Trí tuệ nhân tạo đặt ra một loạt thách thức

08:03' - 12/10/2017
BNEWS Trí tuệ nhân tạo có thể đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu phát triển toàn cầu những cũng đặt ra một loạt thách thức phức tạp.

Những thách thức phức tạp này có thể gồm những câu hỏi về đạo đức, các vấn đề về nhân quyền và rủi ro an ninh. Đó là những ý kiến của các đại biểu tham dự một sự kiện đặc biệt, mà trong đó một trong những những diễn giả là robot, diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York.

Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, robot có hình dáng như người tên là Sophia đã có một cuộc tương tác ngắn với Phó Tổng Thư ký LHQ Amina J. Mohammed tại cuộc hội thảo "Tương lai của tất cả mọi thứ - phát triển bền vững trong thời đại biến đổi công nghệ nhanh chóng" do Ủy ban Kinh tế Xã hội LHQ (ECOSOC) và Ủy ban Kinh tế và Tài chính trực thuộc Đại Hội đồng LHQ (Ủy ban 2) đồng tổ chức.

Trước câu hỏi của bà Mohammed rằng LHQ có thể làm gì để giúp những người dân ở nhiều nơi trên thế giới đang không được tiếp cận Internet hay điện, Sophia đã trích dẫn câu nói của nhà văn khoa học viễn tưởng William Gibson: "Tương lai đang ở ngay đây, chỉ là nó không được chia đều cho mọi người.

Nếu như chúng ta thông minh hơn và tập trung vào loại kết quả tất cả đều thắng, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp phân chia hiệu quả những nguồn lực hiện tại của thế giới như là lương thực và năng lượng".

Sophia là robot đời mới nhất và hiện đại nhất của hãng Hanson Robotics. Sophia cũng đã trở thành một thiết bị cảm biến truyền thông, có thể trả lời vô số cuộc phỏng vấn cho nhiều hãng tin khác nhau, trình diễn trong buổi hòa nhạc, và thậm chí còn xuất hiện trên trang bìa của một trong những tạp chí thời trang hàng đầu thế giới.

Trong bài phát biểu khai mạc sự kiện, bà Mohammed cảnh báo rằng tuy có tiềm năng to lớn cho việc thúc đẩy tiến triển của các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), song nếu như những tiến bộ công nghệ không được quản lý tốt, nó sẽ có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng mất bình đẳng hiện hành.

Theo bà, ảnh hưởng của công nghệ đối với xã hội được quyết định bởi hành động của con người, chứ không phải bởi các cỗ máy. Công nghệ tồn tại là để con người khai thác và sử dụng vì lợi ích của tất cả mọi người.

Về phần mình, Chủ tịch ECOSOC Marie Chatardová lưu ý những hậu quả lâu dài của những thay đổi công nghệ sâu sắc đối với các nền kinh tế và xã hội nói chung vẫn còn là ẩn số. Con người mới chỉ bắt đầu nhìn thấy những lợi ích, song cần phải đánh giá những rủi ro của những công nghệ này.

Trong khi đó, ông Sven Jürgenson, Chủ tịch Ủy ban 2, cho biết các giải pháp dựa trên A.I. đang nâng xã hội số của nước ông lên một nấc thang mới. Ông chia sẻ kinh nghiệm rằng chính phủ Estonia đang triển khai một khuôn khổ quản lý rủi ro mạng và pháp lý đầy đủ cho việc sử dụng những chiếc xe tự lái trên đường.

Và việc vận chuyển bằng robot tới tận nhà sẽ định hình lại hoạt động giao dịch hàng hóa tại Estonia. Ông cho biết hiện tiếp cận Internet đã trở thành một quyền xã hội.

Mọi người dân Estonia đều có chứng minh thư điện tử và gần như tất cả các dịch vụ công đều được tiếp cận trực tuyến, trong đó có cả việc tiến hành bỏ phiếu điện tử đối với cuộc bầu cử quốc hội Estonia.

Ông lưu ý thêm rằng để phát triển một quốc gia Estonia điện tử, nước này đã phải mất 17 năm, bắt đầu từ thay đổi luật pháp và tạo ra những giải pháp điện tử đầu tiên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục