TP Hồ Chí Minh: Các nhóm đối tượng nào được phép ra đường từ ngày 23/8 đến 6/9?

20:48' - 21/08/2021
BNEWS Từ 00 giờ ngày 23/8, tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của Thành phố, của Trung ương đóng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện phương án 3 tại chỗ hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”.

Chiều 21/8, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoà Bình đã ký công văn khẩn gửi đến các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cùng các sở, ban ngành, các doanh nghiệp về việc tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Công văn nêu rõ, việc tăng cường một số biện pháp thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 từ ngày 23/8 đến ngày 6/9 nhằm tăng cường siết chặt hơn nữa lưu lượng giao thông trên đường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Các nhóm đối tượng được phép tham gia lưu thông bắt buộc có giấy đi đường và dấu hiệu nhận diện theo quy định.
Do đó, UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo: Từ 00 giờ ngày 23/8 đến ngày 6/9, tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của Thành phố, của Trung ương đóng trên địa bàn Thành phố triển khai thực hiện phương án 3 tại chỗ hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” (tối đa 1/4 tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị) và phải có mặt tại cơ quan, đơn vị trước 0 giờ ngày 23/8.
Các nhóm đối tượng được phép tham gia lưu thông vẫn thực hiện theo công văn số 2718/UBND-VX ngày 15 tháng 8 năm 2021 của UBND Thành phố, bắt buộc có giấy đi đường và dấu hiệu nhận diện theo quy định; riêng lực lượng giao hàng có sử dụng ứng dụng công nghệ (shipper) tạm ngưng hoạt động tại thành phố Thủ Đức và các quận, huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn; đối với các quận, huyện còn lại, shipper chỉ hoạt động trong quận, không chạy liên quận và có dấu hiệu nhận diện riêng theo quy định.
Về việc cấp Giấy đi đường, TP Hồ Chí Minh sẽ cấp Giấy đi đường cho thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp; lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch; xử lý hạ tầng kỹ thuật; đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị: không quá 10% trên tổng số. Các trường hợp đặc biệt khác do Thủ tưởng các cơ quan tự chịu trách nhiệm cấp giấy và có báo cáo cho Công an Thành phố.
Cơ quan được cấp giấy là Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan ban Đảng, đoàn thể, Tổng Công ty trực thuộc Thành phố chịu trách nhiệm cấp giấy cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị quản lý; Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước Trung ương trú đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm cấp giấy cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị quản lý.

UBND, huyện, thành phố Thủ Đức và các phường, xã, thị trấn cấp giấy cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân thuộc đơn vị, địa bàn quản lý (chỉ có hiệu lực trong phạm vi địa bàn quản lý).

UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, các cơ quan cấp phải thông báo số lượng và ký hiệu về Công an Thành phố để kiểm tra, giám sát.
Về đồng phục, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các ngành có đồng phục ngành và công nhân thực hiện các dịch vụ công ích. Riêng công chức, viên chức và các nhóm lực lượng tham gia, hỗ trợ phòng chống dịch khác mặc áo nhận diện do Thành phố cấp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục