Tp.Hồ Chí Minh dự kiến vay gần 11.000 tỷ đồng để bù bội chi ngân sách
Đây cũng là tiền đề quan trọng để thành phố đặt mục tiêu thu cao hơn trong năm 2022.
* Thu ngân sách vượt dự toán Chiều 9/12, tại Phiên bế mạc kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân Tp.Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua Nghị quyết về dự toán thu ngân sách Nhà nước; thu, chi ngân sách thành phố năm 2022.Theo đó, trong năm 2022, Tp.Hồ Chí Minh dự kiến thu ngân sách Nhà nước đạt khoảng 386.568 tỷ đồng, tăng 5,9% so với dự toán năm 2021 và tăng 4,3% so ước thực hiện năm 2021; trong đó, thu nội địa đạt 259.568 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 116.500 tỷ đồng và thu từ dầu thô đạt 10.500 tỷ đồng.
Kế hoạch này được đưa ra dựa trên con số thực hiện trong năm 2021. Theo ước tính của UBND Tp.Hồ Chí Minh, trong năm 2021, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 370.483 tỷ đồng, đạt 101,3% dự toán năm. Đây được xem là điểm sáng đáng chú ý trong bức tranh kinh tế của thành phố năm 2021. Theo ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 với thời gian giãn cách xã hội kéo dài đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nhất là các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) năm 2021 của Tp.Hồ Chí Minh giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2020. GRDP của Tp.Hồ Chí Minh tăng 1,39%, không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 6%; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 13,7%; công nghiệp, xây dựng giảm 13%; dịch vụ giảm 5,5%, tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm 15,8%... Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, Tp.Hồ Chí Minh cũng triển khai các chính sách giảm, giãn thuế theo quy định. Do đó, số thu ngân sách trên địa bàn thành phố từ tháng 5 đến nay có xu hướng giảm dần so với số thu của tháng trước. Đáng chú ý, trong tháng 8 và 9/2021, số thu ngân sách giảm mạnh so với cùng kỳ, kéo theo nguy cơ hụt thu ngân sách là rất lớn. Tuy nhiên, với sự chủ động điều hành của UBND thành phố, ngành tài chính cùng các sở ngành, địa phương đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, nuôi dưỡng nguồn thu. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh khả quan từ các doanh nghiệp trong khối kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng trong nửa năm đầu và tác động từ chính sách gia hạn thời gian nộp thuế theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP đã giúp thu ngân sách đạt khả quan trong năm 2021. * Dự kiến vay gần 11.000 tỷ đồng để bù bội chi ngân sách Một trong những điểm đáng chú ý khác trong kế hoạch thu, chi ngân sách năm 2022 của Tp.Hồ Chí Minh vừa được Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt, đó là thành phố dự kiến vay trên 10.919 tỷ đồng trong năm 2022 để bù đắp bội chi ngân sách và vay để trả nợ gốc.Theo kế hoạch, dự toán thu ngân sách địa phương trong năm 2022 của Tp.Hồ Chí Minh là 89.739 tỷ đồng, tăng 9,29% so với dự toán năm 2021; trong đó, ngân sách được hưởng theo phân cấp là 84.121 tỷ đồng; thu bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương để thực hiện một số công trình, dự án đầu tư và chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu khác là 2.090 tỷ đồng; từ nguồn cải cách tiền lương chuyển sang là 2.709 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng dự toán chi ngân sách địa phương năm 2022 là 99.669 tỷ đồng; trong đó, chi đầu tư phát triển là 43.546 tỷ đồng, chi thường xuyên là 48.663 tỷ đồng, dự phòng ngân sách là 3.400 tỷ đồng… Với dự toán trên, thành phố sẽ bội chi ngân sách địa phương gần 9.930 tỷ đồng. Để bù đắp, UBND Tp.Hồ Chí Minh dự kiến sẽ vay trên 10.919 tỷ đồng; trong đó, vay để bù đắp bội chi ngân sách là 9.930 tỷ đồng và vay để trả nợ gốc là 989 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn Chính phủ về cho vay lại (7.767 tỷ đồng) và vay trong nước (3.152 tỷ đồng). Đối với khoản vay trong nước, Tp.Hồ Chí Minh dự kiến sẽ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2022 để có nguồn thu thực hiện các kế hoạch đề ra. Theo UBND Tp.Hồ Chí Minh, trong giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19, nhiệm vụ chi ngân sách của thành phố được xây dựng trên tinh thần triệt để tiết kiệm, tập trung tối đa nguồn lực để đáp ứng việc phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; bố trí hợp lý dự phòng ngân sách nhằm đảm bảo xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Đáng chú ý, UBND Tp.Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở, ban ngành, quận, huyện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của năm 2021 và các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai, không thể triển khai do tình hình dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết số 58/NQ-CP và Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ. Với kế hoạch thu, chi ngân sách đã đề ra, Hội đồng nhân dân Tp.Hồ Chí Minh cũng giao UBND thành phố căn cứ Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và là cơ sở để cân đối, xem xét, định hướng cho việc lập dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm; bảo đảm cân đối, quản lý ngân sách theo quy định. UBND thành phố phải tập trung thực hiện giải pháp điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và tài chính ngân sách tháng cuối năm 2021. Đồng thời, tập trung rà soát chế độ, chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động và sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo quy định của Chính phủ và thành phố. Đặc biệt, các khoản chi hỗ trợ đảm bảo chi đúng đối tượng, chế độ, thời gian, không để xảy ra trục lợi chính sách. Theo Hội đồng nhân dân Tp.Hồ Chí Minh, năm 2022, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; nền kinh tế trong nước còn khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặt ra nhiều thách thức. Do đó, UBND Tp.Hồ Chí Minh cần phân tích, dự báo tình hình, đánh giá, rút kinh nghiệm trong thực hiện thu, chi ngân sách năm 2021. Từ đó, chủ động đề ra biện pháp đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu, chi ngân sách được giao, tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội thành phố. Ngoài ra, UBND Tp.Hồ Chí Minh cơ cấu, sáp nhập, dừng, giải thể các Quỹ tài chính ngoài ngân sách hoạt động không hiệu quả, không đúng mục đích, chưa theo đúng quy định; tiếp tục thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, đầu mối khu vực sự nghiệp công lập…/.- Từ khóa :
- tp hồ chí minh
- dịch covid
- covid 19
- dịch covid tại tphcm
Tin liên quan
-
Kinh tế & Xã hội
Ngày 9/12, ghi nhận thêm 15.311 ca nhiễm COVID-19 mới
18:15' - 09/12/2021
Theo bản tin Bộ Y tế, tính từ 16h ngày 08/12 đến 16h ngày 9/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 15.311 ca nhiễm mới.
-
Kinh tế & Xã hội
Nỗ lực tìm ra những "ẩn số" đối với nhóm người mắc "Long COVID"
14:30' - 09/12/2021
Dịch COVID-19 vẫn còn nhiều "ẩn số" đối với giới chuyên gia, trong đó có những di chứng kéo dài đối với một nhóm người sau khi khỏi bệnh, còn được biết đến là "Long COVID".
-
Kinh tế & Xã hội
Tiếp cận tối đa các loại thuốc điều trị COVID-19 đưa về Việt Nam
12:28' - 09/12/2021
Đến nay Việt Nam đã đưa vào sử dụng nhiều loại thuốc trong điều trị bệnh nhân COVID-19 như thuốc ức chế sự nhân lên của virus: Molnupiravir, Remdesivir, Favipiravir,...
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm nhân sự Bộ Quốc phòng
22:25' - 24/04/2025
Ngày 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký các Quyết định điều động, bổ nhiệm nhân sự Bộ Quốc phòng.
-
Kinh tế Việt Nam
Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác dầu khí với Algeria
20:12' - 24/04/2025
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã tiếp và làm việc với Nghị sỹ Saleh Djeghloul, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Algeria - Việt Nam sang công tác tại Hà Nội từ ngày 21 - 26/4/2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Áp lực cho logistics Việt trên đường đua số và xanh
19:49' - 24/04/2025
Chiều 24/4, Báo Công Thương phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo “Cơ hội để logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0”.
-
Kinh tế Việt Nam
Triển lãm công nghệ GITEX Asia 2025: Cửa ngõ kết nối toàn cầu cho doanh nghiệp Việt Nam
19:16' - 24/04/2025
Tại GITEX Asia Singapore, Việt Nam gây ấn tượng với Gian hàng Việt Nam và “Ngày Việt Nam” nhằm kết nối cộng đồng khởi nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam với toàn cầu
-
Kinh tế Việt Nam
Cơ hội hợp tác về giải pháp công nghệ đầu tư phát triển năng lượng sạch
17:59' - 24/04/2025
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) và Hội đồng Điện lực Trung Quốc (CEC) phối hợp tổ chức Diễn đàn Quốc tế Năng lượng Việt Nam – Trung Quốc – ASEAN 2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Chấn chỉnh hoạt động đăng kiểm từ gốc
17:13' - 24/04/2025
Để từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm định, các cơ sở đăng kiểm đã chủ động rà soát, chấn chỉnh thái độ phục vụ không đúng mực của một số đăng kiểm viên.
-
Kinh tế Việt Nam
Thành lập Hội đồng Tư vấn chính sách
17:13' - 24/04/2025
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 812/QĐ-TTg ngày 24/4/2025 về việc thành lập Hội đồng Tư vấn chính sách.
-
Kinh tế Việt Nam
TTXVN tổ chức gặp mặt truyền thống Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
16:59' - 24/04/2025
Chương trình có sự tham dự của nhiều cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên và nhân viên của Thông tấn xã Việt Nam từng tham gia các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.
-
Kinh tế Việt Nam
Giải pháp nào kiểm soát ô nhiễm không khí, cải thiện chất lượng môi trường?
16:25' - 24/04/2025
Ô nhiễm không khí là một trong những thách thức môi trường nghiêm trọng tại Việt Nam. Số liệu quan trắc và chỉ số chất lượng môi trường không khí tại các thành phố này thường xuyên ở mức trung bình