Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Quyết tâm đạt mục tiêu 95% kế hoạch vốn giải ngân đầu tư công
Tính đến thời điểm này, khối lượng thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đã đạt trên 625,3 nghìn tỷ đồng, nhiều hơn gần 109,2 nghìn tỷ đồng so với cả năm 2022. Điều này thể hiện rõ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm của các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án/công trình ngay từ các tháng đầu năm.
Để hiểu rõ hơn, ý nghĩa, tầm quan trọng và những giải pháp để đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian niên hạn ngân sách năm 2023 sắp kết thúc, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Nguyễn Thị Hương xung quanh nội dung này.
Phóng viên: Năm 2023, kinh tế Việt Nam diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường; kinh tế trong nước phải đối mặt với khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Trong bối cảnh đó, đầu tư công trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Xin bà cho biết ý nghĩa, tầm quan trọng, những nét mới và kết quả đạt được trong giải ngân vốn đầu tư công của niên hạn năm 2023 cho tăng trưởng kinh tế? Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Năm 2023, kinh tế trong nước có xu hướng tăng chậm lại do tác động tiêu cực của nhiều yếu tố trong và ngoài nước như lạm phát trên thế giới có dấu hiệu chững lại nhưng vẫn ở mức cao, xung đột địa chính trị, chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia tác động mạnh hơn đến doanh nghiệp và hoạt động thương mại đầu tư, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh. Trong một số ngành, tiêu dùng trong nước cũng có xu hướng tăng chậm lại. Cùng với đó, tín dụng của nền kinh tế từ đầu năm tăng trưởng chậm phản ánh rõ nét khả năng hấp thụ vốn chậm lại cho thấy rõ khó khăn của các doanh nghiệp..., đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp và người dân có xu hướng thu hẹp sản xuất kinh doanh. Từ đó, giảm động lực đầu tư mới và mở rộng đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến tăng trưởng kinh tế có xu hướng tăng chậm lại so với năm 2022. Trong bối cảnh này, việc chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ ngành, địa phương để đẩy mạnh thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2023 là yếu tố quan trọng nhằm tạo công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của nhiều ngành kinh tế liên quan tăng trưởng, từ đó, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế còn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Phóng viên: Xin bà cho biết kết quả các bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong thực hiện vốn đầu tư công đến thời điểm hiện nay? Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Tôi cho rằng, khối lượng thực hiện đầu tư công đến thời điểm hiện nay thể hiện rõ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm của các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án/công trình ngay từ các tháng đầu năm. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến thời điểm này, vốn đầu tư công ước đạt 625,3 nghìn tỷ đồng, bằng 85,3% kế hoạch năm và tăng 21,2% so với năm trước. Đặc biệt trong các tháng cuối năm 2023, các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa, nhằm tăng sức cầu của nền kinh tế, lan tỏa tới các khu vực kinh tế khác, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, cho cả năm 2023 và năm 2024.
Phóng viên:Mặc dù, các bộ, ngành, địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, nhà thầu để đẩy mạnh tiến độ thi công các dự án, công trình, nhưng việc thực hiện vốn đầu tư công cả năm 2023 vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Vậy, theo bà đâu là nguyên nhân?
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Nguyên nhân là do còn tồn tại một số bất cập chưa thể khắc phục triệt để như: Khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng, chất lượng kế hoạch và công tác chuẩn bị dự án đầu tư công chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến chưa phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao. Cùng với đó, việc lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện các thủ tục đầu tư, năng lực về thẩm định, kiểm tra, giám sát, thi công còn hạn chế, vướng mắc về thẩm quyền, quy trình khi thực hiện dự án bằng vốn ODA. Năng lực của ban quản lý dự án, cán bộ làm công tác đầu tư tại các cấp đặc biệt là cấp huyện, cấp xã còn hạn chế. Nhiều dự án khởi công mới cần nhiều thời gian chuẩn bị nên tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án khác chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm. Không những thế, xung đột địa chính trị, quân sự trên thế giới dẫn đến lạm phát, giá nguyên nhiên liệu, máy móc, thiết bị tăng cũng ảnh hưởng việc thực hiện dự án. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, còn có các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư chưa đánh giá chính xác tình hình thực tiễn, không bám sát tiến độ thực tế của dự án để có những giải pháp thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn được giao. Phóng viên: Chỉ còn gần 1 tháng nữa là kết thúc niên hạn ngân sách năm 2023, Tổng cục Thống kê đề xuất giải pháp gì để kế hoạch vốn đầu tư công Chính phủ giao đạt được mục tiêu đề ra, thưa Tổng cục trưởng? Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng, thực hiện vai trò thúc đẩy, gánh vác và bù đắp tăng trưởng cho các động lực khác. Do đó, để đạt được mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch niên hạn ngân sách năm 2023, Chính phủ cần có giải pháp nhằm phát huy vai trò, gắn trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan và địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời, khẩn trương nâng cao năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, xây lắp. Đặc biệt, cần tập trung xử lý vấn đề giải phóng mặt bằng, Chính phủ bố trí giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm nâng cao tính sẵn sàng cho việc triển khai dự án. Các cơ chế và mức bồi thường giải phóng mặt bằng phải thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi cho người dân khi di dời, tái định cư để có sự đồng thuận khi triển khai. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, ưu tiên các dự án sắp hoàn thành; sớm đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng nhằm duy trì và mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh… Phóng viên: Xin cám ơn Tổng cục trưởng!Tin liên quan
-
Bất động sản
Bất động sản đón đầu tư công vào hạ tầng
08:04' - 02/01/2024
Nhiều chuyên gia cho rằng, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công nhất là vào lĩnh vực hạ tầng có tác động nhất định đến khả năng phục hồi của thị trường bất động sản.
-
Tài chính & Ngân hàng
Tập trung cao độ trong tháng cuối giải ngân vốn đầu tư công
09:50' - 31/12/2023
Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về giải ngân vốn đầu tư công.
-
Doanh nghiệp
Kho bạc nhà nước Quảng Ninh đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
20:24' - 23/12/2023
Kho bạc Nhà nước Quảng Ninh tiếp tục kiểm soát hồ sơ thanh toán vốn đầu tư công linh hoạt theo 2 phương thức “thanh toán trước, kiểm soát sau” và “kiểm soát trước, thanh toán sau”.
-
Kinh tế Việt Nam
Đồng Tháp giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 86% so với kế hoạch
08:15' - 22/12/2023
Đến tháng 12/2023, toàn tỉnh có 965 công trình xây dựng; trong đó, 129 công trình đang lựa chọn nhà thầu thi công, 347 công trình đang thi công, 486 công trình thi công hoàn thành.
-
Kinh tế Việt Nam
Đối mặt áp lực lớn, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
15:34' - 20/12/2023
Theo thông lệ nhiều năm qua thì càng về cuối năm khối lượng công việc đã thực hiện hoàn tất cũng càng nhiều và chính là thời điểm thưc hiện việc nghiệm thu, thanh toán, giải ngân cụ thể...
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Ký kết hợp tác cho vay gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
11:11'
Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, chiếm trên 98% trong tổng số doanh nghiệp cả nước, đóng góp lớn cho GDP và tạo ra hơn 55% việc làm cho xã hội.
-
Kinh tế Việt Nam
Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân
08:27'
Đại sứ quán Việt Nam và Cơ quan Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Mỹ đã trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.
-
Kinh tế Việt Nam
Trao giải Mai An Tiêm lần thứ nhất năm 2024 cho 100 sản phẩm tiêu biểu của hợp tác xã
22:23' - 11/12/2024
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức Lễ tôn vinh sản phẩm tiêu biểu của hợp tác xã và trao giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ nhất năm 2024.
-
Kinh tế Việt Nam
Thí điểm phân cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đô thị Đà Nẵng
22:18' - 11/12/2024
Quyết định nêu rõ, thí điểm phân cấp cho UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...
-
Kinh tế Việt Nam
Thành lập Khu Công nghệ cao Hà Nam
20:48' - 11/12/2024
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định số 1541/QĐ-TTg thành lập Khu Công nghệ cao Hà Nam.
-
Kinh tế Việt Nam
Năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành mạng lưới nước sạch đến tất cả các xã, phường, thị trấn
20:09' - 11/12/2024
Theo Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, vấn đề được lựa chọn chất vấn, tái chất vấn là “đúng” và ‘trúng”, quan trọng, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố.
-
Kinh tế Việt Nam
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc họp về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Tài chính
20:08' - 11/12/2024
Tổng số đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính trước khi sắp xếp là 56 đầu mối.
-
Kinh tế Việt Nam
Phấn đấu hoàn thành dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng trong tháng 6/2026
19:46' - 11/12/2024
Dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng, tỉnh Hòa Bình có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nói chung và các huyện Lạc Sơn, Yên Thủy nói riêng.
-
Kinh tế Việt Nam
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Duy trì tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam
19:11' - 11/12/2024
Việc xây dựng Nghị định nhằm ổn định môi trường đầu tư; đảm bảo sức cạnh tranh và hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược...