Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê: Nền tảng kinh tế vĩ mô ngày càng được củng cố
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt mức cao nhất từ năm 2008 đến nay do các yếu tố tích cực nội tại như: môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tiêu dùng tư nhân tăng trưởng tương đối cao, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ lạm phát duy trì mức thấp trong những năm gần đây, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được củng cố, các ngành lĩnh vực then chốt như công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ thị trường tiếp tục duy trì tăng trưởng cao...
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức tác động đến tăng trưởng trong các năm tới. Cuộc trao đổi dưới đây giữa phóng viên Thông tấn xã Việt Nam và Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho thấy bức tranh kinh tế năm 2018 và 2019 sắp tới.
Phóng viên: Thưa ông, xin ông cho biết những đánh giá về tình hình kinh tế năm 2018 và cho biết những ngành, lĩnh vực nào khởi sắc giúp cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong năm 2018?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt nhiều kết quả tích cực và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, cung - cầu của nền kinh tế cùng song hành phát triển. Tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08% so với năm 2017, là mức tăng cao nhất 11 năm qua, vượt mục tiêu 6,7% của Chính phủ. Chất lượng tăng trưởng và môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh. Nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố và từng bước được tăng cường. Kinh tế năm 2018 khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng cao 12,98%, tuy thấp hơn mức tăng của năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng các năm 2012-2016, đóng góp 2,55 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Ngành nông nghiệp khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,89%, cao nhất giai đoạn 2012-2018; ngành thủy sản đạt kết quả khá tốt với mức tăng 6,46%. Điều này cho thấy chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ thị trường tăng trưởng khá đã góp phần đưa mức tăng trưởng của khu vực dịch vụ năm 2018 lên 7,03%, cao hơn so với các năm 2012-2016. Sức mua tiêu dùng ngày càng tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm nay đạt 4.395,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017. Sự khởi sắc của các ngành kinh tế đã đưa xuất khẩu trở thành điểm sáng của năm 2018. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2018 ước tính đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017 (vượt mục tiêu Quốc hội đề ra là tăng 7%-8% và Nghị quyết 01 của Chính phủ là tăng 8%-10%). Năm 2018, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7,2 tỷ USD, là năm có giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay. Phóng viên: Với kết quả 12/12 chỉ tiêu đã đạt được trong năm 2018, ngành Thống kê đã có những đóng góp gì trong việc tham mưu để Chính phủ đạt được những kết quả tốt trong điều hành kinh tế năm 2018, thưa ông? Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Có thể khẳng định, trong những năm qua Tổng cục Thống kê đã nỗ lực không ngừng nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng số liệu, thông tin đầu vào, cũng như đẩy mạnh việc trao đổi, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành để có thông tin đầy đủ, sát thực, kịp thời phục vụ chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Đặc biệt trong năm 2018, Tổng cục Thống kê tiếp tục xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế theo ngành kinh tế cho từng quý, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có cơ sở chỉ đạo, điều hành các bộ ngành, địa phương xây dựng các phương án, giải pháp cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP của cả nước. Hơn nữa, kịch bản tăng trưởng còn được kịp thời cập nhật nhằm đưa ra kết quả dự báo sát hơn với tình hình thực tiễn của nền kinh tế. Tổng cục Thống kê cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành điều chỉnh kế hoạch của lĩnh vực thuộc phạm vi được phân công phụ trách theo các kịch bản kinh tế để có được những giải pháp phù hợp huy động và khơi thông các nguồn lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Ngoài ra, Tổng cục Thống kê còn đẩy mạnh phân tích, dự báo nhằm đề xuất một số giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2018 thông qua việc thực thiện một số báo cáo chuyên đề như: Các yếu tố, động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I, 6 tháng và 9 tháng năm 2018; thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam so với các nước trong khu vực; hiệu quả của chuyển dịch cơ cấu trong nông, lâm nghiệp và thủy sản; lạm phát và công tác điều hành của Chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát giai đoạn 2008-2017… Đồng thời, Tổng cục Thống kê cũng đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2018, từ đó khuyến nghị với Chính phủ các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng. Phóng viên: Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức tác động tới tăng trưởng cho các năm tới. Ông nhận định về tình hình này như thế nào? Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt mức cao nhất từ năm 2008 đến nay do các yếu tố tích cực nội tại như: môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tiêu dùng tư nhân tăng trưởng tương đối cao, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ lạm phát duy trì mức thấp trong những năm gần đây, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được củng cố, các ngành lĩnh vực then chốt như công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ thị trường tiếp tục duy trì tăng trưởng cao... Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức tác động đến tăng trưởng trong các năm tới, có thể kể đến là: nền kinh tế phụ thuộc khá nhiều vào bên ngoài (độ mở nền kinh tế lớn) phản ánh thực tế mọi biến động của thế giới đều có thể tác động tới nền kinh tế trong nước, thậm chí nền kinh tế trong nước có thể bị cuốn vào “vòng xoáy” của những biến động đó. Ngoài ra, xuất khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào các thị trường lớn, xuất khẩu khu vực trong nước có cải thiện nhưng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn lớn (chiếm trên 70%). Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự ra đời và áp dụng công nghệ mới, kết hợp kiến thức trong các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số, sinh học... tạo ra xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất, có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt kinh tế, chính trị và xã hội. Điều này trở thành động lực mới cho phát triển nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với những nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình như Việt Nam. Ngoài ra, còn những thách thức đến từ các yếu tố nội tại của nền kinh tế, như: Trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần bị suy giảm trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá, những lợi thế so sánh truyền thống của Việt Nam có xu hướng giảm dần. Việc tận dụng, khai thác lợi thế từ quá trình hội nhập quốc tế còn hạn chế. Đặc biệt, từ năm 2019 Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký, nhất là các cam kết về mở cửa thị trường, cắt giảm thuế, sở hữu trí tuệ... sẽ mang lại cơ hội thu hút các nguồn lực từ nước ngoài, nhưng đồng thời cũng là áp lực không nhỏ đối với khu vực kinh tế trong nước. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu thiên tai, bão, lũ... luôn là thách thức tiềm ẩn, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phóng viên: Với những thách thức, khó khăn của nền kinh tế, mục tiêu kinh tế năm 2019 sẽ có vai trò thế nào trong giai đoạn 2016-2020. Theo ông, những yêu cầu nào cần đặt ra để phấn đấu trong năm 2019, góp phần thành công cho giai đoạn 2016-2020? Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Nếu năm 2018 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 thì năm 2019 có thể coi là năm “bứt phá” nhằm tạo động lực cho kinh tế Việt Nam về đích vào năm 2020. Nhiệm vụ trọng tâm của kinh tế 2019 là vừa phải ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải quyết liệt thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới thực chất hơn nữa mô hình tăng trưởng, chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế để duy trì đà tăng trưởng như hiện nay. Với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,5%-7% Quốc hội đề ra cho giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã đi được hơn một nửa đoạn đường với kết quả khả quan giai đoạn 2016-2018 tăng trưởng bình quân 6,7%. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2019 của Quốc hội đề ra là 6,6%-6,8% trong điều kiện tự do hóa thương mại và cách mạng công nghiệp 4.0 vừa tạo dựng cơ hội phát triển cho kinh tế Việt Nam, đồng thời cũng đưa đến những thách thức gây nguy cơ Việt Nam bị bỏ lại xa hơn các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, quy mô kinh tế Việt Nam hiện còn nhỏ, dư địa tài chính, tiền tệ hạn hẹp, để đạt được mục tiêu Quốc hội đặt ra, năm 2019 cần tập trung vào một số giải pháp. Đó là, Chính phủ và các địa phương trong cả nước cần tập trung rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển... Bên cạnh đó, tiến hành xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật để thực hiện có hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, đồng thời tích cực vận động sớm phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU. Nâng cao kết quả hoạt động mở rộng thương mại quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch cho sản phẩm nông sản. Ngoài ra, Việt Nam cần chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. Nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ khởi nghiệp; kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao, có ý nghĩa nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế. Một trong những giải pháp cũng cần được thực hiện, đó là: ban hành và thực thi các giải pháp mang tính đột phá, tạo áp lực để các tổ chức kinh tế tiếp cận, ứng dụng công nghệ, từng bước nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập trung nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế... Tôi cũng cho rằng, để nền kinh tế có thể hòa nhập, không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ cần đổi mới phương thức thu hút đầu tư nước ngoài, tập trung thu hút các nhà đầu tư hàng đầu thế giới, đang nắm giữ công nghệ nguồn có năng lực quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh cao đầu tư vào Việt Nam, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, ngăn ngừa việc chuyển dịch các dòng vốn gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu vào Việt Nam. Phóng viên: Xin cám ơn ông!>>> Tổng cục Thống kê: Năm 2018 thành công trong kiểm soát lạm phát
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng cục Thống kê: Năm 2018 thành công trong kiểm soát lạm phát
15:46' - 27/12/2018
CPI bình quân năm 2018 tăng 3,54% so với năm 2017 và tăng 2,98% so với tháng 12 năm 2017.
-
Kinh tế Việt Nam
Năm 2018, GDP tăng 7,08%
15:16' - 27/12/2018
GDP cả năm 2018 tăng 7,08% và là mức tăng cao nhất trong 11 năm trở lại đây. Mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu 6,7% đặt ra.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
APEC 2024: Chủ tịch nước Lương Cường gặp lãnh đạo các nền kinh tế
22:18' - 16/11/2024
Bên lề Tuần lễ cấp cao APEC, Chủ tịch nước Lương Cường đã gặp lãnh đạo các nền kinh tế.
-
Kinh tế Việt Nam
Nhiều cơ hội hợp tác Việt-Bỉ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo
21:53' - 16/11/2024
Các cuộc làm việc đã giúp hai bên hiểu rõ hơn về nhu cầu và mong muốn của nhau, từ đó xác định được những lĩnh vực hợp tác ưu tiên.
-
Kinh tế Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ kiêm giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam
21:33' - 16/11/2024
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đã ký Quyết định số 1401/QĐ-TTg ngày 15/11/2024 về việc thay đổi nhân sự Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả
21:00' - 16/11/2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1403/QĐ-TTg ngày 16/11/2024 thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017.
-
Kinh tế Việt Nam
Thanh Hoá đưa 55 tàu ra khỏi danh sách nguy cơ vi phạm khai thác IUU
17:51' - 16/11/2024
Thanh Hóa đã thông báo danh sách 506 tàu cá có nguy cơ cao vi phạm các quy định chống khai thác IUU và đưa 55 tàu ra khỏi danh sách có nguy cơ vi phạm.
-
Kinh tế Việt Nam
Tăng cường hợp tác nhiều mặt giữa Ấn Độ và tỉnh Hòa Bình
17:51' - 16/11/2024
Chiều 16/11, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ Ấn Độ năm 2024” nhằm tăng cường hợp tác nhiều mặt giữa Ấn Độ và tỉnh.
-
Kinh tế Việt Nam
Điều chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
15:14' - 16/11/2024
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương vừa tiến hành Phiên họp điều chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
-
Kinh tế Việt Nam
Lấp lỗ hổng kiểm soát an toàn xe máy
13:45' - 16/11/2024
Mô tô, xe máy chiếm hơn 90% phương tiện tại Việt Nam và số lượng nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến người đi xe máy chiếm hơn 60%.
-
Kinh tế Việt Nam
Chủ tịch nước Lương Cường gặp Tổng thống Indonesia nhân dịp dự Tuần lễ cấp cao APEC
09:31' - 16/11/2024
Chiều 15/11, tại Lima (Peru), Chủ tịch nước Lương Cường đã có cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto.