Trà Vinh giải ngân trên 100 tỷ đồng cho 5 chương trình tín dụng chính sách

09:56' - 06/10/2022
BNEWS Thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, Ngân hàng Chính sách xã hội- Chi nhánh tỉnh Trà Vinh đã giải ngân cho 2.681 khách hàng 100% vốn phân bổ.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, tính đến ngày 26/9, tỉnh Trà Vinh đã nhận được chỉ tiêu của Trung ương giao vốn thực hiện 5 chương trình tín dụng chính sách, với số vốn 257,5 tỷ đồng. Kết quả, tỉnh đã giải ngân hơn 103,2 tỷ đồng, đạt trên 40% vốn được giao.

 

Cụ thể, thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, tỉnh được phân bổ 100 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội- Chi nhánh tỉnh Trà Vinh đã giải ngân  cho 2.681 khách hàng 100% vốn phân bổ; với chính sách cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập, tỉnh được phân bổ 5 tỷ đồng, đã giải ngân gần 1,6 tỷ đồng.

Về chính sách cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội, tỉnh được phân bổ 100 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội- Chi nhánh tỉnh Trà Vinh đã giải ngân gần 700 triệu đồng.

Đối với chính sách cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi COVID-19, tỉnh giải ngân 480 triệu đồng/2,5 tỷ vốn phân bổ; Chính sách cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2030, tỉnh được phân bổ 50 tỷ đồng và đã giải ngân 77 triệu đồng cho 3 khách hàng.

Theo ông Lê Văn Hẳn, chính sách cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân chậm tiến độ do hiện tỉnh đang có 2 dự án án nhà ở xã hội là Công ty Minh Anh và Công ty Hoàng Quân đang trong giai đoạn hoàn thiện các hạng mục và xin giá bán chưa được nên không kịp triển khai cho vay trong năm 2022. Còn chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập sau đại dịch COVID-19 thì mức cho vay thấp; trường hợp vay số tiền nhiều phải bảo đảm tiền vay nên các cơ sở giáo dục không có nhu cầu vay.

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội- Chi nhánh tỉnh Trà Vinh chủ động tổng hợp nhu cầu vay vốn tín dụng đối với 5 chính sách trên. Kết quả, giai đoạn 2022-2023, tổng nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách của tỉnh là 665 tỷ đồng; trong đó, năm 2022 là 307,5 tỷ đồng, năm 2023 là 357,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thông qua Ngân hàng Nhà nước- Chi nhánh tỉnh Trà Vinh, thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 1.810 khách hàng, với tổng giá trị nợ 317 tỷ đồng; trong đó cơ cấu nợ gốc 276 tỷ đồng; cơ cấu nợ lãi 41 tỷ đồng. Đồng thời, miễn, giảm lãi cho gần 700 khách hàng với tổng giá trị nợ được miễn, giảm là 58 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Hẳn cho biết thêm, tỉnh Trà Vinh vừa được Thủ tướng Chính phủ thông báo dự kiến bố trí vốn cho 4 dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với tổng số vốn 366 tỷ đồng, gồm: dự án kè chống sạt lở khu vực thị trấn Cầu Kè, dự kiến bố trí 100 tỷ đồng, dự án đầu tư các dự án xây dựng, nâng cấp hệ thống đê biển, kè biển trên địa bàn các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải, dự kiến bố trí 100 tỷ đồng; dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Trung tâm Y tế thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh 131 tỷ đồng và dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho 98 Trạm y tế tuyến xã, tỉnh Trà Vinh 35 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục