Tp. Hồ Chí Minh nỗ lực chống thất thu ngân sách

14:52' - 03/10/2023
BNEWS Ngành tài chính Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra một số giải pháp nhằm nuôi dưỡng nguồn thu, đảm bảo mục tiêu dự toán ngân sách đã đề ra.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh trong 9 tháng năm 2023 mới đạt hơn 69% dự toán được giao, bất ngờ nằm trong các tỉnh, thành có mức hoàn thành dự toán ngân sách thấp nhất cả nước. Nhiều khả năng sẽ có một số khoản thu không đạt dự toán được giao trong năm nay.

Trước bối cảnh này, ngành tài chính thành phố đã đưa ra một số giải pháp nhằm nuôi dưỡng nguồn thu, đảm bảo mục tiêu dự toán ngân sách đã đề ra.

* Nhiều khoản thu hụt sâu

Theo số liệu của Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố trong 9 tháng ước thực hiện 326.193 tỷ đồng, đạt 69,4% dự toán và giảm 6,4% so với cùng kỳ. Trong cả 3 nguồn thu chính, chỉ có khoản thu từ dầu thô đã về đích dự toán được giao. Còn lại các nguồn thu khác được dự báo vẫn còn gặp nhiều khó khăn để hoàn thành dự toán trong năm.

 

Cụ thể, thu từ dầu thô ước thực hiện 18.518 tỷ đồng, vượt 15,7% dự toán, chiếm 5,7% tổng thu cân đối và giảm 16,6% so với cùng kỳ. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 93.508 tỷ đồng, đạt 64,1% dự toán, chiếm 28,7% tổng thu cân đối và giảm 11,3%.

Thu nội địa ước thực hiện 214.163 tỷ đồng, đạt 69,6% dự toán, chiếm 65,6% tổng thu cân đối và giảm 3% so với cùng kỳ. Trong số đó, thu từ doanh nghiệp Nhà nước ước thực hiện 21.114 tỷ đồng, đạt 67,9% dự toán, chiếm 6,5% tổng thu và giảm 10%; thu từ khu vực ngoài Nhà nước ước thực hiện 64.342 tỷ đồng, đạt 73,9% dự toán, chiếm 19,7% tổng thu và tăng 10,3%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện 51.872 tỷ đồng, đạt 73,9% dự toán, chiếm 15,9% tổng thu và tăng 0,2%.

Về việc chỉ thực hiện hơn 69% dự toán được giao, ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, thành phố là một trong những địa phương có số thu ngân sách thấp nhất so với bình quân chung của cả nước. Nguyên nhân là hoạt động thu ngân sách Nhà nước của thành phố thời gian qua bị ảnh hưởng nhiều từ hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Đáng chú ý, nhiều khoản thu vốn là thế mạnh của Tp. Hồ Chí Minh nhưng lại sụt giảm sâu do ảnh hưởng của tình hình khó khăn của thị trường. Trong số đó, có nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng nề, do nhiều ngành hàng xuất khẩu như dệt may, da giày… giảm sâu. Trong khi nhập khẩu mặt hàng linh kiện vi tính điện tử cũng giảm; dẫn tới kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 7,2% so với cùng kỳ.

"Nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân vốn là thế mạnh của Tp. Hồ Chí Minh so với cả nước, thường chiếm trên 10% tổng số thu nhập cá nhân cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua ghi nhận khoản thu này giảm sâu, nhất là thu từ hoạt động bất động sản, thu từ chuyển nhượng, làm hồ sơ trước bạ nhà đất đều giảm. Trong khi thu từ hoạt động đầu tư kinh doanh chứng khoán cũng giảm sâu so với năm ngoái", ông Lê Duy Minh cho biết.

Nói thêm nguyên nhân khiến nguồn thu đất đai lại hụt sâu trong năm nay, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thị trường bất động sản trầm lắng khiến hoạt động liên quan cũng kém sôi động. Đến thời điểm này thành phố mới giải quyết trên 234.000 hồ sơ mua bán, thế chấp, rút vốn… chỉ đạt 62% so với cùng kỳ.

"Nếu như cùng kỳ năm trước, nguồn thu thuế thu nhập từ giải quyết mua bán nhà đất đạt trên 4.200 tỷ đồng thì nay chỉ thu được 2.900 tỷ đồng. Thu thuế trước bạ kỳ này cũng chỉ đạt 900 tỷ đồng, trong khi năm 2022 là 1.100 tỷ đồng. Hoạt động thu từ đất đai nhìn chung chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi năm 2022 cũng không phải là đỉnh cao của việc mua bán nhà đất. Điều này phần nào lý giải nguyên nhân khiến nguồn thu từ đất đai giảm sâu so với cùng kỳ trong 9 tháng năm nay", ông Thắng cho biết.

Chưa kể, thành phố cũng triển khai một loạt chính sách miễn giảm, gia hạn thuế, phí theo chủ trương chung của Quốc hội, Chính phủ như miễn giảm gia hạn thuế, giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng… cho người dân, doanh nghiệp. Các chính sách này phần nào hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, song cũng ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách nhà nước trong năm nay.

* Rốt ráo xử lý nợ đọng, nuôi dưỡng nguồn thu

Trong năm 2023, Tp. Hồ Chí Minh được giao thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn là 469.375 tỷ đồng. Với bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, ngành tài chính thành phố dự báo một số khoản thu khó đạt dự toán ngân sách đã đề ra, nhất là thu từ đất đai và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh lo ngại nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu khó đạt dự toán trong năm nay. Đơn vị này ước số thu từ xuất nhập khẩu chỉ đạt 123.105 tỷ đồng trong năm 2023, đạt 84,43% chỉ tiêu pháp lệnh, giảm 13,93% so với năm 2022.

Để hoàn thành cao nhất kế hoạch thu ngân sách đã đề ra, ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính Tp. Hồ Chí Minh cho biết, ngành tài chính thành phố đang đẩy mạnh một số giải pháp để nuôi dưỡng nguồn thu cũng như chống thất thu ngân sách.

Theo đó, Sở Tài chính thành phố cũng sẽ phối hợp với các sở ngành, quận huyện tham mưu, xây dựng thực hiện chính sách để phát huy nhanh chóng các cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh để tăng nguồn thu; đồng thời, rà soát tăng nguồn thu từ đất để tạo nguồn lực bố trí chi đầu tư trên địa bàn; tăng cường tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, tiếp tục các chính sách miễn giảm thuế để nuôi dưỡng nguồn thu.

Đặc biệt, việc triển khai các biện pháp chống thất thu, thu hồi nợ đọng tiền thuế là một trong giải pháp trọng tâm của ngành thuế trong 3 tháng cuối năm. "Hiện số nợ đọng thuế trên địa bàn còn khá lớn. Tp. Hồ Chí Minh cũng là 1 trong những địa phương có nợ đọng chiếm tỷ lệ cao trong cả nước. Do đó, việc làm thế nào để giảm nợ đọng, tăng cường số thu đang được ngành thuế đặt ra để đảm bảo hoàn thành dự toán năm 2023", ông Minh cho biết.

Tính đến hết ngày 30/6/2023, tổng số tiền nợ thuế trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh ghi nhận tới 43.022 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cuối năm 2022. Đáng lưu ý, trong số hơn 43.000 tỷ đồng nợ thuế này, có 12.672 tỷ đồng tiền thuế nợ là các trường hợp tăng đột biến.

Trước tình trạng nợ đọng thuế tăng cao, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó cục trưởng Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh, hiện ngành thuế Tp. Hồ Chí Minh đang tập trung tăng cường các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo quy định; đồng thời, đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, địa phương trong việc thu hồi nợ đọng, đặc biệt là xử lý thu hồi các khoản nợ trong lĩnh vực đất đai, bất động sản. Ngành thuế phấn đấu tổng nợ có khả năng thu không vượt quá 5% tổng số thu ngân sách năm 2023.

Riêng về nguồn thu từ đất đai, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2023, thành phố xây dựng kế hoạch thẩm định 43 dự án đầu tư, dự kiến thu về khoảng 25.000 tỷ đồng cho ngân sách thành phố, tăng 5.000 tỷ đồng so với con số thực hiện của năm 2022.

Đến thời điểm này, UBND đã thông qua 29 dự án, với số tiền thu được trên 7.800 tỷ đồng. Các dự án khác hiện đang được đẩy mạnh triển khai thực hiện, nhằm đảm bảo lộ trình, kế hoạch được giao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục