Tranh cãi thương mại chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại

12:19' - 07/07/2018
BNEWS Giới doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ cho rằng tranh cãi thương mại hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ có thể được giải quyết "thông qua đối thoại và đàm phán.
Hàng hóa được xếp tại cảng ở Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN

Ngày 6/7, Tổng hội Thương mại chung Trung Quốc tại Mỹ (CGCC), một tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho các doanh nghiệp Trung Quốc đang làm ăn tại Mỹ và có trụ sở tại thành phố New York, khẳng định tranh cãi thương mại hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ có thể được giải quyết "thông qua đối thoại và đàm phán".

Trong một tuyên bố, Chủ tịch CGCC, cũng là Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành Ngân hàng Trung Quốc tại Mỹ (Bank of China USA), ông Xu Chen cho biết tranh cãi thương mại do Mỹ khởi xướng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã gây ra "những rạn nứt nghiêm trọng trong các thị trường khu vực và toàn cầu", và "rất có nguy cơ gây ra những thiệt hại lớn" đối với các công ty, người lao động và người tiêu dùng "trong mọi ngành nghề và trên toàn thế giới".

Ông nhấn mạnh rằng "ngay cả bây giờ, chúng ta vẫn tin rằng một thỏa hiệp có thể đạt được thông qua đối thoại và đàm phán".

Theo Chủ tịch CGCC, lịch sử và thực tế hiện nay đã chứng minh một điều đơn giản là không ai thắng trong một cuộc chiến tranh thương mại và tất cả các bên có thể đổi mới và hưởng lợi nhiều hơn chỉ bằng cách thông qua tăng cường thương mại và các trao đổi về ý tưởng, hàng hóa và dịch vụ trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau. Ông khẳng định: "Giới doanh nhân luôn mong muốn một môi trường kinh tế hòa bình và bền vững".

CGCC gồm 1.500 doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc, trong đó các công ty của Trung Quốc đầu tư tổng cộng hơn 120 tỷ USD vào Mỹ, trực tiếp tuyển dụng hơn 200.000 lao động địa phương và sử dụng gián tiếp hơn một triệu người trên toàn nước Mỹ.

Tổ chức này đã bày tỏ quan điểm như trên sau khi Mỹ và Trung Quốc chính thức bước vào "cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn nhất trong lịch sử" khi áp thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu của nhau.

Giới chuyên gia cảnh báo căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới với các đòn "ăn miếng, trả miếng" có thể kéo dài và tác động mạnh tới tình hình kinh tế mỗi nước cũng như thương mại toàn cầu./.

>>>Trung Quốc áp thuế đậu tương của Mỹ - “con dao hai lưỡi”?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục