Tp. Hồ Chí Minh làm việc với hơn 30 doanh nghiệp cơ khí - điện

16:10' - 18/07/2018
BNEWS Trong nhiều yếu tố gây khó và cản trở sự phát triển cho doanh nghiệp ngành cơ khí trong nhiều năm qua phải kể đến chính sách thuế.
Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong và một số sở ngành thành phố đã có buổi làm việc với hơn 30 doanh nghiệp thuộc Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Ngày 18/7, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh và một số sở ngành thành phố đã có buổi làm việc với hơn 30 doanh nghiệp thuộc Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện Tp. Hồ Chí Minh để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - điện.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí – điện Tp. Hồ Chí Mình cho biết, trong nhiều yếu tố gây khó và cản trở sự phát triển cho doanh nghiệp ngành cơ khí trong nhiều năm qua phải kể đến chính sách thuế. Cụ thể, doanh nghiệp nhập khẩu máy móc nguyên chiếc thì được hưởng mức thuế 0%, nhưng doanh nghiệp sản xuất trong nước nhập khẩu linh kiện sản xuất thì phải chịu mức thuế 10%.

Bên cạnh đó, một số bất cập khác trong chính sách thuế không chỉ dẫn đến sự chênh lệch về giá thành sản phẩm, mà còn làm cho thương hiệu sản phẩm chế tạo tại Việt Nam không thể so sánh với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu…

Đồng thời, thị trường tiêu dùng sản phẩm cơ khí doanh nghiệp nội bị hạn chế.

Một số doanh nghiệp kiến nghị về việc đang chịu sự đối xử không công bằng so với doanh nghiệp FDI. Điển hình, doanh nghiệp FDI được các cơ quan chức năng tìm mọi giải pháp hỗ trợ đất đầu tư nhà xưởng, cơ chế tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất.

Trong khi đó, doanh nghiệp nội phải chật vật tự tìm đất, địa điểm đầu tư sản xuất kinh doanh và gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận cơ chế hỗ trợ thì rất khó tiếp cận.

Việc đầu tư thu hút FDI nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội tham gia chuỗi cung ứng nhưng trên thực tế doanh nghiệp nội khó tham gia. Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI chỉ ưu tiên sử dụng sản phẩm thân hữu.

Đơn cử, Samsung hiện đang chuẩn bị đưa 200 doanh nghiệp cung ứng đầu tư vào Việt Nam thay vì ưu tiên sử dụng sản phẩm cung ứng nội địa.

Một thực tế nữa cho thấy, các doanh nghiệp nội có khả năng cung ứng tham gia chuỗi toàn cầu không thể tiếp cận được doanh nghiệp FDI đầu cuối, do các doanh nghiệp FDI từ chối tiếp nhận sản phẩm của doanh nghiệp nội.

Do đó, cùng với việc thu hút FDI, cần ràng buộc tỷ lệ sử dụng sản phẩm nội địa, thì mới thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội.

Liên quan đến việc mở rộng thị trường cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, khi đàm phán đầu tư với nước ngoài để nhận được nhiều ưu đãi của Chính phủ Việt Nam thì cần có điều khoản ràng buộc nhà đầu tư phải sử dụng tỷ lệ nhất định sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam sản xuất.

Thông qua đó, mới mang lại cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài, phát triển sản xuất, tiến đến phát triển sản phẩm hoàn chỉnh.

Mặt khác, các sở ngành Tp. Hồ Chí Minh sớm triển khai kế hoạch đầu tư các khu công nghiệp do Nhà nước làm chủ đầu tư để tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất với chi phí thấp cho ngành cơ khí.

Các đơn vị quản lý Nhà nước tăng cường hỗ trợ tạo các liên kết giữa các doanh nghiệp bằng cách xây dựng các cụm công nghiệp cơ khí – điện – tự động hóa với chi phí mặt bằng thấp.

Điều đó để các doanh nghiệp tham gia vào cụm dễ dàng hợp tác tạo sức mạnh tổng hợp để các doanh nghiệp có đủ năng lực trở thành đối tác tin cậy của các doanh nghiệp FDI, cũng như các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo đó, có kế hoạch đào tạo nguồn lực, bố trí ngân sách hỗ trợ một phần kinh phí để doanh nghiệp đầu tư các hệ thống quản trị mới nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững - nhiều doanh nghiệp đề xuất.

Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định, vấn đề nào thuộc thẩm quyền thì thành phố sẽ tháo gỡ ngay; riêng những nội dung vượt thẩm quyền sẽ kiến nghị Trung ương.

Ông Nguyễn Thành Phong cũng nhận định, các hiệp hội đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp và lãnh đạo thành phố.

Chậm nhất, giữa tháng 8/2018, Tp. Hồ Chí Minh sẽ triển khai một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn phát triển mạnh hơn; trong đó, chú trọng tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, giải quyết hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp... trên tinh thần doanh nghiệp tạo ra năng lực cạnh tranh của thành phố, còn chính quyền tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

Tuy nhiên, muốn tạo dựng sự phát triển ngành cơ khí - điện trong tương lai thì các doanh nghiệp cần liên kết với nhau. Hiện sự liên kết này còn rất lỏng lẻo, thậm chí trong nhiều trường hợp còn cạnh tranh không lành mạnh làm triệt tiêu nội lực phát triển của nhau.

Riêng với vấn đề thu hút đầu tư FDI cần xác định là kênh tạo nguồn vốn nhưng quan trọng vẫn phát triển vẫn là nội lực của doanh nghiệp trong nước.

Do đó, Tp. Hồ Chí Minh sẽ chủ động hạn chế tình trạng thu hút đầu tư thiếu tính toán, gây những hệ quả xã hội, môi trường nghiêm trọng mà hiệu quả đầu tư không nhiều, ông Nguyễn Thành Phong cho hay.

Hiện nay, Tp. Hồ Chí Minh xác định 4 ngành công nghiệp chủ lực là cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa nhựa, chế biến tinh lương thực - thực phẩm.

Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của 4 ngành công nghiệp chủ lực tăng nhanh, cao hơn trong giá trị sản lượng của ngành công nghiệp thành phố.

Tuy nhiên, đi sâu phân tích cho thấy, 4 ngành công nghiệp chủ lực còn có những điểm nghẽn cần giải quyết, xử lý tháo gỡ để phát triển nhanh hơn./.

Xem thêm:

>>>Việt Nam tham dự triển lãm cơ khí chế tạo và công nghiệp phụ trợ ở Nhật Bản

>>>Thành công giữa Mazda và Thaco đóng góp lớn vào sự hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục