Tổng Giám đốc IMF hối thúc các nước "tham vọng hơn" trong chính sách khí hậu

11:28' - 01/11/2021
BNEWS Tổng Giám đốc IMF nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu là "mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô".

Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 31/10 kêu gọi lãnh đạo các nước trên thế giới thể hiện tham vọng lớn hơn về các chính sách khí hậu, nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu là "mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô".

Trong bài viết với tiêu đề “Mối đe dọa từ khí hậu đòi hỏi toàn cầu hành động tham vọng hơn”, đăng trên blog của IMF trước khi dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Anh), bà Georgieva cảnh báo nếu không thay đổi về các chính sách toàn cầu, lượng khí thải CO2 năm 2030 sẽ cao hơn nhiều so với mức cần thiết nhằm duy trì mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C.

Theo Tổng Giám đốc IMF, để đạt được mục tiêu cắt giảm này, các nhà hoạch định chính sách tại Hội nghị COP26 cần giải quyết "lỗ hổng" quan trọng về tham vọng và chính sách. Bà hối thúc các nền kinh tế tiên tiến giảm phát thải "vì công bằng và trách nhiệm lịch sử."

Trong bài viết, bà nêu quan điểm cho rằng: “Ngay cả khi các nước đạt được cam kết đặt ra cho năm 2030, mức giảm phát thải này chỉ tương đương từ 1/3 - 2/3 mức cần thiết để đạt mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Thế giới cần phải làm nhiều hơn”.

Người đứng đầu IMF kêu gọi các nền kinh tế tiên tiến tiếp tục thực hiện cam kết từ năm 2020, viện trợ 100 tỷ USD/năm cho các quốc gia có thu nhập thấp để bù đắp chi phí chuyển đổi năng lượng từ nguồn nhiên liệu hóa thạch. Theo bà, số liệu thống kê mới nhất cho thấy “các nước vẫn chưa đạt được mục tiêu này”.

Bà Georgieva đề xuất việc định giá CO2 nên đóng vai trò trung tâm trong các chính sách về khí hậu, đồng thời giúp “giảm phát thải ngay từ đầu". Bà cho rằng giá CO2 trên toàn cầu cần nâng lên vượt mức 75 USD/tấn vào năm 2030 nhằm hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 2 độ C.

Hội nghị COP26 đã chính thức khai mạc ngày 31/10 và sẽ kéo dài đến ngày 12/11. Trong khuôn khổ hội nghị, các nhà đàm phán sẽ tìm cách giải quyết những vấn đề còn tồn tại kể từ khi ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, tìm cách thúc đẩy các nỗ lực nhằm khống chế nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này không tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục