Tổng thống Putin và những nỗ lực gây dấu ấn cho nước Nga (Phần 2)

06:30' - 31/07/2018
BNEWS Kể từ cuộc khủng hoảng Crimea và Ukraine năm 2014, hàng loạt sự kiện đã diễn ra dẫn tới những trừng phạt kinh tế và chính trị nặng nề từ phương Tây đối với Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: THX/TTXVN

Trong chính phủ nhiệm kỳ mới, các cá nhân chính chịu trách nhiệm về thiết lập chính sách đối ngoại vẫn tại nhiệm, như Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoygu, trợ lý của tổng thống về các vấn đề quốc tế Yuri Ushakov và những người khác. Điều này có nghĩa là sẽ có ít thay đổi xảy ra.

Chính sách đối ngoại về cơ bản hướng tới mục tiêu bảo vệ độc lập và chủ quyền của Nga trong khi đạt được thỏa thuận với phương Tây ở bất cứ lĩnh vực nào có thể. Các nhà lãnh đạo hiểu rằng một sự tuyệt giao hoàn toàn với phương Tây có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng cho nền kinh tế, và do đó, cho chế độ.

Mặt khác, phương Tây, và đặc biệt là Mỹ, đòi hỏi rằng Nga từ bỏ tất cả các lập trường đàm phán của nước này để đổi lấy lời hứa khôi phục quan hệ - điều khoản mà chế độ của ông Putin không thể đồng ý. Chẳng hạn tại Ukraine, phương Tây đòi hỏi Nga về cơ bản nhường lại Donbass bằng cách chuyển giao quyền kiểm soát biên giới khu vực này cho các quan sát viên quốc tế.

Điều này sẽ dẫn tới việc lặp lại "kịch bản Croatia", trong đó Tổng thống Serbia Slobodan Milosevic đã từ bỏ sự ủng hộ đối với quyền tự trị của người Serbia tại Croatia năm 1995 dưới áp lực của phương Tây. Kết quả là quân đội Serbia được Mỹ vũ trang đã tấn công và phá hủy các khu vực của sắc tộc Serbia và một số lượng đáng kể người Serbia tại Croatia đã bị giết hay phải bỏ chạy sang Serbia.

Hầu như không có khả năng ông Putin đồng ý với một đường lối như vậy vì nó có thể châm ngòi cho sự phản đối mạnh mẽ theo hướng dân tộc chủ nghĩa và đẩy ông tới chính số phận đã xảy ra với Milosevic.

Theo nhận định của nhà nghiên cứu cấp cao Chris Cheang, đăng trên trang mạng trường nghiên cứu quốc tế RSIS, Đại học công nghệ Nanyang (Singapore), cho rằng trên thực tế Nga không hề bị cô lập hoàn toàn. Nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi); khu vực Mỹ Latinh và ASEAN chưa hề đua theo nỗ lực của phương Tây trong việc cô lập Nga; ngay cả Isarel và Hàn Quốc - những thành viên đóng vai trò quan trọng trong chiến lược chính trị-kinh tế của phương Tây, cũng chưa hề tham dự vào các biện pháp trừng phạt Nga.

Nhật Bản, một đồng minh thân cận khác của Mỹ, đã áp dụng các biện pháp trừng phạt rất hạn chế đối với Nga. Các nước có lý do riêng để không tham gia vào nỗ lực trừng phạt Nga của phương Tây cho dù điều này cũng dấy lên câu hỏi về sự gắn kết của phương Tây trong việc đối đầu với Nga.

Sự tham dự của một số lãnh đạo phương Tây như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Diễn Đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburgh diễn ra hồi tháng 5/2018; cuộc gặp của Tổng thống Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại khu nghĩ dưỡng Sochi vào cùng tháng và chuyến thăm Áo của ông Putin để hội đàm với Thủ tướng Áo Sebastian Kurz vào đầu tháng 6 – tất cả đều cho thấy Nga không những không bị cô lập mà thực chất, các nước phương Tây có những cách tiếp cận khác nhau trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới Nga.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) nói chung vẫn là một đối tác kinh tế quan trọng của Nga. Theo một bài báo trên tờ Wall Street Journal của tác giả Andrea Thomas, thương mại giữa Nga và các nước phương Tây, vốn đang đi đầu trong việc trừng phạt Nga lại tăng, điều này “đặt ra câu hỏi về ảnh hưởng lâu dài của các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Moskva.”

Xuất khẩu và nhập khẩu của Mỹ và các quốc gia lớn nhất châu Âu, bao gồm Pháp và Đức, với Nga đã tăng mạnh vào năm 2017 sau ba năm giảm sút. Tỷ lệ này đang ở mức cao nhất kể từ năm 2014, năm Nga sáp nhập Crimea, khiến Mỹ và các đồng minh châu Âu buộc phải áp đặt lệnh trừng phạt.

Theo bài báo này, Nga đã thoát khỏi suy thoái với mức tăng trưởng GDP 1,6% vào năm ngoái, và tổng kim ngạch thương mại giữa EU và Nga đã tăng 17,9% từ năm 2016, đạt 285,8 tỷ USD. Trao đổi thương mại giữa Mỹ và Nga cũng tăng 12,5% năm 2016 và con số này với Pháp, Đức và Italy lần lượt là 26,5%, 19,5% và 17,3%.

Ngoài thương mại, đầu tư từ một số nước châu Âu vào Nga cũng đã tăng khá rõ. Theo số liệu từ Ngân hàng trung ương Nga, đầu tư trực tiếp của Đức vào Nga đã tăng lên 1,08 tỷ USD vào ba quý đầu của năm 2017 từ mức 274 triệu USD năm 2016. Đầu tư của Pháp vào Nga cũng tăng lên 524 triệu USD so với cùng kỳ năm trước là 438 triệu USD.

Khí đốt của Nga cũng là mặt hàng cực kỳ quan trọng đối với các nền kinh tế châu Âu. Phát biểu trước Hội nghị Khí đốt châu Âu tại Vienna (Áo) tháng 1/2018, Chủ tịch tập đoàn dầu khí lớn nhất nước Nga Gazprom, Viktor Zubov, cho biết thị phần khí đốt của công ty này tại thị trường châu Âu, nơi chiếm phần lớn doanh thu, đã tăng từ 33% lên 35% vào năm 2016. Theo một bài báo của Financial Times, xuất khẩu khí đốt của Gazprom sang châu Âu đã tăng vọt trong vài năm trở lại đây, chiếm gần 40% lượng khí đốt của cả châu Âu. 

Mặc dù Nga có thể tuyên bố rằng nước này không hề bị cô lập, song Moskva cũng rất lo ngại nếu các biện pháp trừng phạt vẫn tiếp diễn. Về mặt kinh tế, mối quan hệ thương mại giữa Nga với EU vẫn đang tiến triển mạnh mẽ mặc dù không có một sự bảo đảm nào chắc chắn. Do đó, Tổng thống Putin đã kêu gọi việc dỡ bỏ lệnh cấm vận, gần đây nhất là trong chuyến thăm Vienna hồi đầu tháng 6.

Về mặt chính trị, Tổng thống Putin rất muốn Nga tái gia nhập G7 vì điều này đem lại sự hợp tác và tôn trọng đối với ông Putin từ các lãnh đạo phương Tây. Về mặt chiến lược, việc bình thường hoá quan hệ với phương Tây sẽ làm giảm việc phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc và những nước còn lại. Các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế của Nga vẫn rất cần châu Âu và phương Tây. Nga thực chất vẫn là một nước châu Âu với nhiều lợi ích mang tính toàn cầu.

Hiện tại, Moskva đang theo đuổi một chính sách cân bằng. Và bất chấp các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ chống lại Nga, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tạo ra các điều kiện rất thuận lợi để đạt được một sự cân bằng như vậy.

Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, áp lực kinh tế nước này gây ra đối với châu Âu và Trung Quốc, và lập trường mơ hồ của nước này về vấn đề Triều Tiên khiến Nga có thể làm sâu sắc hợp tác với Trung Quốc, trong khi cải thiện bầu không khí với châu Âu. Tựu trung lại, nó cho phép Moskva tiếp tục thực hiện đường lối hiện nay mà không tạo ra thiệt hại đáng kể./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục