Triển vọng về một mạng lưới kết nối thanh toán của Đông Nam Á

06:30' - 12/05/2025
BNEWS Việc nhanh chóng áp dụng thanh toán kỹ thuật số cũng sẽ góp phần thúc đẩy triển khai Dự án Nexus, một hệ thống thanh toán đa phương của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS).
Trong bối cảnh việc sử dụng công nghệ mã QR để chuyển khoản ngân hàng ngày càng phổ biến, Ngân hàng Trung ương Malaysia đang nỗ lực triển khai các biện pháp thanh toán xuyên biên giới, phối hợp với các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trả lời phỏng vấn báo giới, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia, Aznan Abdul Aziz cho biết, Malaysia và Campuchia vào đầu tháng Tư vừa qua đã triển khai giai đoạn II của hệ thống thanh toán QR xuyên biên giới giữa hai quốc gia. Các liên kết thanh toán với Ấn Độ và Philippines dự kiến sẽ được tiến hành vào cuối năm nay.

Trước đó, tại lễ công bố thông tin hợp tác thanh toán xuyên biên giới, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia Datuk Seri Abdul Rasheed Ghaffour khẳng định, Malaysia mong muốn thúc đẩy chương trình nghị sự về kết nối thanh toán khu vực trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN. Đây là sáng kiến phù hợp với xu thế khi khối lượng giao dịch thông qua QR của các nước ASEAN vào năm 2024 đã tăng gấp 5 lần so với năm 2023, đạt 5,2 triệu lượt. 

 
Hiện tại, có 4,5 triệu và 2,6 triệu điểm tiếp xúc thanh toán QR lần lượt tại Campuchia và Malaysia, với nhiều trong số đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Malaysia đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 50% khối lượng giao dịch thanh toán QR trong khu vực. 

Cụ thể, ông Aznan chia sẻ: “Chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng ít nhất là 50% vì nếu nhìn vào mức tăng trưởng của năm ngoái thì con số đó đã lên tới hơn 100%”. Mục tiêu này phù hợp với thỏa thuận Hợp tác kết nối thanh toán khu vực (RPC) được ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Bali (Indonesia) năm 2022.

Việc khu vực này nhanh chóng áp dụng thanh toán kỹ thuật số cũng sẽ góp phần thúc đẩy triển khai Dự án Nexus, một hệ thống thanh toán đa phương của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS). Dự án Nexus là hệ thống thanh toán tức thời (IPS) kết nối quốc tế, thay vì tạo các liên kết riêng cho từng quốc gia, các nhà điều hành IPS kết nối một lần với Nexus và có quyền truy cập vào tất cả các quốc gia khác trong mạng. Giao dịch trực tiếp đầu tiên theo Dự án Nexus dự kiến diễn ra vào năm 2027. 

Hệ thống hiện do Nexus Global Payments (NGP), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Singapore dẫn đầu. Nexus đã chuyển đổi từ sáng kiến do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế phụ trách sang một nền tảng độc lập được hỗ trợ bởi các quốc gia sáng lập, bao gồm Malaysia, Ấn Độ, Philippines, Singapore và Thái Lan.

Dự án Nexus hiện đã bước vào giai đoạn thứ tư, dự kiến sẽ kết nối liền mạch các hệ thống thanh toán tức thời (IPS) của 5 quốc gia. Trong thời gian tới, Malaysia mong muốn sẽ có thêm sự tham gia của nhiều quốc gia khác và hiện Campuchia đang bày tỏ sự quan tâm đến hệ thống thanh toán đa phương này.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là cần phải duy trì được sự hỗ trợ từ tất cả các bên liên quan, đặc biệt là từ các bên trong ngành, để đảm bảo dự án được hoàn thành đúng thời hạn. Do đó, dự án Nexus phải chứng minh được giá trị rõ ràng và lợi ích hữu hình cho ngành, các tổ chức tài chính và người dùng.

Một thách thức khác là vấn đề đảm bảo an ninh mạng. Dự án cần giải quyết được các nguy cơ liên quan đến gian lận, rửa tiền và an ninh mạng để bảo vệ niềm tin của người dùng. Tất cả những người tham gia sẽ cần phải tuân thủ các quy định quốc gia. Malaysia cam kết sẽ áp dụng các tiêu chuẩn quản lý rủi ro cao hơn, đặc biệt là trong các lĩnh vực như chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và lừa đảo. 

Ngoài ra, Malaysia đang nghiên cứu thành lập một nhóm công tác chung để phối hợp quản lý rủi ro về tài chính và công nghệ nhằm đảm bảo các rủi ro như gian lận, rửa tiền và tài trợ khủng bố có thể được giảm thiểu. Do tổ chức phụ trách là NGP có trụ sở tại Singapore, nên cơ quan giám sát chính sẽ là Ngân hàng Trung ương Singapore, chịu trách nhiệm phối hợp và điều phối với các cơ quan quản lý khác của các quốc gia tham gia. 

Malaysia cũng đang nỗ lực ứng dụng các công nghệ mới nổi bao gồm công nghệ blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI) và mã hóa vào lĩnh vực tài chính. Theo ông Aznan, ở hầu hết các quốc gia, bao gồm cả Malaysia, AI được sử dụng nhiều để quản lý rủi ro như giám sát rửa tiền, tài trợ khủng bố và gian lận. Tuy nhiên, việc sử dụng AI trong quản lý rủi ro tài chính vẫn còn hạn chế. Trong thời gian tới, Malaysia mong muốn AI sẽ giúp các tổ chức tài chính giảm thiểu các giao dịch bất hợp pháp.

Ngân hàng Trung ương Indonesia sẽ ban hành hướng dẫn về việc sử dụng AI trong các tổ chức tài chính vào nửa cuối năm nay. Theo đó, Malaysia sẽ tích cực hợp tác với Indonesia để chia sẻ lập trường để thống nhất về cách quản lý và cách tiếp cận trong lĩnh vực tài chính.

Ngoài ra, Malaysia cũng đang đánh giá tiềm năng của việc mã hóa, đặc biệt là trong các quy trình thanh toán. Dự kiến, Malaysia sẽ công bố một báo cáo về vấn đề này vào cuối năm nay. Các nền kinh tế khác như Singapore, Khu Hành chính Đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) và Thái Lan cũng đang thử nghiệm mã hóa trong lĩnh vực tài chính.

Cuối cùng, ông Aznan kết luận, quan hệ đối tác chặt chẽ giữa các ngân hàng trung ương và ngành công nghiệp sẽ là chìa khóa cho sự thành công, qua đó đưa ra được các biện pháp giải quyết hiệu quả các thách thức hiện nay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục