Triển vọng của các mô hình ngân hàng mới tại Đông Nam Á

05:30' - 03/12/2020
BNEWS Theo tờ ASEAN Today, những người tiêu dùng Đông Nam Á không thể tiếp cận tín dụng và cả các ngân hàng truyền thống đều đang quan tâm đến các mô hình ngân hàng mới.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng bên ngoài một cửa hiệu ở Manila, Philippines ngày 11/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Điều kiện đã chín muồi để các “đối thủ” cạnh tranh với những tổ chức tài chính truyền thống này đạt được tiến bộ, mặc dù đại dịch COVID-19 có thể đe dọa tiềm năng của những mô hình này.
Một báo cáo của tập đoàn tài chính quốc tế UnaFinancial dự báo rằng các ngân hàng mới - ngân hàng không có trụ sở vật lý và chỉ cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số - sẽ cung cấp các dịch vụ tài chính cho hơn 50 triệu người ở Philippines vào năm 2025.
Trong một nghiên cứu riêng biệt, UnaFinancial cho rằng Philippines sẽ đạt được tỷ lệ sử dụng Internet chiếm 81-85% dân số vào năm 2025 - điều kiện tiên quyết để áp dụng ngân hàng kỹ thuật số.

Mặc dù ước tính này loại trừ một số nhóm như nhóm người thất nghiệp và thu nhập thấp, nghiên cứu cho rằng 51,4 triệu người Philippines sẽ sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến trong 5 năm tới. Con số này rất gần với 51,2 triệu người không có tài khoản ngân hàng hiện nay.
Sergey Sedov, Giám đốc điều hành của UnaFinancial, cho biết: “Chắc chắn sẽ mất thời gian để đánh giá tiềm năng khách hàng của các ngân hàng mới tại Philippines, song trong một hoặc hai năm tới, chúng sẽ thu hút hàng triệu khách hàng thực sự”. 
Ví dụ, ít nhất 8 triệu người đang sinh sống tại 500 thành phố không có chi nhánh ngân hàng. Các đối tượng này và những người thuộc các phân khúc khác như lao động phi chính thức, thanh niên và những người bị ngân hàng từ chối dịch vụ sẽ cung cấp đủ cơ sở cho sự phát triển nhanh chóng của các ngân hàng mới tại Philippines.
Lựa chọn khả thi
Không giống như các ngân hàng truyền thống, các ngân hàng mới không phải trang trải các chi phí hoạt động và chi phí nhân viên liên quan đến việc vận hành các chi nhánh vật lý. Họ có thể chuyển các khoản tiết kiệm này - ước tính lên đến 40% - cho các khách hàng với lãi suất tiết kiệm hấp dẫn và các khoản vay lãi suất thấp và bằng cách loại bỏ phí giao dịch hoặc phí đăng ký.
Với 18% khu vực chưa thể tiếp cận tín dụng, các ngân hàng mới có thể cung cấp giải pháp thay thế cho hàng triệu người Đông Nam Á. Một báo cáo năm 2019 của công ty kiểm toán KPMG ước tính rằng 73% người Đông Nam Á chưa có tài khoản ngân hàng và chỉ 5% dân số Campuchia có tài khoản ngân hàng.

Nhiều người chưa có tài khoản ngân hàng có thu nhập thấp song lại sử dụng điện thoại di động, qua đó giúp họ có thể mở tài khoản tại một ngân hàng mới một cách nhanh chóng thuận tiện.
Hơn nữa, dân số ASEAN chủ yếu là thanh niên. Các ngân hàng mới có sức hấp dẫn rõ ràng đối với những người trẻ tuổi không muốn đến giao dịch tại các chi nhánh ngân hàng hoặc không thể làm như vậy. Hơn nữa, ngân hàng trực tuyến là một lựa chọn hấp dẫn vào thời điểm mà người dân đang phải phải tự cách ly hoặc tuân thủ các biện pháp phong tỏa do đại dịch COVID-19.
Các thị trường tiềm năng
Theo một báo cáo của cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch của Mỹ công bố vào tháng Tám vừa qua, các ngân hàng mới vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể chiếm thị phần đáng kể mà các tổ chức ngân hàng truyền thống đang nắm giữ trên khắp khu vực Đông Nam Á.
Báo cáo cũng cho rằng các ngân hàng mới có khả năng thâm nhập sâu nhất tại Indonesia và Philippines. Điều kiện ở Philippines - với khoảng 46% dân số không có tài khoản ngân hàng và phần lớn sở hữu điện thoại di động - đã chín muồi cho sự phát triển của các ngân hàng mới.

Tương tự như Philippines, độ tuổi trung bình của người Indonesia là dưới 30 tuổi và 2/3 số người trưởng thành không có tài khoản ngân hàng đang sử dụng điện thoại di động.
Hơn nữa, một số ngân hàng mới trong khu vực cũng đang tạo được ảnh hưởng ở các quốc gia có tỷ lệ người không có tài khoản ngân hàng chiếm thiểu số. Hồi tháng Sáu, Aspire trở thành ngân hàng mới đầu tiên ở Đông Nam Á cung cấp tài khoản ngân hàng Railsbank SGD.

Railsbank là một nền tảng ngân hàng mở và ví dụ này cho thấy cách các tổ chức có thể khai thác và kết hợp các nền tảng công nghệ tài chính để cung cấp các dịch vụ sáng tạo.
Các công ty khác đang đạt được bước tiến lớn bao gồm BigPay ở Malaysia và Octo ở Philippines. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là nếu muốn thành công, các ngân hàng mới phải điều chỉnh các giải pháp của mình cho phù hợp với nhu cầu của từng thị trường địa phương.

Oleg Patsiansky, người đứng đầu bộ phận ngân hàng kỹ thuật số của BPC Banking Technologies, nhấn mạnh: “Các ngân hàng mới phải xem xét nhiều mô hình và nguồn dữ liệu thay thế nếu muốn đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nhỏ trên khắp khu vực Đông Nam Á. Rốt cuộc, các ngân hàng mới đã có sự khởi đầu tốt đẹp, song cuộc đua còn lâu mới kết thúc và đòi hỏi họ phải xây dựng dựa vào sự hiểu biết thực sự về thị trường địa phương.”
Tác động của đại dịch COVID-19
Các chuyên gia trong ngành đang có những đánh giá khác nhau về cách COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng mới. Christopher Davison, Giám đốc điều hành của BigPay tin rằng các ngân hàng mới có vị thế tốt để phát triển thịnh vượng trong bối cảnh cả thế giới đang đối phó với đại dịch.
Ông nói: “COVID-19 đang thúc đẩy các xu hướng kinh tế vĩ mô toàn cầu. Các cửa hàng mặt phố đã phải vật lộn với sự cạnh tranh từ thương mại điện tử; người tiêu dùng bắt đầu sử dụng ít tiền mặt hơn và mọi người đang hướng tới các công ty công nghệ tài chính và tránh xa các ngân hàng truyền thống. Đông Nam Á đã đi trước nhiều nền kinh tế phương Tây trong việc ứng dụng kỹ thuật số, đặc biệt là trong lĩnh vực thanh toán và ngân hàng.”

Mặc dù thừa nhận các ngân hàng mới có thể bị ảnh hưởng nếu nguồn vốn bị sụt giảm sau đại dịch, ông Davison cảm thấy điều này có thể hồi sinh thị trường.

Ông nói thêm rằng các ngân hàng mới ở Đông Nam Á có vị thế tốt - đặc biệt là ở Malaysia và Singapore - nhờ hành động quyết đoán trong thời kỳ đại dịch, qua đó tạo cơ hội cho các nền kinh tế này phục hồi trong khi các nền kinh tế khác ở phương Tây vẫn đang gặp khó khăn.
Ông Davison nói thêm: “Phản ứng chủ động thay vì phản ứng thụ động sẽ không chỉ cứu sống nhiều nghìn người mà còn định vị nền kinh tế trên một nền tảng vững chắc hơn để mở cửa và phục hồi sớm hơn”.
Một lý thuyết khác là khi COVID-19 khiến các nền kinh tế bị sụt giảm, nhiều doanh nghiệp và cá nhân có thể bị từ chối tiếp cận tín dụng thông qua các phương tiện truyền thống. Đây là nơi các ngân hàng mới có thể xâm nhập.

Linh hoạt hơn các ngân hàng truyền thống, họ có thể sử dụng các nguồn dữ liệu thay thế như hồ sơ điện thoại để cho phép khách hàng xây dựng điểm tín dụng và đảm bảo các khoản vay.
Trong khi đó, những người khác lại tin rằng đại dịch sẽ buộc các ngân hàng truyền thống nhanh chóng chuyển sang số hóa các dịch vụ của mình, đóng cửa các khu vực thị trường hoặc khiến cho việc chuyển sang sử dụng ngân hàng mới kém hấp dẫn hơn.

Các nhà phân tích của Fitch dự báo rằng các dự án được hỗ trợ bởi các tập đoàn lâu đời hoặc các công ty công nghệ lớn sẽ có nhiều khả năng thành công nhất.
Với hàng triệu người ở Đông Nam Á vẫn chưa có tài khoản ngân hàng, các ngân hàng mới có thời gian và cơ hội để có được chỗ đứng. Họ sẽ có cơ hội tốt hơn tại một số quốc gia như Indonesia và Philippines. Họ có thể khiến các ngân hàng truyền thống chịu áp lực tại các nước khác, chẳng hạn như tại Malaysia và Singapore.
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính và thậm chí là các công ty như Grab và Go-Jek tham gia vào lĩnh vực này, người tiêu dùng sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, cho dù họ không có tài khoản ngân hàng hay không.

Điều đó sẽ thúc đẩy cạnh tranh và sự đổi mới, “tạo ra các doanh nghiệp có kỷ luật hơn, lành mạnh hơn và linh hoạt hơn”, theo ông Davison. Do đó, những người tìm kiếm các dịch vụ tài chính trong toàn khu vực sẽ được hưởng lợi khi các ngân hàng mới phát triển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục