TPP: Nói đến khó khăn không phải là để sợ hãi

08:00' - 15/10/2015
BNEWS Tham gia TPP Việt Nam cần xác định phải “chiến đấu” với hội nhập. Việt Nam cần vượt qua và giảm thiểu những tác động tiêu cực, chứ không phải nói đến khó khăn, thách thức để sợ hãi.
TS. Võ Trí Thành: "Nói đến khó khăn không phải là để sợ hãi". Ảnh: TTXVN

Việc 12 nước tham gia đàm phán TPP đạt được thỏa thuận đang mở ra cơ hội cho Việt Nam bước vào một “sân chơi” rộng lớn và có ý nghĩa quyết định cho tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

Theo TS. Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tham gia TPP Việt Nam cần xác định là phải “chiến đấu” với hội nhập. Việt Nam cần vượt qua và giảm thiểu những tác động tiêu cực, chứ không phải nói đến khó khăn, thách thức để sợ hãi.

Một sự thuận lợi không nhỏ là TPP sẽ tạo động lực cho cải cách trong nước vì những cam kết trong TPP thuận chiều với những nỗ lực mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện. Dưới đây là nội dung TS Võ Trí Thành đã trao đổi với phóng viên Kinh tế Việt Nam và Thế giới xung quanh việc tham gia sân chơi TPP.

 PV: Đàm phán TPP đã kết thúc, tuy nhiên, dự báo tiến trình để quốc hội các nước thông qua có thể mất thời gian dài. Như vậy, có nên xem đây là khoảng thời gian để Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp có thêm những chuẩn bị cần thiết trước khi Hiệp định có hiệu lực không thưa ông?

 TS. Võ Trí Thành: TPP là Hiệp định chất lượng cao nên không chỉ quá trình đàm phán khó khăn mà quá trình hoàn tất, cho đến việc các nước thông qua để Hiệp định có hiệu lực cũng rất phức tạp. Mỗi nước có quy trình, cách nhìn nhận về Hiệp định cũng khác nhau. Đặc biệt, đối với Hoa Kỳ, thông thường các thành viên khác thông qua Hoa Kỳ mới thông qua.

Trong khi đó, thời điểm đó lại vào đúng năm bầu cử (2016), một thời điểm khá quan trọng với Hoa Kỳ, nên quá trình thông qua còn khó khăn hơn. Tuy nhiên, tôi tin rằng, Hoa Kỳ đã có chiến lược xoay trục sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nên Hoa Kỳ sẽ nỗ lực để hoàn tất các thủ tục thông qua Hiệp định một cách “thuận buồm xuôi gió”.

Rất nhiều người cho rằng, để TPP có hiệu lực thực thi phải bắt đầu từ năm 2017. Như vậy, đây cũng là một khoảng thời gian rất tốt cho Việt Nam nhìn nhận kỹ lưỡng hơn về những tác động ảnh hưởng, cả tích cực và tiêu cực đối với các lĩnh vực khác nhau để có công tác chuẩn bị tốt hơn.

Đối với một số ngành hàng sẽ chịu tác động tiêu cực từ TPP, cần làm sao giảm thiểu các rủi ro mang lại. Các ngành hàng, lĩnh vực này, cần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực có lợi thế.

Bên cạnh đó các lĩnh vực này cần được sự hỗ trợ của Nhà nước để hỗ trợ cho các doanh nghiệp điều chỉnh hoặc chuyển đổi lĩnh vực sản xuất, hoặc tìm ra những thị trường ngách để giữ được khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, Nhà nước cần hỗ trợ trực tiếp về thu nhập, hỗ trợ nâng cao năng lực, đào tạo…

Đối với một số lĩnh vực được đánh giá có lợi thế, cần tận dụng tối đa cơ hội mới này để phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường xuất khẩu.

Các ngành hàng cần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực có lợi thế. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

PV: Sau khi TPP có hiệu lực, ông có dự báo như thế nào về các rào cản phi thuế quan giữa các quốc gia trong khối?

TS Võ Trí Thành. Một trong những trụ cột chủ yếu của TPP là tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. TPP có mức độ tự do hóa rất cao nên việc bãi bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan sẽ rất mạnh.

Tuy nhiên, TPP lại đặt ra những tiêu chuẩn kỹ thuật hay hàng rào kỹ thuật  cao hơn. Những tiêu chuẩn này sẽ có từ những tiêu chuẩn về đảm bảo an toàn, chất lượng cuộc sống con người cho đến những tiêu chuẩn gắn với môi trường, lao động… Điều này sẽ có tác động đến doanh nghiệp.

Trong ngắn hạn, có thể buộc doanh nghiệp phải có những tổn phí nhất định để đáp ứng những tiêu chuẩn, yêu cầu ấy. Những doanh nghiệp nào đáp ứng được những tiêu chuẩn kỹ thuật như vậy thì sức cạnh tranh, hình ảnh, thương hiệu sẽ được cải thiện rất nhiều trong trung và dài hạn.

Để tận dụng được cơ hội doanh nghiệp cần đáp ứng được nguyên tắc xuất xứ, làm sao đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật, các tiêu chuẩn khác như môi trường, lao động; hiểu về các kênh phân phối, nhu cầu thị trường, cạnh tranh qua tỷ giá; những công cụ để giảm thiểu các rủi ro như rủi ro tỷ giá, pháp lý, thị trường…

PV: TPP có những cam kết chặt chẽ và toàn diện, điều này tác động như thế nào đến việc hoàn thiện thể chế kinh tế của Việt Nam thưa ông?

TS. Võ Trí Thành: TPP và các FTA chất lượng cao khác là những chất xúc tác đầy ý nghĩa đối với xuất khẩu, hoạt động kinh tế, đầu tư nhưng có lẽ có ý nghĩa nhất là với cải cách trong nước. Điều này bao gồm: Cải cách thể chế kinh tế; cải thiện môi trường kinh doanh; cải thiện cách ứng xử của bộ máy nhà nước đối với một nền kinh tế thị trường…

Những cam kết trong TPP sẽ là một nhân tố quan trọng thuận chiều với những gì Việt Nam đang muốn cải cách như đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế.

PV: Rõ ràng tham gia TPP chúng ta sẽ phải chấp nhận những rủi ro thách thức. Việt Nam cần ứng xử như thế nào để đạt mục tiêu hiệu quả nhất?  

TS. Võ Trí Thành: Ý tưởng và mục tiêu của Việt Nam là hội nhập nên chúng ta cần xác định là phải “chiến đấu” với hội nhập. Chúng ta cần vượt qua và giảm thiểu những tác động tiêu cực, chứ không phải nói đến khó khăn, thách thức để sợ hãi. Xác định hội nhập Việt Nam phải tuân thủ với cam kết. Chính phủ phải thay đổi cách ứng xử cho phù hợp với cam kết.

Ở một số lĩnh vực, ngành bị tác động tiêu cực do không đủ sức cạnh tranh, không đủ lợi thế cạnh tranh, phải thu hẹp thậm chí dừng sản xuất kinh doanh. Điều này có thể dẫn tới dư thừa lao động… Vì thế Chính phủ phải nỗ lực để giảm những chi phí đó. 

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phải có những chi phí cho hội nhập như phải thay đổi luật lệ, quy định… Tuy nhiên, chúng ta sẽ được nhiều cái hơn như môi trường kinh doanh cải thiện tốt hơn, trung dài hạn thì đầu tư vào nhiều hơn, sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, cạnh tranh tốt hơn.

PV: Ông có thể cho một số lời khuyên đối với các ngành nghề để có thể tận dụng được TPP?

Tham gia hội nhập nói chung, ngành nghề mạnh yếu thế nào vẫn có thể tham gia được. Tuy nhiên, cần tham gia vào những phân khúc của chuỗi, mạng phù hợp mới thực sự đem lại hiệu quả.

Bên cạnh đó, các ngành nghề cũng cần tái cơ cấu lại, nếu cần có thể chuyển dịch sang ngành nghề, lĩnh vực khác phù hợp hơn với môi trường cạnh tranh và lợi thế của mình.

Cuối cùng, các doanh nghiệp trong bất cứ ngành nghề nào cũng đừng nhìn trong một thị trường của mình. Thay vì lo cạnh tranh trên sân nhà cần vươn ra các thị trường bên ngoài. Khi có sân chơi rộng hơn, lợi thế so sánh của ngành nghề mình không chỉ phát huy trên chính sân nhà mà có thể phát huy trên thị trường quốc tế.

PV: Xin cảm ơn ông!

Huy Linh (Thực hiện)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục