Trình độ quản trị của các doanh nghiệp lớn Việt Nam vẫn ở mức rất thấp

17:40' - 27/09/2022
BNEWS So sánh với các quốc gia như Singapore, Phillipines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, trình độ quản trị của các doanh nghiệp lớn Việt Nam vẫn ở mức rất thấp.

Ngày 27/9 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tọa đàm "Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Sự kiện thu hút mối quan tâm của đại diện các bộ, ngành, các viện nghiên cứu, các hiệp hội và rất đông cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tới tham dự.

Khai mạc sự kiện, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, sự kiện được tổ chức nhằm đánh giá và khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

 

Lần đầu tiên, cụm từ “doanh nhân” được xuất hiện trong Hiến pháp năm 2013. Các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII và XIII và nhiều Nghị quyết, văn bản của Đảng cũng đã xác định đội ngũ doanh nhân có vai trò quan trọng, là lực lượng chủ lực, động lực, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, ổn định đời sống của nhân dân.

Nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về tạo lập môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân đã được ban hành và thực thi, tạo điều kiện thuận lợi, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động.

Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp phát triển, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng chính thức được nhấn mạnh như một nhiệm vụ kinh tế nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển của Việt Nam trở thành quốc gia giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc. Nghị quyết 09-NQ/TW đã đề ra quan điểm là “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế”.

Điều này cho thấy Đảng đã nhận thức và đánh giá đúng vai trò của đội ngũ doanh nhân trong việc thực hiện mục tiêu  xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay. 

Nhờ những nỗ lực ấy mà đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đã ngày càng phát triển. Cuối năm 2021, Việt Nam đã có gần 860 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 15,3 nghìn hợp tác xã phi nông nghiệp và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh.

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã lên đến hàng triệu người. Việt Nam cũng đã có 6 doanh nhân lọt vào TOP "tỷ phú USD" toàn cầu năm 2021 và đã có 124 doanh nghiệp với 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia. Một số thương hiệu gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới như Viettel, Vinamilk, VinFast, Thaco, TH True Milk, gạo ST25...

Tuy nhiên, ở góc độ khác, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt như kỳ vọng. Phát triển doanh nghiệp về số lượng chưa đạt mục tiêu đề ra và con số 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025 vẫn là thách thức lớn. Bên cạnh đó, chất lượng doanh nghiệp, doanh nhân và năng lực doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu còn hạn chế, vẫn chưa tận dụng được hết các cơ hội mang lại từ các hiệp định FTA mà Việt Nam đang tham gia. Thêm vào đó, vẫn còn tình trạng một số doanh nhân vi phạm đạo đức, văn hoá truyền thống và cả quy định pháp luật.

Từ thực tế ấy, đặt ra vấn đề cần xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam không chỉ có tài mà cần có cả đạo đức và văn hóa kinh doanh, như vậy mới góp phần đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao, như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tiến sĩ Bùi Thu Thủy cho biết, cả nước hiện có khoảng 878.600 doanh nghiệp đang hoạt động; trong đó 97,2% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặc dù được xếp hạng là doanh nghiệp lớn, nhưng quy mô trung bình của các doanh nghiệp lớn ở khu vực tư nhân của Việt Nam cũng nhỏ bé hơn rất nhiều so với mức trung bình tại các quốc gia trong khu vực ASEAN.

Thị trường chứng khoán Việt Nam là nơi tập trung những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất với số lượng doanh nghiệp niêm yết khá lớn so với các sàn chứng khoán khác trong khu vực.

Theo số liệu mới cập nhật thì dù thị trường chứng khoán Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tốt thì vốn hóa trung bình của các doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh cũng mới tăng lên 266 tỷ USD, cả thị trường có 23 doanh nghiệp vốn hóa trên 1 tỷ USD, vẫn còn kém xa so với các nước trong khu vực.

So sánh với các quốc gia như Singapore, Phillipines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, trình độ quản trị của các doanh nghiệp lớn Việt Nam vẫn ở mức rất thấp, chỉ bằng một nửa so với nước có điểm số quản trị doanh nghiệp cao nhất trong khu vực là Thái Lan. Điều này có lẽ lý giải phần nào khả năng lớn mạnh và vươn tầm khu vực, thế giới của các doanh nghiệp lớn tại những nước này vẫn cao hơn hẳn so với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam.

Theo đánh giá, doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế trong các vấn đề về quản trị rủi ro; công bố, minh bạch thông tin; hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát. Chưa kể, các thông lệ quản trị doanh nghiệp tốt trong thời gian gần đây đã bổ sung thêm việc đánh giá chính sách bảo vệ môi trường trong thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là một tiêu chí còn rất mới mẻ đối với phần đông các doanh nghiệp Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong tiến trình xây dựng nền kinh tế độc lập - tự chủ gắn với hội nhập thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế, nhất là tăng trưởng kinh tế, giảm đói nghèo. Cơ cấu các ngành hàng cũng ngày càng đa dạng, năng lực sản xuất ngày càng được tăng cường. Khu vực doanh nghiệp tư nhân nhìn chung lớn mạnh, với sự hình thành các tập đoàn lớn có tầm vóc quốc tế, khu vực. Năng lực chống chịu, hấp thu và ứng phó khá tốt các cú sốc gần đây, nhất là đại dịch COVID-19, chiến sự Nga-Ucraine.

Quá trình hội nhập về thương mại, đầu tư, tài chính cũng khá nhanh, nhất là về thương mại có độ mở lớn nhất trong các nền kinh tế trên 10 triệu dân; trong khi không kéo theo bất ổn kinh tế. Việt Nam còn duy trì trong thời gian dài ổn định vĩ mô, an ninh tài chính, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo nhìn chung được cải thiện.

Trong bối cảnh hiện nay, theo ông Sang, để nắm bắt được các cơ hội, đối phó được những thách thức và là một mắt xích, doanh nghiệp cần sớm chủ động và tích cực hơn trong việc nâng cao năng lực bản thân, gia tăng sức cạnh tranh; không chủ quan, thụ động và tránh “nước đến chân rồi mới nhảy”.

Từng doanh nghiệp cần xác định rõ lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của mình, tìm hiểu kỹ các đối thủ tiềm năng; nhận dạng đúng các cơ hội, rủi ro/thách thức, lịch trình cắt giảm thuế quan theo FTA, xu thế công nghệ và quản lý/quản trị doanh nghiệp, rủi ro…

  Doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu trong ngành công nghiệp hỗ trợ hoặc có chiến lược tham gia cần xác định rõ các điều kiện phát triển hữu hiệu từng ngành đặc thù đang hoạt động để có chiến lược đầu tư, liên kết kinh doanh phù hợp.

Doanh nghiệp cũng nên xem xét thay đổi phương thức quản lý, quản trị; có chiến lược phát triển thương hiệu, chủ động đăng ký và quản trị nhãn hiệu sản phẩm để được bảo hộ về pháp lý; nâng cao khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trong các khâu: thiết kế sản phẩm, phân phối sản phẩm; hỗ trợ phát triển nghiên cứu và đào tạo...

Để khắc phục hạn chế về quy mô nhỏ và nguồn vốn hạn hẹp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên “lột xác” để thu hút nguồn vốn bên ngoài; đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp khác. Cùng với đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn và lưu tâm tìm hiểu sâu hơn các quy định về quy tắc xuất xứ; sở hữu trí tuệ; thủ tục hành chính - hải quan, nhất là các cam kết theo từng hiệp định thương mại tự do.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục