Tổng thống Pháp: G7 nên thảo luận các biện pháp kích thích tăng trưởng

11:32' - 22/08/2019
BNEWS Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nên thảo luận về các biện pháp kích thích tăng trưởng vào cuối tuần này.
Các nhà lãnh đạo G7 trong một phiên họp. Ảnh. AFP/TTXVN

Phát biểu trước báo giới tại Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng trước mối lo ngại về suy thoái kinh tế, các nước phương Tây bao gồm Đức nên thảo luận về các biện pháp kích thích tăng trưởng tại cuộc họp Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra vào cuối tuần này.

Hiện nay, Pháp mong muốn Đức tăng chi tiêu công để đối phó với suy giảm kinh tế. Song, Berlin lại phản đối ý tưởng gia tăng vay mượn và nâng nợ công.

Cuộc họp của Nhóm G7 diễn ra vào giai đoạn khó khăn của mối quan hệ giữa Tổng thống Macron với Thủ tướng Đức Angela Merkel, trong bối cảnh Tổng thống Pháp muốn bà Merkel trở thành đồng minh trong tiến trình cải cách châu Âu.

Căng thẳng giữa hai bên đã bùng lên liên quan đến vấn đề Brexit khi Berlin giữ quan điểm mềm mỏng hơn Paris. Bên cạnh đó, về vấn đề ngân sách, bà Merkel tỏ ra không hài lòng về quyết định tăng thâm hụt ngân sách của Pháp.

Bà Merkel luôn phản đối lời kêu gọi của ông Macron về vấn đề ngân sách chung của Khu vực đồng euro (Eurozone) để cấp tài chính cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và các khoản đầu tư khác tại các thành viên yếu hơn trong khu vực.

Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ diễn ra từ ngày 24-26/8 tại thành phố nghỉ dưỡng ven biển Biarritz (Pháp), do Tổng thống Macron và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đồng chủ trì, với sự tham dự của các lãnh đạo Anh, Đức, Nhật Bản, Canada và Italy.

Chương trình nghị sự của hội nghị năm nay dự kiến sẽ tập trung vào các vấn đề toàn cầu như căng thẳng thương mại, biến đổi khí hậu và thuế công nghệ mà nước chủ nhà Pháp đang thúc đẩy mạnh mẽ.

Trong một diễn biến liên quan, một quan chức Nhật Bản cho biết nhiều khả năng hội nghị G7 năm nay sẽ không ra được tuyên bố chung khi Tổng thống Mỹ được cho là luôn có quan điểm khác biệt với các nhà lãnh đạo còn lại, đặc biệt trong các vấn đề thương mại và môi trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục