Kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn vay hộ chính sách

17:09' - 17/01/2024
BNEWS Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang vừa tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

Năm 2024, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang phấn đấu thực hiện tăng trưởng tín dụng đạt từ 99% trở lên so với kế hoạch được giao; thực hiện hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch huy động vốn; hoàn thành 100% kế hoạch kiểm tra, giám sát của Ban đại diện hai cấp; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1% so tổng dư nợ; tỷ lệ thu nợ khoanh từ 5% trở lên so tổng nợ khoanh; chất lượng Tổ tiết kiệm và vay vốn loại tốt, khá từ 90% trở lên; tổ yếu dưới 1%.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và Phòng giao dịch cấp huyện tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng tín dụng, cân đối, ưu tiên bố trí vốn ngân sách ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội ngay từ đầu năm để bổ sung vốn, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn ngay từ đầu năm.

Tỉnh phát huy vai trò, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý vốn tín dụng chính sách đầu tư cho người nghèo, đối tượng chính sách khác tại địa phương, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời; nâng cao chất lượng quản lý và hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội; thực hiện hiệu quả việc rà soát, xử lý nợ của khách hàng vay vốn đi khỏi nơi cư trú.

 

Các hội, đoàn thể nhận ủy thác tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động nhận ủy thác, làm tốt công tác nhận diện, bình xét, xác nhận đối tượng đủ điều kiện vay vốn các chương trình tín dụng chính sách; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các tồn tại, sai sót để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả, đôn đốc trả nợ gốc, lãi, nợ đến hạn định kỳ.

“Chính quyền các địa phương và ngành chức năng làm tốt công tác rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn nhằm đảm bảo 100% các đối tượng theo quy định, có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận vốn tín dụng chính sách kịp thời. Đồng thời, gắn kết có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn nhấn mạnh.

Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Kiên Giang, tổng nguồn vốn đến ngày 31/12/2023 đạt trên 5.800 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với năm 2022. Doanh số cho vay đến ngày 31/12 đạt trên 2.000 tỷ đồng, với hơn 46.000 lượt khách hàng được vay vốn; doanh số thu nợ gần 910 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt hơn 5.870 tỷ đồng, tổng số khách hàng còn dư nợ hơn 161.000 hộ, bình quân dư nợ/hộ đạt 36,41 triệu đồng. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh gần 160 tỷ đồng. Tính đến 31/12, chi nhánh có 3.250 Tổ tiết kiệm và vay vốn; trong đó, có 2.193 Tổ xếp loại tốt, 629 Tổ loại khá, 384 Tổ loại trung bình, 44 Tổ xếp loại yếu.

Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp gần 1.500 hộ nghèo, hơn 2.000 hộ cận nghèo và 7.300 hộ mới thoát nghèo có điều kiện tham gia sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo bền vững; hỗ trợ vốn vay cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 11.000 lao động và tạo điều kiện cho 194 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; trên 19.000 hộ gia đình vay vốn để xây dựng mới, cải tạo sửa chữa công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn.

Bên cạnh những kết quả, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế như: Việc thực hiện kiểm tra, giám sát của một số thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh, huyện còn chậm trễ; chất lượng kiểm tra, giám sát của Hội, đoàn thể cấp huyện, cấp xã chưa cao; việc bình xét cho vay còn chồng chéo, chưa đúng quy định; vài nơi thiếu tích cực trong đôn đốc, xử lý thu hồi nợ khoanh, nợ quá hạn, lãi tồn đọng.

Một số hộ sau khi vay vốn bỏ đi làm ăn xa không thực hiện trả nợ theo quy định. Còn một bộ phận người dân chưa có ý thức vươn lên trong cuộc sống, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của nhà nước, không tham gia tiết kiệm và thực hiện nghĩa vụ trả nợ ngân hàng, các thành viên trong gia đình thiếu trách nhiệm với món vay của người đại diện chủ hộ. Do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh… gây thiệt hại tài sản, rủi ro trong sản xuất, kinh doanh làm cho đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của một bộ phận khách hàng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục