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Sở Giao thông Vận tải thực hiện; trong đó về đường đã sửa chữa trên 76,8 triệu m2 mặt đường (tương đương với 10.971 km đường bề rộng 7m).

Ngoài ra, còn sửa chữa hàng nghìn điểm hư hỏng cục bộ dạng sình lún, ổ gà.... Các đơn vị cũng đã sửa chữa 1.031 cầu yếu, cầu xuống cấp...., sửa chữa, cải tạo, xây mới 1.372 km rãnh và 137 km cống...

Bên cạnh đó, các đơn vị còn xử lý hàng nghìn điểm đen mất an toàn giao thông, thay thế hàng triệu mét dài hộ lan an toàn giao thông cùng hàng chục nghìn biểu báo hiệu đường bộ...

Một kết quả khác quan trọng sau khi Quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động là Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xây dựng, hoàn thành các tiêu chuẩn, quy trình quản lý, bảo trì từ đó làm cơ sở pháp lý để quản lý chẽ, đúng quy định pháp luật trong công tác bảo trì đường bộ.

Cùng với đó, công tác bảo trì cũng được chủ động hơn thay vì bị động như trước kia. Nhờ đó góp phần tăng hiệu quả kinh tế, hiệu quả sử dụng vốn, kết cấu hạ tầng đường bộ có thời gian khai thác dài hơn, trật tự an toàn được nâng lên, góp phần giảm các tiêu chí về tai nạn giao thông trong các năm gần đây.

PV: Hiện nay dư luận rất quan tâm đến tính minh bạch của việc sử dụng vốn đầu tư, vậy sau khi Quỹ bảo trì đi vào hoạt động, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã sử dụng số tiền này như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Hồng Điệp: Có thể nói việc sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ luôn tuân thủ đúng các quy định pháp luật, bảo đảm tính minh bạch công khai.

Cụ thể, việc lựa chọn nhà thầu thi công sửa chữa, nhà thầu tư vấn khảo sát, lập dự án, lập thiết kế, tư vấn giám sát... được thực hiện đúng theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Theo đó, các gói thầu thi công sửa chữa có giá trị từ 1 tỷ đồng và các gói thầu tư vấn có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên đều tiến hành đấu thầu rộng rãi trên cơ sở thông báo mời thầu đăng công khai trên báo Đấu thầu.

Các trường hợp gói thầu nhỏ hơn thì được phép áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định của pháp luật. Quá trình thực hiện bên mời thầu của các chủ đầu tư đều đã áp dụng mẫu theo đúng quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ngoài ra, từ năm 2013, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã thực hiện đấu thầu thí điểm 4 gói với mức giá 80 triệu đồng/km/năm. Theo đó, 4 tuyến quốc lộ (gồm Quốc lộ 10, Quốc lộ 9, Quốc lộ 26 và Quốc lộ 1 đoạn qua Bạc Liêu), cắt giảm được kinh phí bảo trì so với trước đây.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xây dựng phương án đấu thầu căn cứ trên quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về minh bạch các yếu tố hình thành giá.

Kết quả đấu thầu 129 gói thầu; trong đó có 115 gói thầu thực hiện dịch vụ công ích quản lý, bảo dưỡng thường xuyên và 14 gói lai ghép sửa chữa định kỳ với thực hiện dịch vụ công ích quản lý, bảo dưỡng thường xuyên.

Thời gian thực hiện hợp đồng bảo dưỡng thường xuyên của 129 gói thầu từ năm 2015-2017. Tổng giá dự toán 129 gói là 1.459,75 tỷ đồng. Tổng giá trị trúng thầu của 129 gói là 1.377,7 tỷ đồng, tiết kiệm được 82,05 tỷ đồng, bằng 5,62% giá dự toán.

PV: Vậy trong quá trình thực hiện Quỹ bảo trì đường bộ có gặp bất cập gì không, thưa ông?

Ông Lê Hồng Điệp: Khó khăn đầu tiên phải kể đến đó là nhiều văn bản quy phạm pháp luật cùng quy định về một loại công việc, dẫn đến các thủ tục thực hiện còn chưa đồng nhất, gây khó khăn không nhỏ cho việc tổ chức thực hiện Quỹ bảo trì đường bộ.

Nhu cầu sử dụng Quỹ bảo trì dường bộ cần rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay Quỹ mới đáp ứng được một phần công việc. Trên hệ thống quốc lộ, công tác bảo dưỡng thường xuyên mới đáp ứng khoảng 44% khối lượng thực hiện.

Công tác quản lý chất lượng bảo trì mặc dù đã được tăng cường, nhiều giải pháp được triển khai áp dụng nhưng vẫn còn có dự án thực hiện chất lượng chưa đạt yêu cầu mà chủ yếu ở các Sở Giao thông Vận tải được giao quản lý quốc lộ.

Ngoài ra, tiến trình đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ mới vào quản lý bảo trì mới được đẩy mạnh kể từ năm 2015. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Tồn tại này có nguyên nhân khách quan (cần thí điểm mới nhân rộng, cần bổ sung hoàn thiện tiêu chuẩn kỹ thuật thi công nghiệm thu, bổ sung định mức dự toán...). Nguyên nhân quan trọng nhất là một số đơn vị được giao làm chủ đầu tư chưa chủ động, tích cực đổi mới.

Với những khó khăn trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm tháo gỡ các khó khăn về pháp luật, đặc biệt là bỏ quy định về kế hoạch đầu tư công đối với công tác bảo trì...

Ngoài ra, các bộ, ngành cần sớm báo cáo với Thủ tướng Chính phủ ban hành thí điểm áp dụng cơ chế đặc thù cho công tác bảo trì đường bộ.

PV: Xin cám ơn ông!

>>> Tổng cục Đường bộ bác tin đi từ Bắc vào Nam mất 93 triệu đồng phí đường bộ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục