Tranh cãi về đề xuất hoãn thực thi Luật chống phá rừng của EU

06:00' - 06/10/2024
BNEWS EUDR dự kiến thực thi vào tháng 1/2025. Luật cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất làm giảm diện tích rừng, nhằm hạn chế các sản phẩm liên quan đến phá/suy thoái rừng vào EU.
Ngày 2/10, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố đề xuất hoãn thực thi một bộ luật mang tính biểu tượng của Thỏa thuận Xanh. Thông báo làm hài lòng một số quốc gia thành viên, các nước đối tác và các nhà sản xuất, nhưng khiến những người thuộc nhóm Xanh và các nhà bảo vệ môi trường phẫn nộ.

Luật này có tên gọi là Quy định chống phá rừng (EUDR), được thông qua vào tháng 5/2023 với sự ủng hộ mạnh mẽ tại Nghị viện châu Âu (EP) và Hội đồng châu Âu - nơi đại diện cho các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Theo dự kiến, EUDR sẽ bắt đầu thực thi vào tháng 1/2025. Luật cấm nhập khẩu vào EU những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất làm giảm diện tích rừng, nhằm hạn chế các sản phẩm liên quan đến phá/suy thoái rừng vào thị trường EU, đồng thời khuyến khích mua bán các mặt hàng hợp pháp và không gây phá rừng.

Những sản phẩm bị ảnh hưởng bởi các quy định của luật bao gồm thịt bò, cà phê, ca cao, gỗ, cao su, đậu tương và dầu cọ. Do sự phản đối của nhiều bên liên quan, EC đã đưa ra đề xuất hoãn thực thi luật đối với các doanh nghiệp lớn đến ngày 30/12/2025 và đến ngày 30/6/2026 đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thông báo đi kèm với việc công bố các tài liệu hướng dẫn bổ sung và một khuôn khổ hợp tác quốc tế tăng cường, nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất, các quốc gia thành viên và các nước đối tác trong quá trình chuẩn bị thực thi luật.

Lý do hoãn thực thi được đưa ra trong thông báo là: "Chỉ còn ba tháng trước thời hạn dự kiến, nhiều đối tác toàn cầu đã liên tục bày tỏ lo ngại về khả năng chuẩn bị của họ". Thông báo cũng nhấn mạnh những lo ngại này đã được nêu rõ tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) vào tuần trước. Ngoài ra, thông báo còn chỉ ra mức độ sẵn sàng của các bên liên quan ở châu Âu cũng không đồng đều. Trong khi nhiều bên đã chuẩn bị kỹ lưỡng và tự tin sẽ đáp ứng kịp thời hạn, một số khác lại tỏ ra lo ngại về khả năng hoàn thành đúng hạn.

Liên tục trong nhiều tháng qua, EC đã phải đối mặt với các cuộc vận động hành lang mạnh mẽ, yêu cầu hoãn thực thi luật này. Rất nhiều đối tác lớn đã lên tiếng, như Mỹ, Canada và Brazil, thậm chí cả các quốc gia thành viên EU như Đức, Italy, Ba Lan và Thụy Điển cũng bày tỏ lo ngại về tác động của luật đến dòng chảy thương mại và đặc biệt là ảnh hưởng đối với các cuộc đàm phán thương mại giữa EU và khối MERCOSUR (bao gồm Argentina, Brazil, Uruguay, Paraguay). Các doanh nghiệp và nhà sản xuất ở châu Âu và các khu vực khác cũng đã lên tiếng yêu cầu gia hạn giai đoạn chuyển đổi. Vào tháng Sáu vừa qua, Liên đoàn các doanh nghiệp Bỉ đã yêu cầu EU kéo dài thêm thời gian chuyển tiếp.

Đề xuất sẽ được đệ trình lên EP và phải được sự đồng ý của Nghị viện và các quốc gia thành viên EU. Với tình hình chính trị hiện tại trong Hội đồng và Nghị viện, khả năng cao đề xuất này sẽ được thông qua. Những người hài lòng nhất với thông báo của EC là các thành viên bảo thủ thuộc đảng Nhân dân châu Âu (EPP), lực lượng chính trị lớn nhất trong các tổ chức của EU, và cũng là đảng của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen. EPP đã từng kêu gọi hoãn thực thi luật, dù nhóm nghị sĩ của đảng này tại EP đã bỏ phiếu ủng hộ vào tháng 4/2023.

Dỡ bỏ dần Thỏa thuận Xanh?

Mặc dù đồng thuận với đề xuất của EC, nhưng nghị sĩ châu Âu người Pháp và là cựu Chủ tịch Ủy ban Môi trường của EP, Pascal Canfin, vẫn bày tỏ sự tiếc nuối về quyết định này. Ông cho rằng nó xảy ra trong bối cảnh các cánh rừng nhiệt đới tiếp tục bị tàn phá.

Trong khi đó, các nhà bảo vệ môi trường đã chỉ trích mạnh mẽ thông báo của EC. Nghị sĩ Virginijus Sinkevičius, người Lithuania, cựu Ủy viên Môi trường của EU, bày tỏ thất vọng trên mạng xã hội X, cho rằng: "Việc hoãn thực thi quy định về phá rừng là một bước thụt lùi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu".

Tổ chức quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cho rằng quyết định trên đã làm dấy lên sự hoài nghi về cam kết thực hiện các lời hứa về môi trường của EU.

Trong bối cảnh các khu rừng nhiệt đới vẫn tiếp tục bị tàn phá ở mức đáng báo động, nhiều ý kiến cho rằng EU cần có những bước đi quyết liệt hơn để bảo vệ môi trường và giữ vững các cam kết quốc tế về phát triển bền vững.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục