Tranh cãi EU-Mỹ tiếp diễn sau khi Washington kích hoạt đề mục III luật Helms-Burton

06:00' - 10/05/2019
BNEWS Việc Washington áp dụng toàn phần Đề mục III luật Helms-Burton được cho là sẽ làm sống lại những mâu thuẫn đó giữa Mỹ và EU đồng thời làm chồng chất thêm những tranh cãi hiện tại của họ với Brussels.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: TTXVN

Tuần báo Progreso Semanal (Mỹ) cho biết, ngay khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố khả năng kích hoạt đề mục III của luật Helms-Burton, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã ngay lập tức lên tiếng nhắc nhở Washington rằng bước đi đó vi phạm thỏa thuận giữa hai bên về vấn đề này.
Ngày 12/3/1996, Tổng thống Mỹ khi đó Bill Clinton ký ban hành luật Helms-Burton, và EU cùng các đồng minh truyền thống khác của Mỹ như Canada và Mexico đã lập tức lên án động thái này. Ngay trong tháng 10/1996, EU áp dụng một quy định chống lại luật trên và nhiều nước thành viên của khối ban hành những “luật phòng ngừa” để đối phó với biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ này của Mỹ.
Mặt khác, sau khi cáo buộc rằng một cuộc tranh cãi có thể gây ra những tổn thất không mong muốn tới mạng lưới tự do thương mại mà hai bên đang dự định xây dựng khi đó, tháng 2/1997, EU đã đệ đơn khiếu nại Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về luật Helms-Burton.
Kẹt giữa cuộc xung đột pháp lý này là Chính phủ Tây Ban Nha của Thủ tướng theo đường lối bảo thủ José María Aznar, người khi đó tìm cách củng cố quan hệ với Mỹ mà không để ảnh hưởng tới vị thế của Madrid tại EU. Đây chính là nguồn gốc của chính sách được gọi là “lập trường chung”, trong đó EU, hòa nhịp với Mỹ, áp đặt điều kiện chính trị cho Cuba để đổi lấy quan hệ hợp tác với liên minh này.

“Lập trường chung” đã kết thúc vào tháng 12/2016, khi Cuba và EU ký thỏa thuận về đối thoại chính trị và hợp tác, nền tảng cho quan hệ bình thường giữa 2 bên. Ở đây có điểm cần chú ý là “lập trường chung” chưa bao giờ bao hàm việc chấp nhận luật Helms-Burton.
Yếu tố quyết định khiến EU rút đơn kiện của mình tại WTO vào tháng 4/1997 chính là lời cam kết của Mỹ về việc không áp dụng Đề mục III, điều khoản mở đường cho các công dân Mỹ - kể cả những người Cuba nhập tịch sau khi có tài sản bị Chính phủ Cuba quốc hữu hóa - được quyền khởi kiện tại các tòa án của Mỹ đối với các doanh nghiệp, kể cả từ nước thứ 3, có ký thỏa thuận hoặc hợp đồng với Nhà nước Cuba về việc sử dụng các tài sản bị tịch biên đó.
Phản ứng đầu tiên của EU khi đó là cho rằng việc trì hoãn áp dụng điều khoản này là chưa đủ, và cho tới nay thì quan điểm này vẫn đúng. Trên thực tế, điều duy nhất mà các nước đầu tư tránh được với việc trì hoãn này chỉ là sự liên đới và phán quyết của các tòa án Mỹ, một tiền lệ không thể chấp nhận được trên thế giới do bản chất áp đặt ngoài lãnh thổ của nó, nhưng sự trì hoãn vẫn không mang tính quyết định đối với việc áp dụng chính sách này nói chung, khi mà Mỹ vẫn còn những công cụ khác để áp đặt nó, như trên thực tế đã diễn ra với các lệnh trừng phạt cụ thể của Bộ Tài chính Mỹ đối với các thực thể kinh doanh, chủ yếu là các ngân hàng, của châu Âu.
Tuy nhiên, mong muốn né tránh một xung đột có thể ảnh hưởng tới cả hai bên đã đưa tới quyết định đồng thuận về việc rút đơn kiện tại WTO, nhưng không bao hàm việc loại trừ khả năng tranh chấp, như đã từng thể hiện mỗi năm khi tuyệt đại đa số các nước EU luôn bỏ phiếu thuận đối với nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc lên án cuộc bao vây, cấm vận của Mỹ chống Cuba, và động cơ chủ yếu của lập trường này chính là sự phản đối của EU đối với luật Helms-Burton.
Việc Washington áp dụng toàn phần Đề mục III chính là làm sống lại những mâu thuẫn đó và làm chồng chất thêm những tranh cãi hiện tại của họ với Brussels, điều lý giải sự thận trọng nhất định của chính quyền Trump khi trong những tháng đầu năm chỉ dám áp dụng một phần điều khoản này với những doanh nghiệp cụ thể của Cuba, mà trên thực tế khiến các phán quyết có liên quan của các tòa án Mỹ trở nên vô hiệu do không thể thực thi.
Dẫu sao cũng không thể quyên rằng chúng ta đang ở trong một bối cảnh khác với năm 1997, khi mà chính phủ của ông Donald Trump dường như ít coi trọng các quyền lợi của châu Âu hơn trong các quan hệ chính trị và thương mại quốc tế, cũng như lập trường của ông Trump gần như đối đầu với tự do thương mại với lời đe dọa rút ra khỏi WTO.
Trong trường hợp hiện tại, điều ưu tiên nhất đối với Trump trong vấn đề này là những lợi ích bầu cử tại bang Florida. Như vậy chúng ta quay trở lại với mục tiêu ban đầu là khai thác nhu cầu của các chủ sỡ hữu gốc Cuba lưu vong tại đây, ngay cả với cái giá phải trả là quyền lợi chính đáng của những chủ sở hữu vốn vốn là công dân Mỹ khi tài sản của họ tại Cuba bị quốc hữu hóa (Chính phủ Cuba chỉ thừa nhận và chấp nhận đền bù cho hơn 5.000 người với tổng giá trị các tài sản hơn 1,8 tỷ USD), do việc áp dụng đồng nghĩa với việc đẩy xa khả năng chính phủ hai nước đạt được thỏa thuận đền bù cho những người này.
Nhưng ngoài câu chuyện về kết cục của tranh cãi này, một câu hỏi hợp lý thường hiện lên với mỗi người theo dõi vấn đề là liệu Mỹ - xét theo khía cạnh quốc gia – đã giành được gì trong 22 năm áp dụng luật Helms-Burton?./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục