TP. HCM: Đảm bảo thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo đúng định hướng

17:06' - 18/01/2024
BNEWS Cùng với việc tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh còn nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số

Thực hiện hiệu quả cơ chế chính sách của ngành nhằm đảm bảo thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn tăng trưởng và phát triển theo định hướng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh. Thông tin này được ghi nhận tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024 diễn ra ngày 18/1.

 

Cùng với việc tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tp. Hồ Chí Minh còn nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số; tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra, thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng trên địa bàn gắn liền với xử lý nợ xấu.

Với phương châm “Chủ động nắm bắt, cầu thị lắng nghe, minh bạch công khai, cụ thể thiết thực”, ông Võ Minh Tuấn - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho biết, toàn ngành đã đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi, hướng nguồn vốn tín dụng vào nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ và Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh; thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đồng thời cam kết, tiếp tục cùng Thành phố thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy tăng trường kinh tế - xã hội.

Đối với nhóm giải pháp, nâng cao hiệu quả hoạt động, ông Võ Minh Tuấn cho biết, ngành tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng; triển khai các nhiệm vụ tại Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025".

Mặt khác, ngành tăng cường phối hợp trao đổi thông tin với các tổ chức tín dụng tại địa bàn, đôn đốc các tổ chức tín dụng bám sát chủ trương, định hướng, nhất là tuân thủ quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh; hướng dòng vốn tín dụng vào ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng; cạnh tranh lành mạnh, đẩy mạnh tuyền thông chính sách đến mọi đối tượng khách hàng.

Thực hiện với vai trò quản lý Nhà nước, ông Tuấn cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh, hiệu quả chuyển đổi số và cải cách hành chính trong lĩnh vực ngân hàng; tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025"; đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh xử lý, thu hồi nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu mới phát sinh; tăng cường việc chấp hành nghiêm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và quy định trong hoạt động ngân hàng.

Tại hội nghị, ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố tập trung triển khai nhanh, hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị và cơ chế chính sách của ngành. Đặc biệt, chú trọng chuyển đổi số, ứng vốn kịp thời để mang lại những tiện ích cho người dân, doanh nghiệp; đảm bảo an ninh an toàn hệ thống; tăng cường thanh tra, kiểm tra và có biện pháp xử lý nợ xấu kéo dài…

Về phía lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh đáng giá cao hoạt động của ngành ngân hàng thành phố thời gian qua không chỉ tăng cường năng lực, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phát triển mà còn tích cực tham gia hoạt động cộng đồng xã hội tại địa phương.

Trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Dũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố cần phối hợp cùng các sở, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, tăng cường đối thoại, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; có chính sách điều hành tỷ giá phù hợp, linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục