Trẻ em nước ngoài sinh tại Hàn Quốc có thể được đăng ký khai sinh

15:24' - 17/02/2021
BNEWS Hàn Quốc đang nghiên cứu cho phép người nước ngoài không có giấy tờ cư trú hợp pháp đăng ký khai sinh cho con tại nước này trong những trường hợp cụ thể nhằm bảo vệ trẻ em.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Chính phủ Hàn Quốc đang nghiên cứu cho phép người nước ngoài không có giấy tờ cư trú hợp pháp đăng ký khai sinh cho con tại nước này trong những trường hợp cụ thể, nhằm bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bị tước đoạt các quyền và lợi ích liên quan.

Báo Korea Times ngày 16/2 đưa tin Bộ trưởng Tư pháp Park Beom-kye đã thảo luận vấn đề này trong cuộc họp trực tuyến một ngày trước đó với các chuyên gia, nhằm xây dựng dự luật đặc biệt trao tư cách pháp nhân cho những trẻ mà cha mẹ không có giấy tờ cư trú hợp pháp tại Hàn Quốc.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Park cho biết những trẻ em trên đối mặt với những nguy cơ không được bảo vệ, đồng thời bày tỏ hy vọng quy định mới sẽ giúp bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng bị lạm dụng, nhận con nuôi bất hợp pháp và trở thành đối tượng của nạn buôn bán người.

Trên cơ sở đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ lập hồ sơ dữ liệu để thực hiện các chính sách liên quan đến trẻ em như tiêm chủng bắt buộc và giáo dục bắt buộc.

Theo luật hiện hành, cha mẹ người nước ngoài không thể đăng ký khai sinh và thẻ căn cước cho con nếu họ không lưu trú hợp pháp ở Hàn Quốc.

Một số trường hợp trẻ em không được đăng ký khai sinh bao gồm: trẻ được sinh ra sau khi thị thực của cha mẹ đã hết hạn hoặc mất tư cách pháp nhân tại Hàn Quốc; trẻ là con của phụ nữ nước ngoài đến Hàn Quốc (sau khi kết hôn với chồng là người Hàn Quốc), đã ly hôn và sinh con với tư cách là người nước ngoài không có giấy tờ; trẻ là con ngoài giá thú của một phụ nữ nước ngoài.

Số trẻ em ở Hàn Quốc không có tư cách pháp nhân vì những lý do như trên ước tính lên tới 20.000 trẻ.

Những trẻ này sẽ không được nhận các phúc lợi xã hội công cộng bao gồm bảo hiểm y tế và giáo dục.

Trong một số trường hợp, việc thiếu tư cách pháp nhân khiến trẻ em có nguy cơ bị lạm dụng và trở thành đối tượng của nạn buôn người.

Để giải quyết tình trạng trên, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã thảo luận với một nhóm cố vấn đặc biệt từ năm 2018 và đi đến quyết định xây dựng luật đặc biệt về vấn đề này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục