Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Hai kịch bản cho mục tiêu tăng trưởng năm 2024

15:56' - 01/04/2024
BNEWS Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ...

Mặc dù, kết quả tăng trưởng của một số lĩnh vực trong quý I/2024 đã có dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, trong 9 tháng còn lại của năm, kinh tế cả nước cần phải tăng khoảng 6,75%. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, đây là mức tăng khá cao, trong bối cảnh các khó khăn, thách thức của nền kinh tế vẫn còn tồn tại; không những thế, những biến động từ kinh tế thế giới còn tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương xung quanh nội dung này.

Phóng viên: Với kết quả tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66%, xin bà cho biết kịch bản tăng trưởng kinh tế của các quý còn lại trong năm như thế nào để đạt mục tiêu cả năm 2024?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Kết quả tăng trưởng của một số lĩnh vực trong quý I/2024 đã có dấu hiệu tích cực nhờ thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và điều hành, quản lý vĩ mô của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Tốc độ tăng GDP quý I năm nay đạt 5,66% so với cùng kỳ năm trước, đây là tốc độ tăng cao nhất của quý I từ năm 2020 đến nay.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn hạn chế như: ngành nông nghiệp đối mặt với hiện tượng xâm nhập mặn có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất lúa Đông Xuân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực giảm so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số IIP quý I/2024 của một số ngành như sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị; sản xuất phương tiện vận tải khác... giảm.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa quý I/2024 của một số mặt hàng ước tính giảm so với cùng kỳ năm trước, ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng trong thời gian tới...

Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp khó lường của kinh tế toàn cầu, phục hồi tăng trưởng chậm cùng với những áp lực từ giá cả, lạm phát và xu hướng giảm cầu tiêu dùng, thương mại trong nước và quốc tế vẫn là những trở ngại, thách thức lớn trong điều hành và phát triển kinh tế cũng như xây dựng các kịch bản tăng trưởng cho những quý tiếp theo.

Căn cứ kết quả hoạt động kinh tế trong nước và diễn biến kinh tế thế giới trong quý I/2024, Tổng cục Thống kê cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng theo Nghị quyết 01 năm 2024 lần lượt như sau:

Kịch bản 1 (năm 2024 tăng 6%): quý I tăng 5,66%; 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,12%; trong đó, quý II tăng khoảng 5,85%; quý III tăng khoảng 6,22%; quý IV tăng khoảng 6,28%.

Kịch bản 2 (năm 2024 tăng 6,5%): quý I tăng khoảng 5,66%; 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,75%; trong đó, quý II tăng khoảng 6,32%; quý III tăng khoảng 6,79%; quý IV tăng khoảng 7,08%.

Phóng viên: Dự báo năm 2024 thương mại quốc tế suy giảm, kinh tế thế giới phục hồi chậm, tăng trưởng thấp hơn năm 2023. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, xin bà cho biết cần giải pháp gì để hạn chế các tác động tiêu cực tới nền kinh tế?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Biến động trên thị trường tài chính thế giới có thể gây tác động lớn tới tình hình kinh tế - xã hội trong nước. Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất với mức cao làm cho đồng USD tăng giá mạnh so với đồng Việt Nam, tác động tiêu cực đến giá trị đồng tiền Việt Nam, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, gia tăng áp lực lạm phát.

Bình quân quý I/2024 chỉ số giá đô la Mỹ tăng 3,97% so với cùng kỳ năm trước. Khi đồng USD tăng giá do lãi suất USD tăng dẫn tới giá nhập khẩu các loại nguyên vật liệu và chi phí vốn vay của doanh nghiệp tăng lên. Kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu. Khi đồng USD tăng giá sẽ tác động không nhỏ tới ổn định sản xuất và gia tăng tác động của lạm phát chi phí đẩy do nhập khẩu lạm phát đối với nền kinh tế.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu tăng từ mức 0,2% năm 2023 lên 2,3% trong năm 2024, Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định tăng trưởng thương mại thế giới đạt 3,3% vào năm 2024, thấp hơn mức trung bình 4,9% của giai đoạn 2000-2019.

Tuy nhiên, Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) duy trì lãi suất ở mức cao trong năm 2024, sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng giảm sút, sức mua giảm tại nhiều thị trường lớn của thế giới, điều này sẽ gây ra ảnh hưởng thiếu tích cực cho nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.

Để hạn chế tác động từ chính sách lãi suất cao của Fed và ECB trong bối cảnh thương mại quốc tế vẫn đang tiếp tục ảm đạm, đồng thời với mục tiêu duy trì tăng trưởng kinh tế trong năm 2024, Việt Nam cần nỗ lực tập trung thực hiện một số giải pháp.

Đó là, trước mắt, Chính phủ hỗ trợ lãi suất vay vốn cho khu vực doanh nghiệp; theo dõi sát sao chính sách của Fed và ECB.

Trong bối cảnh nguồn vốn FDI chưa có nhiều cải thiện đáng kể, cần tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Thúc đẩy tiêu dùng hộ dân cư đối với các sản phẩm sản xuất nhằm hạn chế tác động từ các yếu tố lãi suất và thương mại quốc tế; đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng nghiên cứu khoa học; thực hiện chuyển giao các nghiên cứu của các viện nghiên cứu từ các đơn vị sự nghiệp áp dụng cho khu vực doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động…

Phóng viên: Lạm phát thế giới vẫn giữ ở mức cao, điều này sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát trong nước như thế nào, thưa bà?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Tổng cục Thống kê dự báo có một số yếu tố sẽ tác động làm tăng CPI trong năm 2024, cụ thể: giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao trong khi tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên biến động của giá hàng hóa trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, đô la Mỹ tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.

Việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, các chi phí thực hiện vào giá dịch vụ y tế và học phí giáo dục cũng sẽ tác động làm tăng CPI. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thể tiếp tục tăng giá điện khi nguyên liệu đầu vào như: xăng dầu, than đều đang ở mức cao.

Đồng thời, việc tăng lương cơ sở sẽ kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong gia đình tăng lên. Các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ, dịch vụ du lịch... dự kiến sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố có khả năng tạo áp lực lên lạm phát cũng có những yếu tố giúp kiềm chế lạm phát như: Việt Nam có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đây là lợi thế của Việt Nam, giúp giảm bớt áp lực lạm phát.

Bên cạnh đó, chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ trong những năm qua sẽ giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân, từ đó ổn định kỳ vọng lạm phát.

Cùng với đó, lạm phát toàn cầu hạ nhiệt giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát, đồng thời giúp cải thiện yếu tố tâm lý, kỳ vọng, hỗ trợ kiểm soát lạm phát.

 

Phóng viên: Xin bà cho biết các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các quý còn lại trong năm?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ, bám sát các mục tiêu và giải pháp đã được để ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP và tập trung thực hiện nhiều nhóm giải pháp theo từng lĩnh vực.

Cụ thể, theo góc độ sản xuất, các doanh nghiệp tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu; đảm bảo phân phối sản phẩm hàng hóa gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; thúc đẩy mạnh mẽ mô hình chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp và xuất khẩu; đồng thời, tiếp tục tìm kiếm và tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng các kênh phân phối sản phẩm, mở rộng việc tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử đảm bảo nâng cao chất lượng, dịch vụ và quyền lợi, lợi ích của người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu.

Đối với nông, lâm nghiệp và thủy sản, các địa phương cần chủ động khắc phục tối đa ảnh hưởng của xâm ngập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đối phó với tình trạng hạn hán, đặc biệt là các tỉnh vùng Tây Nguyên; kiểm soát tốt dịch bệnh, giá thành, giá bán sản phẩm trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Đối với công nghiệp và xây dựng, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, thực hiện quyết liệt các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động, sản xuất kinh doanh đặc biệt là các mặt hàng công nghiệp chủ lực như dệt may, da giầy…; đồng thời, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn, tạo động lực cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quốc gia, đường cao tốc, liên vùng, ven biển và các chương trình mục tiêu quốc gia. Chủ động đảm bảo cung ứng điện phục vụ nhu cầu điện tiêu dùng và sản xuất đặc biệt trong những tháng cao điểm trong quý II, quý III. Thực hiện các phương án ổn định giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nguyên vật liệu xây dựng bảo đảm cân đối cung cầu. Cùng với đó, phát triển mạnh và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, đó là cầu nối hiệu quả trong việc lưu thông hàng hóa trong nước và quốc tế, thúc đẩy mạnh mẽ xuất, nhập khẩu.

Theo góc độ sử dụng, Chính phủ tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa, tăng cường và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công; chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn, đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa tại các địa phương có các sản phẩm đặc thù, lợi thế…

Đối với xuất, nhập khẩu, tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu nhằm rút ngắn thời gian trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng tốt và tiếp tục đẩy nhanh đàm phán, ký kết, thúc đẩy các hiệp định thương mại song phương và đa phương để mở rộng thị trường đầu ra cho các sản phẩm của Việt Nam.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần cải tiến mạnh mẽ chuỗi liên kết giá trị hàng hóa chất lượng từ nông sản tới sản phẩm chế biến, sản phẩm giá trị cao để đáp ứng được nhiều thị trường khó tính, mở rộng quy mô và đối tác, mang lại cơ hội cho các ngành sản xuất.

Phóng viên: Xin cám ơn Bà!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục