Triển lãm Hàng không Singapore- nơi các "ông lớn" trình diễn

13:19' - 07/02/2018
BNEWS Ngày 6/2, Triển lãm Hàng không Singapore hai năm một lần đã chính thức khai mạc.
Triển lãm Hàng không Singapore ngày 6/2/2018. Ảnh: Kyodo

Theo thông tin của nhà tổ chức, năm nay có 10.620 doanh nghiệp đến từ 50 nước và vùng lãnh thổ tham dự Triển lãm Hàng không và Quốc phòng quy mô lớn nhất châu Á này, trong đó có 65 đơn vị là những doanh nghiệp hàng đầu thế giới. 

Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Thường Vạn Toàn sẽ thăm Singapore trong thời gian diễn ra Triển lãm Hàng không. Doanh nghiệp hàng không Trung Quốc sẽ trưng bày máy bay dân dụng và quân sự. 

Triển lãm Hàng không Singapore lần đầu tiên tổ chức vào năm 1981, với hai phần “Triển lãm Công nghệ Quốc phòng châu Á” và “Triển lãm Thiết bị và Công nghệ sân bay châu Á”.

Qua nhiều năm phát triển, Triển lãm Hàng không Singapore đã trở thành triển lãm hàng không lớn thứ ba trên thế giới sau Triển lãm Hàng không Paris (Pháp) và Triển lãm Hàng không Farnborough (Anh).

Triển lãm Hàng không Singapore lần này diễn ra trong 6 ngày, trong đó từ ngày 6-9/2, triển lãm chỉ dành cho các chuyên gia và giới truyền thông, ngày 10 và 11/2 sẽ được mở cửa hoàn toàn cho công chúng và có các màn biểu diễn.
Sáng 5/2, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen (Hoàng Vĩnh Hằng). Hai bên đã trao đổi ý kiến về các vấn đề cùng quan tâm như tình hình an ninh khu vực, quan hệ song phương ở cấp chính quyền và giữa quân đội hai nước, hợp tác quốc phòng giữa Trung Quốc và ASEAN...

Đối với công chúng, đặc biệt là những người hâm mộ lĩnh vực hàng không, điểm nhấn lớn nhất của triển lãm lần này là các màn biểu diễn bay. Không quân Singapore đã chuẩn bị một màn biểu diễn với máy bay chiến đấu F-15SG và hai máy bay chiến đấu F-16C vừa được hoàn thành. Đây cũng là lần đầu tiên Không quân Singapore trình diễn hai mẫu máy bay này. Ngoài ra, máy bay của Mỹ, Thái Lan, Malaysia và Indonesia cũng sẽ biểu diễn tại triển lãm.

Một điểm nhấn khác là khu trưng bày của thiết bị bay hàng không. Rất nhiều hãng hàng không đã mang tới các loại máy bay tân tiến nhất và lần đầu tiên được trưng bày tại triển lãm. So với máy bay dân dụng, thiết bị bay quân sự thu hút được nhiều sự quan tâm hơn của người xem.

Ngoài máy bay chiến đấu tàng hình F-22, Không quân Mỹ lần đầu tiên trưng bày hệ thống máy bay không người lái Global Hawk và máy bay chiến đấu F-35B mới nhất.

Doanh nghiệp Nga đã mang máy bay chiến đấu, máy bay lên thẳng cùng hệ thống vệ tinh thăm dò mới nhất đến tham dự triển lãm.

Đài Sputnik cho biết công ty Trực thăng Nga, một trong những nhà sản xuất máy bay trực thăng hàng đầu thế giới, và là công ty duy nhất phát triển và sản xuất máy bay trực thăng ở Nga, sẽ giới thiệu các sản phẩm mới nhất về công nghệ máy bay trực thăng dùng cho dân dụng và quân sự tại Triển lãm Hàng không quốc tế Singapore 2018.

Tại gian hàng của công ty, khách thăm quan có thể làm quen với các mẫu mới nhất như trực thăng Mi-171A2 dùng trong tìm kiếm và cứu hộ, trực thăng hạng nhẹ đa chức năng Ansat, cũng như trực thăng trinh sát-tấn công Ka-52 Alligator.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Trực thăng Nga Andrey Boginsky được Sputnik dẫn lời nói: “Chúng tôi nhận thấy nhu cầu thị trường tăng trưởng năng động ở vùng châu Á-Thái Bình Dương. Trong 5 năm qua, chúng tôi đã cung cấp hơn 250 máy bay ở khu vực này, và ngày nay tổng số máy bay trực thăng do Nga sản xuất đang hoạt động tại châu Á-Thái Bình Dương lên tới hơn 1.200 chiếc”.

Đúng như dự đoán, sự chú ý của các khách hàng tiềm năng được thu hút bởi trực thăng hạng nhẹ Ansat, đã được thử nghiệm thành công ở Nam Á vào cuối năm 2017 (tại Pakistan). Máy bay có khả năng hoạt động ở nhiệt độ môi trường xung quanh lên tới hơn 50 độ. “Ansat” (theo tiếng Tatar là “dễ dàng”, “không khó khăn”) là trực thăng đa năng có hai động cơ, được sản xuất tại Nhà máy trực thăng Kazan.

Tháng 5/2015, phiên bản trực thăng trang bị các thiết bị y tế đã được xác nhận chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Theo chứng nhận này, trực thăng có thể chuyển đổi công năng sử dụng như máy bay chở hàng cũng như vận tải hành khách, với tải trọng tương đương 7 người trưởng thành.

Trực thăng Mi-171A2 có hơn 80 điểm cải tiến so với thiết kế cơ bản Mi-171A. Trực thăng được trang bị động cơ VK-2500PS-03 đã được cấp giấy chứng nhận (là phiên bản thương mại của động cơ được lắp trên máy bay chiến đấu Mi-28 Night Hunter) cùng với hệ thống điều khiển kỹ thuật số. Một trong những khác biệt quan trọng nhất giữa Mi-171A2 với các mẫu khác của lớp Mi-8/Mi-17 là hệ thống chịu lực mới.

Trực thăng A2 sử dụng vít lái hình chữ X hiệu quả hơn, một trục quay cánh quạt mới với lưỡi tích hợp hình dáng khí động học hoàn thiện. Như vậy, chỉ bằng khí động học, lực đẩy cánh quạt Mi-171A2 đã tăng hơn 700 kg, cải thiện đáng kể hiệu suất hoạt động của máy bay.

Dmitry Zuikov, người đứng đầu bộ phận tiếp thị sản phẩm của công ty Trực thăng Nga cho rằng Mi-171A2 là “cỗ máy tuyệt vời cho các khu vực như Đông Nam Á”. Theo ông, trực thăng này thừa hưởng tất cả các ưu điểm từ những phiên bản trước và có học hỏi những công nghệ cũng như thiết kế tân tiến. Cụ thể, bình xăng của Mi-171A2 được thiết kế ở bên hông, vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo phạm vi hoạt động lên tới 800 km.

Máy bay trực thăng trinh sát-tấn công Ka-52 “Alligator” được sản xuất hàng loạt từ năm 2007 để phục vụ nhu cầu của Bộ Quốc phòng Nga. Nó được thiết kế để đối phó với các loại xe tăng, xe bọc thép, bộ binh, trực thăng và các thiết bị bay khác của đối phương ở tiền tuyến cũng như ở trên các chiến trường vùng sâu, trong mọi điều kiện thời tiết và bất cứ thời điểm nào trong ngày, cũng như cho các nhiệm vụ khác nhau.

Chuyên gia về hàng không Nga, Đại tá Makar Aksenenko- phi công lái trực thăng tấn công nói: “Ka-52 phù hợp để sử dụng trong khu vực nhiệt đới nóng ẩm, đồi núi và rừng rậm, cũng như tại những vùng ven biển…

Phiên bản hải quân Ka-52K Katran thích nghi nhất với khí hậu ẩm ướt, nó có khả năng tốt hơn trong việc phát hiện mục tiêu, và cũng có thể mang theo tên lửa chống hạm… Trực thăng Ka-52k sẽ là một công cụ không thể thiếu trong cuộc chiến chống lại các mục tiêu phức tạp như tàu đổ bộ đệm không khí, tàu vận tải chở trực thăng tấn công hạng nặng…”.

Theo thông tin của nhà tổ chức, các doanh nghiệp hàng không đến từ Trung Quốc cũng sẽ trưng bày máy bay dân dụng và quân sự tại triển lãm lần này. Bên cạnh đó, các chuyên gia đào tạo công nghệ hàng không đến từ Trung Quốc cũng sẽ dự Diễn đàn Công nghệ Hàng không.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục