Thị trường kim loại công nghiệp có thể chống chọi với nguy cơ suy thoái kinh tế

11:23' - 29/06/2022
BNEWS Các chiến lược gia của Morgan Stanley nhận định tâm lý lo ngại về nguy cơ sắp xảy ra một cuộc suy thoái toàn cầu đang "tàn phá" thị trường kim loại công nghiệp.

Các chiến lược gia thuộc công ty dịch vụ tài chính và quản lý đầu tư Morgan Stanley nhận định tâm lý lo ngại về nguy cơ sắp xảy ra một cuộc suy thoái toàn cầu đang "tàn phá" thị trường kim loại công nghiệp, nhưng lĩnh vực này đã chuẩn bị tốt hơn so với trước đây để chống chọi với kịch bản suy thoái kéo dài.

Giá nickel, thiếc, kẽm, than luyện kim và đồng đều giảm trong tuần trước và đang được giao dịch cách xa mức đỉnh từng đạt được. Đồng giảm giá tới 25% so với mức cao nhất mọi thời đại là 5,02 USD/pound (1 pound = 0,454 kg) đạt được vào tháng 3/2022. Thiếc đã mất 44% giá trị trong cùng khung thời gian và đứng ở mức 26.985 USD/tấn.

Giá cổ phiếu của các công ty khai thác kim loại cơ bản lớn nhất của Canada, như Teck Resources Ltd., Ivanhoe Mines Ltd., First Quantum Minerals Ltd., Lundin Mining Corp. và HudBay Minerals Inc., cũng đã giảm trong vài tuần qua.

Các chiến lược gia về hàng hóa của TD Securities Inc. nhận định rằng “sự suy giảm sắp xảy ra” trong sức tăng trưởng toàn cầu đang làm trầm trọng thêm tình trạng đi xuống trên thị trường kim loại.

Trong vài tháng qua, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã mạnh tay tăng lãi suất. Đáng chú ý, trong tháng 6/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có một bước đi hết sức bất thường khi nâng lãi suất chủ chốt thêm 75 điểm cơ bản. Nhưng cho đến nay, biện pháp tăng lãi suất vẫn chưa thành công trong việc kiềm chế lạm phát.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Canada đã tăng 7,7% trong tháng 5/2022, mức cao nhất kể từ năm 1983, sau khi Ngân hàng trung ương Canada (BoC) đã ba lần nâng lãi suất trong năm nay. Lạm phát đã làm tổn hại đến lợi nhuận của các công ty khai thác kim loại, ngay cả trước khi việc tăng lãi suất bắt đầu, với chi phí tăng lên đối với các nguyên liệu đầu vào như dầu diesel, chất nổ,...

Thị trường kim loại cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự suy giảm kéo dài của nền kinh tế Trung Quốc, khi cường quốc này tiếp tục theo đuổi chính sách Zero-COVID, dẫn đến việc tiếp tục phong tỏa một số khu vực, làm hạn chế sản lượng của các nhà máy.

Morgan Stanley đã nghiên cứu các cuộc suy thoái trong 50 năm qua, và kết luận rằng ngành kim loại công nghiệp đang ở vị thế tốt hơn nhiều (so với trước đây) để ứng phó với nguy cơ kinh tế bất ổn. Ví dụ, ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, tổng nợ của các công ty khai thác mỏ lớn trên thế giới lên đến 128 tỷ USD. Trong khi đó, tính đến cuối năm 2021, ngành này chỉ gánh khoản nợ 52 tỷ USD./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục