Đông Nam Á phòng ngừa rủi ro kinh kế

06:30' - 20/04/2025
BNEWS Trong bối cảnh thương mại toàn cầu bất ổn, các quốc gia Đông Nam Á đang tích cực tìm kiếm đối tác mới nhằm giảm thiểu rủi ro kinh tế.

Theo tờ Nikkei Shimbun, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đẩy mạnh các cuộc đàm phán thương mại với Liên minh châu Âu (EU), đồng thời có những bước đi để tăng cường kết nối với khu vực Trung Đông và Nam Á.

Thủ tướng Singapore Lawrence Wong, trong bài phát biểu ngày 16/4, nhấn mạnh: “Chúng ta phải tiếp tục tiến về phía trước để bảo đảm dòng chảy tự do của thương mại và đầu tư”. Ông Wong kêu gọi thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn giữa Singapore với ASEAN, EU và trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trước đó một ngày, Thủ tướng Wong đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen để thảo luận về khả năng tăng cường hợp tác giữa EU và CPTPP – hiệp định mà Malaysia và Việt Nam cũng là thành viên.

* ASEAN đẩy mạnh đàm phán FTA với EU

 

EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của ASEAN, sau thương mại nội khối, Trung Quốc và Mỹ. Trong bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện nay, EU nổi lên như một lựa chọn hàng đầu giúp ASEAN đa dạng hóa rủi ro và giảm phụ thuộc vào hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Singapore và Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với EU, trong khi các quốc gia khác đang tích cực xúc tiến đàm phán. Thái Lan và EU vừa hoàn tất vòng đàm phán FTA lần thứ năm vào đầu tháng 4/2025, với mục tiêu đạt được thỏa thuận cuối cùng trong năm nay. Malaysia cũng đã nối lại tiến trình đàm phán từ đầu năm và đang tăng tốc để sớm đi đến ký kết.

Không dừng lại ở đó, các nước ASEAN còn mở rộng hợp tác với những quốc gia châu Âu ngoài EU. Ví dụ, ngày 11/4, Malaysia đã ký FTA với Hiệp hội Mậu dịch Tự do châu Âu (EFTA), bao gồm Iceland, Na Uy, Thụy Sĩ và Liechtenstein.

* Tăng cường kết nối với Trung Đông và Nam Á

Để phân tán rủi ro, ASEAN đang đẩy mạnh thương mại nội khối và tìm cách tăng tỷ trọng thương mại với các khu vực ngoài Mỹ và Trung Quốc.

Ông Arsenio Balisacan, Giám đốc Cơ quan Phát triển Kinh tế Quốc gia Philippines nhấn mạnh: “Chúng ta không thể phụ thuộc quá mức vào bất kỳ quốc gia nào. Cần mở rộng hợp tác với EU, Trung Đông và Ấn Độ”.

Indonesia đang dẫn đầu xu hướng kết nối với Trung Đông. Từ ngày 9–15/4, Tổng thống Prabowo Subianto đã công du tới 5 quốc gia Trung Đông. Tại Ankara, ông Subianto đã gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Hai bên nhất trí nâng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD – gấp bốn lần so với năm 2024. Ở Cairo, các nhà lãnh đạo cũng đạt được thỏa thuận mở rộng thương mại giữa hai quốc gia.

Trong khi đó, Thái Lan đang hướng tới việc tăng cường hợp tác với Nam Á. Ngày 4/4, nước này chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh về Hợp tác Kỹ thuật và Kinh tế Đa ngành (BIMSTEC) – một cơ chế kết nối khu vực Vịnh Bengal giữa Đông Nam Á và Nam Á. Các quốc gia tham dự nhất trí đẩy mạnh phát triển mạng lưới vận tải hàng hải khu vực. Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tuyên bố: “Việc xây dựng mạng lưới vận tải hàng hải sẽ tăng cường khả năng kết nối giữa Nam Á và Đông Nam Á”.

Ông Nazir Razak, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN, khuyến nghị: “Đa dạng hóa thị trường và đẩy mạnh thương mại nội khối sẽ giúp khu vực ứng phó hiệu quả hơn trước biến động toàn cầu”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục