Tp. Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp đã thoái vốn 2.500 tỷ đồng

16:45' - 23/06/2017
BNEWS Tính đến hết năm 2016, tại Tp. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp đã thoái vốn 2.500 tỷ đồng, thu được số tiền 3.500 tỷ đồng (tăng 1,4 lần so với giá trị sổ sách).
Tp. Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp đã thoái vốn 2.500 tỷ đồng. Ảnh minh họa: An Hiếu - TTXVN

Ngày 23/6, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp và Ban Đổi mới Quản lý doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo “Một số vấn đề trọng tâm trong thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước”, các đại biểu đã bàn nhiều giải pháp để đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước và chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp sau cổ phần hoá.

Tính đến hết năm 2016, tại Tp. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp đã thoái vốn 2.500 tỷ đồng, thu được số tiền 3.500 tỷ đồng (tăng 1,4 lần so với giá trị sổ sách).

Dự kiến năm 2017, Tp. Hồ Chí Minh sẽ thoái vốn 10 công ty, doanh nghiệp Nhà nước.

Tuy nhiên, quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước vẫn tồn tại những thách thức không nhỏ về giao tài sản, mặt bằng vướng, nhất là tài sản là bất động sản trong các liên doanh – chuyển thành tài sản quản lý tiếp theo, có tranh chấp, nguồn đầu tư dài hạn trong liên doanh...

Đặc biệt, doanh nghiệp giữ tỷ lệ vốn cao không khuyến khích nhà đầu tư tham gia đấu giá mua cổ phần; nhà đầu tư chiến lược chỉ quan tâm đến tài sản doanh nghiệp, nhà xưởng, đất đai.

Tình trạng nhà đầu tư thu gom cổ phiếu để thay đổi hoàn toàn cơ chế cũ hay công tác quản trị doanh nghiệp gần như không thay đổi ở các doanh nghiệp Nhà nước giữ trên 51%, đang là những rào cản đối với quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước.

Ông Huỳnh An Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cholimex cho biết, chính sách người lao động bất hợp lý trong các quy định; cổ phần công ty con trước rồi mới cổ phần công ty mẹ, nên nhiều vấn đề chưa có tiền lệ khiến doanh nghiệp lúng túng khi xử lý.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn liên quan đến xác định lợi thế kinh doanh, thẩm định giá trị quyền sử dụng đất, chỉ xác định một tài sản đất mà mất thời gian hơn 6 tháng.

Trước tình hình thực tế của quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước và phản ánh của các doanh nghiệp, ông Lê Trọng Sang, Trưởng Ban Đổi mới Quản lý doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước cần được đẩy mạnh theo hướng cách công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường; đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Bên cạnh đó, cơ chế kiểm soát nguồn vốn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; thu hút nhà đầu tư chiến lược có năng lực, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống mức đủ để đảm bảo thay đổi quản trị doanh nghiệp một cách thực chất.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục