Triển vọng phát triển cuộc cách mạng chăm sóc sức khỏe từ xa sau đại dịch

07:26' - 08/11/2021
BNEWS Hội nghị công nghệ toàn cầu Web Summit 2021 vừa diễn ra tai Bồ Đào Nha từ 1-4/11/2021 đã thu hút sự chú ý của những người tham gia với sự xuất hiện của các ứng dụng chăm sóc sức khỏe tinh thần từ xa.

Có thể thấy, các công ty khởi nghiệp tham gia thượng đỉnh đã đặt cược vào một sự thay đổi lớn trong y học từ xa, lĩnh vực được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ sau khi thế giới phục hồi từ đại dịch COVID-19.

* Đa dạng hoá các loại hình chăm sóc sức khoẻ từ xa

Sử dụng công nghệ để điều trị cho bệnh nhân là chủ đề chính tại Web Summit, một trong những hội nghị công nghệ lớn nhất thế giới. Hội nghị đã được tổ chức trở lại tại Lisbon sau khi buộc phải chuyển sang hình thức trực tuyến vào năm 2020 vì đại dịch COVID-19.

"Ngày nay, phần lớn người dân sử dụng điện thoại di động để đáp ứng nhu cầu hàng ngày. Vậy tại sao chăm sóc sức khỏe không trở thành một phần của nhu cầu đó?", Johannes Schildt, chủ sở hữu công ty Kry cung cấp dịch vụ khám bệnh trực tuyến, cho biết. Ông Schildt nói với hãng tin AFP rằng: “Đại dịch đã đẩy nhanh việc áp dụng những công nghệ mới này”.

Tuy nhiên, Kry có trụ sở ở Thụy Điển và hoạt động tại 5 quốc gia châu Âu không phải là ứng dụng duy nhất được thiết kế để “bỏ qua” nhu cầu đi khám bác sĩ, và không phải tất cả các công ty khởi nghiệp tham gia Web Summit đều tập trung vào lĩnh vực sức khỏe thể chất.

Công ty Calmerry có trụ sở tại Mỹ là một trong số ngày càng nhiều công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ trực tuyến, thông qua các đoạn video có sự tham gia của các nhà trị liệu sức khỏe tâm thần.

Theo nhận định của giới quan sát, triển vọng giành cho những công ty này là khá lớn, khi hầu hết hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng hiện nay chỉ có khả năng tiếp cận hạn chế đối với những dịch vụ tương tự, hoặc không có dịch vụ nào cả.

Với mức đăng ký chỉ bắt đầu từ 42 USD/tuần, người đồng sáng lập của Calmerry Oksana Tolmachova cho biết mục tiêu chính của công ty là làm cho các liệu pháp điều trị trở nên hợp lý hơn.

* Sự xuất hiện của những chú robot biết lắng nghe

Cùng với Kry hay Calmerry, nhiều ứng dụng khác cũng đã được phát minh để giúp hạn chế sự gia tăng số người mắc bệnh trầm cảm trên toàn thế giới trong thời kỳ đại dịch.

Ứng dụng hỗ trợ sức khoẻ tâm thần Woebot cho phép người dùng thảo luận về các vấn đề của họ, nhưng sự phản hồi sẽ đến từ các ứng dụng trí thông minh nhân tạo chứ không phải một nhà trị liệu.

Mặc dù một số người có thể cảm thấy khó chịu với ý tưởng tâm sự với một phần mềm, song các nghiên cứu cho thấy rằng việc tâm sự với một “con người ảo” có thể khuyến khích mọi người cởi mở hơn.

Người sáng lập Woebot Alison Darcy, một chuyên gia tâm lý học nghiên cứu lâm sàng, cho biết Woebot giúp tránh những "hành lý và cấu trúc mang tính xã hội" đi kèm với các tương tác của con người - chẳng hạn như lo lắng rằng người khác sẽ đánh giá bạn.

Và với sự thiếu hụt các nhà trị liệu được đào tạo so với số lượng người cần giúp đỡ về sức khỏe tâm thần, người sáng lập Darcy lập luận rằng trí tuệ nhân tạo (AI) là một công cụ để tiếp cận vấn đề.

"Chúng ta cần phải nỗ lực hết mình để giúp mọi người khỏe mạnh", bà Darcy nói.

* Những thách thức

Mặc dù vậy, bà Darcy cũng thừa nhận rằng Woebot sẽ không thể thay thế hoàn toàn các bác sĩ trị liệu. AI đã được chứng minh là có những giới hạn nhất định trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Cơ quan Quản lý Thuốc và các Sản phẩm Chăm sóc Sức khoẻ (MHRA) của Vương quốc Anh đã bày tỏ quan ngại vào tháng 3/2021 về phần mềm kiểm tra triệu chứng được sử dụng bởi công ty y tế từ xa Babylon, với lý do họ không thể nhận diện một số triệu chứng sức khoẻ nghiêm trọng.

Những người chỉ trích sự thay đổi đối với y học từ xa cũng lo ngại rằng các nhà cung cấp có thể cố tình đưa bệnh nhân đến với những cuộc hẹn ảo rẻ hơn thay vì đi gặp bác sĩ trực tiếp.

Để giải quyết tình trạng này, một số công ty khởi nghiệp về sức khỏe nói rằng lời giải nằm ở việc kết hợp cả hai.

Ông Schildt nhận định: “Ứng dụng kỹ thuật số đóng vai trò quan trọng nhưng những trải nghiệm thể chất cũng quan trọng không kém. Chúng tôi cũng có các phòng khám thể chất ở Thụy Điển, Na Uy và Pháp”.

Ông Schildt cũng bác bỏ những lời chỉ trích cho rằng không phải ai cũng có quyền truy cập vào các dịch vụ như Kry, vốn yêu cầu điện thoại thông minh hoặc máy tính và kết nối internet ổn định.

Ông cho biết Kry phục vụ những bệnh nhân ở độ tuổi 90 và họ đã có thể sử dụng công nghệ này. Ông nhấn mạnh: "Kỹ thuật số mở rộng khả năng tiếp cận" với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Ngày nay, luật pháp ở nhiều quốc gia vẫn chưa bắt kịp với cuộc cách mạng y học từ xa, mặc dù đã bắt đầu có thay đổi trong những năm gần đây.

Các cuộc hẹn ảo đã được cung cấp thông qua hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng của Pháp từ năm 2018, trong khi Đức bắt đầu cho phép bác sĩ kê đơn sử dụng các ứng dụng, chẳng hạn như máy theo dõi cân nặng, vào năm ngoái.

Ana Maiques, đồng sáng lập công ty chuyên sản xuất các thiết bị kích thích và điều trị não Neuroelectrics có trụ sở tại Barcelona (Tây Ban Nha), đã gây chú ý tại Web Summit với một chiếc mũ bảo hiểm do công ty phát triển có thể giám sát não của bệnh nhân từ xa.

Thiết bị này sử dụng cảm biến để hiển thị hoạt động ở các phần khác nhau của não và thậm chí có thể phát xung điện vào các khu vực được nhắm mục tiêu, giúp điều trị các bệnh từ xa như bệnh động kinh.

Trong khi đó, huyền thoại bóng đá Tây Ban Nha Iker Casillas là một trong những nhà đầu tư vào Idoven, một công ty khởi nghiệp sử dụng AI để phân tích dữ liệu từ các bộ theo dõi tim tại nhà.

Công nghệ của Idoven được thiết kế để phát hiện nhịp tim không đều - một vấn đề mà Casillas quan tâm sâu sắc sau một cơn đau tim vào năm 2019.

"Chúng tôi là công ty đầu tiên trên thế giới có khả năng làm được điều đó", Giám đốc điều hành của Idoven Manuel Marina Breysse chia sẻ với AFP./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục