Trả lương thấp, doanh nghiệp khó tuyển dụng được lao động

10:19' - 07/01/2016
BNEWS Nhiều ý kiến từ cán bộ quản lý, người lao động cho rằng, doanh nghiệp khó tìm được lao động tại địa phương trong thời điểm này vì chi trả tiền công ở mức thấp.
Lao động làm chăn, ga, gối đệm tại xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Nguyễn Thảo -TTXVN

Thời điểm cuối năm 2015 và đầu năm 2016, nhiều doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã treo băng rôn, bảng thông báo tuyển dụng lao động phổ thông với số lượng lớn. Có doanh nghiệp cần tới cả ngàn lao động nhưng chỉ tuyển được 30% đến 40% nhu cầu khiến sản xuất gặp khó khăn, đình trệ.

Nhiều ý kiến từ cán bộ quản lý, người lao động cho rằng, doanh nghiệp khó tìm được lao động tại địa phương trong thời điểm này vì chi trả tiền công ở mức thấp.

Trong khi đó, một số tỉnh thành đang tìm mọi cách để thu hút lao động với chính sách đãi ngộ tốt hơn. Hiện đang là thời điểm xây dựng nhiều công trình, nhà ở, do đó cần rất nhiều lao động phổ thông và thu nhập lĩnh vực xây dựng cũng cao hơn nhóm doanh nghiệp, người lao động làm tại các khu công nghiệp.

Trong năm 2015, Vĩnh Phúc có 89 doanh nghiệp đã báo cáo về tuyển dụng lao động với hơn 7.400 lao động. Các doanh nghiệp này cũng thông báo chấm dứt gần 4.900 lao động với các lý do nghỉ hưu, hết thời hạn hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng, sa thải, bỏ việc...

Mặc dù thường xuyên thông báo tuyển dụng nhưng vẫn khó thu hút lao động do cùng lúc nhiều doanh nghiệp thông báo, mời gọi. Ở những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại Vĩnh Phúc, mức thu nhập thường thấp hơn mức bình quân so với các ngành nghề trong tỉnh, phổ biến trên dưới 4 triệu đồng/người/tháng.

Chị Nguyễn Thị Hải, công nhân may công nghiệp tại Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, cho biết phần lớn các ngày làm việc đều phải làm thêm giờ mà thu nhập cũng chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng. Do đó, ít có thời gian chăm sóc gia đình, con nhỏ nên khi có cơ hội mới, công việc nhàn hạ hơn và thu nhập khá hơn thì chị sẽ đổi việc.

Anh Nguyễn Văn Ngà, quê huyện Vĩnh Tường, thợ cả trong xây dựng, chuyên nhận các công trình và đón thợ để thi công công trình nhà ở cho người dân tại thành phố Vĩnh Yên cho hay, một ngày công xây dựng với thợ bình thường hiện nay là 250.000 - 270.000 đồng/công và được nuôi ăn ở.

Nếu so với lao động phổ thông trong doanh nghiệp thì cao hơn nhiều và đây là lý do con em ở quê học hành xong thích đi làm ngành nghề tự do hơn.

Lao động làm việc tại Công ty Cổ phần Prime Đại Việt trong khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Ảnh: Trần Việt-TTXVN

Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có buổi làm việc với gần 20 doanh nghiệp đang gặp khó khăn, vướng mắc trong tuyển lao động trên địa bàn.

Ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc lưu ý, người lao động phổ thông quê hương Vĩnh Phúc nhiều năm qua đã gắn bó với các doanh nghiệp dệt may, điện tử...

Giờ đây các tỉnh thành khác lân cận công nghiệp cũng phát triển, chi trả thu nhập cao hơn thì các doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc cũng cần xem xét, điều chỉnh lại. Mức chi trả phải hợp lý mới có khả năng tuyển dụng được lao động và giữ chân họ làm việc lâu dài.

Trước mắt, Vĩnh Phúc sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, có chính sách hỗ trợ hợp lý. Vĩnh Phúc cũng đánh giá tổng thể và toàn diện việc cấp phép cho các doanh nghiệp sử dụng đông lao động phổ thông, sẽ hạn chế doanh nghiệp xin đến Vĩnh Phúc đầu tư nhưng sử dụng nhiều lao động nữ, bởi đòi hỏi này tiếp diễn dài sẽ rất khó đáp ứng.

Đại diện các Công ty TNHH Lợi Tín (huyện Lập Thạch), Công ty Hesung Vina (khu công nghiệp Khai Quang), Công ty TNHH sản xuất hàng may mặc TAL, Công ty KLW Việt Nam (thị xã Phúc Yên) là các doanh nghiệp thường xuyên sử dụng nhiều lao động cho biết năm 2015 đều thiếu từ 300 đến 500 lao động, thậm chí có thời điểm thiếu tới hàng nghìn lao động.

Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, hiện Sàn giao dịch việc làm (thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động Thương binh và xã hội Vĩnh Phúc) được tổ chức 4 phiên/tháng, mỗi phiên giao dịch có từ 20 đến 30 doanh nghiệp tham gia, số người lao động đến sàn từ 200 đến 400 người.

Tính đến hết ngày 25/11/2015, Trung tâm đã tổ chức 40 phiên giao dịch việc làm với 970 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, thu hút 4.315 người đăng ký tìm việc làm, có 3.439 người được tuyển tại sàn giao dịch việc làm.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trên Vĩnh Phúc lại cho rằng, họ tuyển người không qua sàn giao dịch của tỉnh và tự thông báo, tự tuyển dụng là chính. Vậy, số liệu nêu trên có trung thực và chính xác cũng là câu hỏi đang bỏ ngỏ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục