Trợ lực cho doanh nghiệp

14:17' - 29/06/2022
BNEWS Ngành công thương đang tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm nhằm tạo điều kiện hỗ trợ sản xuất kinh doanh
Mặc dù sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm tiếp tục có sự khởi sắc ở nhiều ngành, nghề, song nhận định của Bộ Công Thương cho thấy, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn hiện hữu và giá cả nhiều nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất dự báo tiếp tục tăng cao. Doanh nghiệp đang trông chờ sự trợ lực kịp thời từ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế để bứt tốc trong thời gian tới.

*Khôi phục ở hầu hết các ngành

Theo Tổng cục Thống kê, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 ước tính tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp tăng 9,66%, đóng góp 2,58 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước của một số ngành trọng điểm tăng cao. Cụ thể, sản xuất trang phục tăng 23,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 22,2%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 13,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 11,4%; khai thác quặng kim loại, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học cùng tăng 11,2%.

Đánh giá của Vụ Kế hoạch - Bộ Công Thương cho thấy, sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm 2022 tiếp tục được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Tuy nhiên, do giá cả tăng cao cùng việc khan hiếm nguyên vật liệu đã khiến một số ngành sản xuất gặp khó.

Theo thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát, trong 5 tháng đầu năm, tập đoàn này đã sản xuất 780.000 tấn thép thô, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lượng bán hàng phôi thép, thép xây dựng và thép cuộn cán nóng đạt 660.000 tấn, tăng 10% so với tháng 5/2021. Riêng thép xây dựng đạt 393.000 tấn, tăng 32% so với tháng trước và 21% so với cùng kỳ 2021.

Tuy vậy, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cho rằng, hoạt động ngành thép năm 2022 có nhiều khó khăn, dự kiến lợi nhuận năm 2022 đạt mức từ 25.000 - 30.000 tỷ đồng, thấp hơn mức lợi nhuận 34.521 tỷ đồng của năm ngoái. Nguyên nhân được ông Long đưa ra là do giá nguyên vật liệu trên thế giới tăng mạnh, xung đột Nga - Ukraine diễn biến phức tạp khiến cho giá than luyện coke tăng 100 - 200 USD/tấn. Bên cạnh đó, Trung Quốc áp dụng chính sách Zero COVID đã khiến cho nhu cầu thép và sản xuất thép giảm.

Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) nhận định chính sách này của Trung Quốc đang là nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp bởi sẽ khiến đứt gãy chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, với chi phí sản xuất tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào, giá xăng tăng khiến sản xuất của doanh nghiệp vẫn chưa thể thực sự bứt lên sau thời gian khôi phục sản xuất. Trong khi đó, giá bán sản phẩm không thể tăng theo do các đơn hàng đã được ký kết từ trước với phía đối tác. Sản xuất của doanh nghiệp vẫn phải duy trì, nhưng nếu giá đầu vào tăng quá cao, nếu không tính toán kỹ, doanh nghiệp càng làm càng lỗ, ông Long cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam cũng cho rằng, thời gian qua, giá vận tải, kho bãi, giá nguyên vật liệu đầu vào, xăng dầu đều tăng cao đẩy chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng đã làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

*Sớm hỗ trợ doanh nghiệp

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song nhận định của Bộ Công Thương cho thấy, hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu thời gian tới được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc.

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, sự phục hồi của kinh tế thế giới và việc triển khai các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) của Việt Nam được thực thi một cách đầy đủ với thuế quan ưu đãi hơn cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản; cùng đó là làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp sẽ là động lực mới cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu.

Các gói phục hồi kinh tế với các chính sách hỗ trợ bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí…, đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Theo ông Đào Phan Long, Chính phủ đã có các chương trình hỗ trợ hàng trăm nghìn tỷ đồng bao gồm cả chương trình hỗ trợ lãi suất cho  doanh nghiệp phục hồi. Nhưng ngoài việc giảm tiền điện được ngành điện thực hiện rất tốt, thì hầu hết các gói hỗ trợ khác thực tế đến tay doanh nghiệp còn chậm, thậm chí gặp nhiều rào cản.

“Quan trọng nhất là các giải pháp, chương trình hỗ trợ lãi suất cần được triển khai nhanh chóng hơn. Bởi thực tế hiện nay, sau những khó khăn do COVID-19 gây ra, cộng đồng doanh nghiệp đang rất “chật vật” để tồn tại trước thiếu hụt nguồn cung hàng, chi phí đầu vào gia tăng trong khi đó lại chưa thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để vực dậy hoạt động”, ông Long nói.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong những tháng cuối năm, ngành công thương sẽ tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp.

Trong những năm qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của 2 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam để hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh, nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ sẽ tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn; trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển. Điều này sẽ thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục