Triển vọng phát triển kinh tế của Indonesia trong năm 2019

05:30' - 11/01/2019
BNEWS Trang mạng Diễn đàn Đông Á mới đây đăng tải bài viết “Năm 2019, nền kinh tế Indonesia vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn” của học giả Rainer Heufers, thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách Indonesia.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh: AFP/TTXVN 

Bài viết tập trung phân tích những khó khăn mà nền kinh tế Indonesia gặp phải trong năm 2018 và căn cứ vào các chính sách hiện tại của Chính phủ Indonesia, học giả Rainer Heufers đưa ra dự báo triển vọng phát triển của nền kinh tế của Indonesia trong năm 2019. Nội dung bài viết cụ thể như sau:

Năm 2018, một bộ phận không nhỏ người dân Indonesia đã tỏ ra hết sức lo lắng đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, mặc dù tăng trưởng kinh tế của Indonesia năm 2018 đạt hơn 5% và tỷ lệ người nghèo lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống mức dưới 10% dân số. Nhưng phần đông người dân Indonesia vẫn luôn trong tâm trạng bất an. 

Sự bất an này xuất phát từ những dư âm nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 tại khu vực Đông Nam Á, trong đó Indonesia là một trong những quốc gia hứng chịu hậu quả nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng này. 20 năm sau cuộc khủng hoảng, những hình ảnh về quá khứ vẫn ám ảnh người dân Indonesia. Nỗi lo sợ trong công chúng lên đến đỉnh điểm khi đồng rupiah của Indonesia mất giá 10% so với đồng USD.

Tuy nhiên, giới phân tích tài chính cho rằng, dù có hiện tượng thâm hụt ngân sách, thâm hụt tài khoản vãng lai và các khoản nợ chính phủ của Indonesia tăng, nhưng tình hình cho thấy nền kinh tế của Indonesia chưa đến mức đối mặt với khủng hoảng. 

Mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính tại quốc gia này là không có cơ sở vì mức mất giá của đồng rupiah tại thời điểm cao nhất trong năm 2018 vẫn thấp hơn rất nhiều so với năm 1998.

Các ngân hàng thương mại thuộc sở hữu nhà nước của Indonesia đã mạnh hơn; kho dự trữ ngoại hối của quốc gia này cũng đã cao hơn rất nhiều so với mức dự trữ ngoại hối vào năm 1998; tỷ lệ nợ công tính theo mức thu nhập bình quân đầu người (GDP) chưa bằng một nửa so với mức 74% mà Indonesia đã trải qua vào năm 1998. 

Cả mức thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn nằm trong tầm kiểm soát và trong giới hạn mà luật pháp Indonesia quy định. Mọi hoạt động tài chính của Indonesia không bị ảnh hưởng ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bốn lần tăng lãi suất trong năm 2018.

Thực tế cho thấy nền kinh tế của Indonesia chưa thực sự đáng lo ngại, mà vấn đề gây quan ngại nghiêm trọng hơn xuất phát từ các chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ Indonesia. Chính phủ Inodnesia đang thực hiện các chính sách kinh tế thiếu tính chiến lược dài hạn, không tập trung vào lĩnh vực phát triển công nghệ, nâng cao năng suất và tăng tính cạnh tranh. 

Chính phủ của Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) đang tập trung cho các ưu tiên theo mục tiêu “Nawa Cita” (chín chương trình phát triển) mà Tổng thống Jokowi đề ra nhằm phát triển quốc gia như xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng, sản xuất năng lượng và tạo phúc lợi cho người dân…

Đây là những mục tiêu được người dân kỳ vọng, nhưng chúng chỉ giải quyết được các vấn đề khó khăn trước mắt mà không tạo ra được tầm nhìn dài hạn cho tương lai phát triển của Indonesia.

Bên  cạnh đó, chính phủ của Tổng thống Jokowi đang tiếp tục một chiến lược quốc gia tốn kém, chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp nhà nước. Năm 2018, công ty khai khoáng Freeport của Mỹ đã bán cổ phần trị giá gần 4 tỷ USD và nhượng lại quyền kiểm soát đối với lĩnh vực khai khoáng tại Indonesia cho PT Indonesia Asahan Aluminium, một công ty có vốn đầu tư của nhà nước Indonesia. 

Việc chuyển quyền sở hữu này được cho là nguyên nhân gây ra mức sụt giảm 4% sản lượng khai thác dầu mỏ của Indonesia tương đương 30.000 thùng mà Indonesia có thể khai thác mỗi ngày. Các nhà đầu tư nước ngoài khác cũng đang dần rời khỏi thị trường Indonesia mang theo các kiến thức chuyên môn và công nghệ sản xuất.

Các chiến dịch tranh cử cho cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống được khởi động từ nửa cuối năm 2018 tại Indonesia đã có ít nhiều ảnh hưởng đối với vấn đề thâm hụt ngân sách hay việc Chính phủ Indonesia quyết định áp thuế nhập khẩu đối với 1.147 mặt hàng có thể làm hài lòng một bộ phận người dân, nhưng không đem lại tác động tích cực đáng kể đối với ngân sách quốc gia. 

Vấn đề được các nhà phân tích đánh giá là khá nghiêm trọng nằm ở chỗ vì lo sợ sự phản ứng của người dân, nhất là trước thời điểm bầu cử, chính phủ Indonesia đã không cắt giảm trợ cấp giá nhiên liệu trong nước để giảm chi tiêu của chính phủ và hạn chế nhập khẩu. Thay vào đó, chính phủ của Tổng thống Jokowi đã chỉ đạo cho công ty xăng dầu nhà nước Pertamina phải bán nhiên liệu cho người dân thấp hơn giá thị trường. 

Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến mức thâm hụt tài khoản vãng lai của Indonesia đứng ở mức 3,37% GDP trong năm 2018 và tính đến tháng 11/2018, mức đóng góp cho ngân sách nhà nước của ngành dầu khí Indonesia cũng bị thâm hụt 12,21 tỷ USD. Như vậy ngành dầu khí của Indonesia đã không có lãi và đã trở thành một ngành tạo ra thâm hụt ngân sách lớn nhất đối với nền kinh tế của Indonesia hiện nay.

Nhìn chung, năm 2018 là một năm khó khăn đối với nền kinh tế của Indonesia. Các nhà đầu tư phải sống trong một môi trường pháp lý không nhất quán, không hiệu quả, không minh bạch và hoàn toàn bất lợi. Mức tăng trưởng sản lượng chậm lại, không có các đơn đặt hàng mới và doanh số xuất khẩu hàng hóa của Indonesia liên tục giảm trong năm 2018. Đầu tư trực tiếp nước ngoài quý III/2018 giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước đó.

Các nhà phân tích cho rằng, hiện vẫn chưa rõ chính sách quản lý kinh tế của Indonesia sẽ như thế nào sau cuộc bầu cử  Quốc hội và Tổng thống vào tháng 4/2019. Tuy nhiên, chính phủ đương nhiệm của Tổng thống Jokowi có thể sẽ không tham gia các sáng kiến kinh tế mới trước khi kết thúc nhiệm kỳ vì hiện nay Tổng thống Jokowi đang rất thận trọng trong bối cảnh cuộc bầu cử ngày càng đến gần và các chiến dịch phản đối của đối thủ cạnh trang vẫn đang tiếp diễn. 

Gần đây nhất, một nỗ lực táo bạo của chính phủ Tổng thống Jokowi mở thêm 54 lĩnh vực đầu tư nước ngoài đã bị phe đối lập lợi dụng chỉ trích để giành lợi thế trước thềm bầu cử năm 2019. 

Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại Tự do Indonesia - Australia vẫn đang bị trì hoãn do các vấn đề liên quan đến chính trị hai nước mặc dù trước đó Hiệp định này được hai bên dự kiến ký kết vào tháng 12/2018. Do đó, nền kinh tế Indonesia vẫn không được hưởng lợi bởi các chuỗi giá trị quốc tế và tiếp tục duy trì mức phát triển tương đối thấp. 

Indonesia cũng không được hưởng lợi từ thay đổi chiến lược sử dụng lao động của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển có thể mang lại cho Indonesia một giai đoạn phát triển chững lại tạm thời. 

Mặc dù các nhà đầu tư trong lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ tài chính và kinh tế chia sẻ đang chú ý đến sức tiêu thụ hàng hoá lớn tại thị trường tiêu dùng Indonesia. Nhưng sự phát triển trong các ngành dịch vụ thâm dụng vốn sẽ không giải quyết được những trở ngại lớn cho sự phát triển của ngành sản xuất và nông nghiệp. 

Vì những điều này đặc biệt quan trọng đối với người dân Indonesia có kỹ năng lao động thấp. Do đó năm 2019 mọi hoạt động kinh tế của Indonesia sẽ vẫn như trước và không có bước đột phá./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục