Trộm cắp trên máy bay: Cảnh sát bắt giữ nhiều đối tượng

08:51' - 09/01/2025
BNEWS Ngày 8/1, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho biết, đơn vị này đã phát hiện và bắt giữ nhiều đối tượng người nước ngoài có hành vi trộm cắp tài sản của hành khách trên một số chuyến bay.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị hàng không bắt 3 đối tượng người nước ngoài trộm cắp tài sản của hành khách trên tàu bay của hãng hàng không Việt Nam, trị giá tài sản là 113 triệu đồng; trục xuất 1 đối tượng nghi vấn.
 

Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã tích cực điều tra, xác minh, củng cố chứng cứ và báo cáo lãnh đạo Bộ Công an khởi tố 2 vụ án và chuyển vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.

Vụ thứ nhất, ngày 23/12/2024, trên chuyến bay VJ1633 bay từ thành phố Đà Nẵng đến Thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng An ninh trên không, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã phát hiện, bắt giữ các đối tượng người nước ngoài trộm cắp tài sản của hành khách trên tàu bay. Đối tượng người nước ngoài Han Qiang (sinh ngày 14/1/1974) đã có hành vi lén lút lục soát và lấy trộm tiền trên hộc đựng hành lý xách tay của một hành khách người Việt Nam (Vũ Trọng T, sinh năm 1998; trú tại Hà Nội). Tài sản trộm cắp được phát hiện trong người đối tượng Han Qiang trị giá khoảng 60 triệu đồng.

Đối tượng người nước ngoài khác là Chen Heping (sinh ngày 1/10/1982) đã lén lút lục soát và lấy trộm tiền trên hộc đựng hành lý xách tay của một hành khách quốc tịch Romania. Tài sản bị chiếm đoạt trị giá khoảng 10 triệu đồng.

Căn cứ kết quả điều tra, xác minh tài liệu, chứng cứ thu thập, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã trao đổi đơn vị nghiệp vụ liên quan và cơ quan tố tụng xác định vụ việc có dấu hiệu của tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại điều 173 Bộ luật Hình sự. Ngày 25/12/2024, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Trộm cắp tài sản” xảy ra trên chuyến bay VJ1633 chặng bay Đà Nẵng – Thành phố Hồ Chí Minh và chuyển vụ án đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh để điều tra theo thẩm quyền.

Vụ thứ hai, ngày 24/12/2024, trên chuyến bay VJ1630, chặng bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng (tàu bay chưa cất cánh, đang làm thủ tục cho hành khách lên tàu bay), lực lượng An ninh trên không, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã phát hiện, bắt giữ các đối tượng người nước ngoài trộm cắp tài sản của hành khách trên tàu bay.

Đối tượng người nước ngoài là Chen GuangDong (sinh ngày 15/2/1971) đã có hành vi trộm cắp tài sản của hành khách Trần Ngọc S. (sinh năm 1996, trú tại tỉnh Hải Dương). Tài sản trộm cắp được phát hiện trong người đối tượng Chen GuangDong gồm: 15 tờ tiền USD, mệnh giá 100 USD/tờ và 10 tờ tiền Việt Nam, mệnh giá 500.000 đồng/tờ (tương đương khoảng 43 triệu đồng). Căn cứ kết quả điều tra, xác minh, tài liệu, chứng cứ thu thập được xác định vụ việc có dấu hiệu của tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại điều 173 Bộ luật Hình sự. Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã khởi tố vụ án, chuyển vụ án đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh để điều tra theo thẩm quyền.

Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho biết: Đây là loại tội phạm mới, lần đầu tiên Cục Quản lý xuất nhập cảnh khởi tố và xử lý hình sự đối với loại tội phạm này.

Qua thống kê sơ bộ từ các Cảng hàng không quốc tế, từ đầu năm 2024 đến tháng 10/2024, đã xảy ra 30 vụ/33 đối tượng là người nước ngoài có hành vi trộm cắp trên tàu bay đến đi từ các Cảng hàng không quốc tế của Việt Nam (Tân Sơn Nhất 22 vụ/25 đối tượng; Đà Nẵng 8 vụ/8 đối tượng). Hoạt động trộm cắp trên tàu bay của các đối tượng là người nước ngoài có xu hướng gia tăng số vụ vi phạm, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của hành khách, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng uy tín các hãng hàng không và uy tín Việt Nam.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã triển khai các biện pháp, rà soát, phát hiện hàng trăm đối tượng người nước ngoài có các dấu hiệu nghi vấn hoạt động trộm cắp trên tàu bay; phạm vi hoạt động không chỉ tập trung trên các tuyến bay đến/đi Việt Nam mà cả các nước trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á. Thủ đoạn hoạt động phạm tội của số đối tượng này rất tinh vi, chia thành các nhóm trên các tuyến bay, phân công nhiệm vụ rõ ràng, có đối tượng lấy tài sản, đối tượng cất giấu tài sản. Các đối tượng thường xuyên nhập, xuất cảnh Việt Nam với tần suất dày đặc (lên tới hàng trăm lượt/1 năm, xuất và nhập cảnh trong 1-2 ngày); thay đổi chặng bay, hãng bay liên tục; nhiều trường hợp nhập cảnh Tân Sơn Nhất, sau đó bay tuyến nội địa đến Đà Nẵng, Hà Nội, Cam Ranh, Phú Quốc rồi xuất cảnh đi nước khác; đặt vé sát ngày bay, không có hành lý ký gửi; chọn vị trí ghế ngồi thuận lợi để thực hiện hành vi vi phạm. Một số trường hợp mua vé hạng thương gia để trộm cắp tài sản có giá trị cao trong hành lý xách tay và lợi dụng chế độ ưu tiên để lấy hành lý ký gửi của hành khách khác.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục