Trẻ mắc bệnh nào không được tiêm chủng vaccine COVID-19?

11:00' - 07/04/2022
BNEWS 3 nhóm đối tượng trẻ cần phải thận trọng và khám sàng lọc, thực hiện tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên.

Đối tượng trẻ em cần trì hoãn tiêm chủng vaccine COVID-19

Theo TS.BS Lê Kiến Ngãi, Bệnh Viện Nhi Trung ương, đối với việc khám sàng lọc, có 3 nhóm đối tượng trẻ cần phải thận trọng và khám sàng lọc, thực hiện tiêm tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên. Đó là nhóm trẻ mắc bệnh mạn tính bẩm sinh; tại thời điểm khám sàng lọc phát hiện trẻ có bất thường về tim, phổi; trẻ có phản ứng phản vệ với bất kỳ dị nguyên nào trước đó.

 

Các trường hợp cần thận trọng khi tiêm chủng là trẻ có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; trẻ có rối loạn về tri giác, gặp hội chứng tâm lý đám đông, tăng động, giảm chú ý,…

TS.BS Lê Kiến Ngãi cũng đặc biệt lưu ý chống chỉ định tiêm đối với nhóm trẻ có tiền sử phản vệ với vaccine COVID-19 lần trước hoặc các thành phần của vaccine.

"Chính vì vậy, các cơ sở tiêm chủng phải nghiên cứu kỹ các thành phần của vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất, để nếu phát hiện trẻ có tiền sử phản vệ với bất cứ thành phần nào của vaccine như muối, lipid, đường… thì phải xếp vào nhóm chống chỉ định tiêm", TS.BS Lê Kiến Ngãi cho biết.

Nhóm trẻ đang mắc bệnh cấp tính, bệnh mạn tính tiển triển hoặc các vấn đề khác, TS.BS Lê Kiến Ngãi cũng lưu ý phải trì hoãn tiêm chủng cho trẻ.

"Cụ thể, trẻ có bệnh mạn tính hoặc các bệnh cấp tính tiến triển như đang sốt, đang có tình trạng nhiễm trùng; đang trong đợt điều trị bệnh mạn tính như hóa trị liệu ung thư,… thì cần trì hoãn cho đến khi trẻ kết thúc tình trạng bệnh cấp tính hoặc kết thúc đợt điều trị của bệnh mạn tính", TS.BS Lê Kiến Ngãi thông tin.

Với những trẻ sau mắc COVID-19 gặp hội chứng viêm đa cơ quan (MIS-C), cần trì hoãn tiêm chủng cho đến khi trẻ hồi phục hoàn toàn tình trạng bệnh lý này.

Trước đó, Bộ Y tế đã có Quyết định số 457/QĐ-BYT sửa đổi Điều 1 tại Quyết định số 2908/QĐ-BYT phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Theo đó, Bộ Y tế cho phép tiêm vaccine Pfizer phòng COVID-19 liều 0,2 ml chứa 10 mcg cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Cụ thể, vaccine được phê duyệt tiêm cho nhóm đối tượng này có tên Comirnaty (tên khác: Pfizer BioNTech COVID-19 vaccine).

Về thành phần hoạt chất, nồng độ/hàm lượng, theo Quyết định mới này, người từ 12 tuổi trở lên được tiêm mỗi liều 0,3 ml chứa 30 mcg vaccine mRNA COVID-19 (được bọc trong các hạt nano lipid). Liều vaccine cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, mỗi liều 0,2 ml chứa 10 mcg.

Về dạng bào chế, đối với vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm và hỗn dịch tiêm. Vaccine tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm.

Về quy cách đóng gói, đối với vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên, vaccine được đóng gói gồm 1 khay chứa 195 lọ, mỗi lọ chứa 6 liều; 1 hộp chứa 25 lọ, mỗi lọ chứa 6 liều; 1 hộp chứa 10 lọ, mỗi lọ chứa 6 liều.

Đối với vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: Một khay chứa 195 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều; 1 hộp chứa 10 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều.

Vaccine do Công ty Pfizer Manufacturing Belgium NV (Bỉ);  BioNTech Manufacturing GmbH (Đức); Pharmacia and Upjohn Company LLC (Hoa Kỳ); Hospira Incorporated (Hoa Kỳ) sản xuất.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục