Trung Quốc: Biến chuyển trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Phần 2)

06:30' - 03/02/2018
BNEWS Việc Trung Quốc bắt tay vào nhiệm vụ được cho là khó khăn nhất là quyền sở hữu trí tuệ, đã cho thấy những chuyển biến tích cực.
Nhà máy lắp ráp ô tô ở tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Hướng dẫn mới liên quan đến xét xử các vụ kiện sở hữu trí tuệ là cơ sở xác định tiền bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng các vụ kiện sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc không đáng giá, vì khoản bồi thường thiệt hại quá nhỏ.
Một tính toán cho thấy, người chiến thắng trong một vụ kiện về sở hữu trí tuệ nhận được khoảng 36% thiệt hại, với mức thiệt hại trung bình khoảng 80.000 NDT (12.400 USD), trong khi lệ phí pháp lý từ 10.000 đến 30.000 NDT (1.550 USD đến 4.650 USD).
Tháng 7/2017 tại Hội nghị công tác tài chính quốc gia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố nước này "phải tăng cường nỗ lực để trừng phạt vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và buộc những người vi phạm phải trả giá đắt".
Tuyên bố trên của ông Tập được thực hiện thông qua việc xem xét thay đổi luật sáng chế lần thứ tư. Các mức thiệt hại theo luật định sẽ tăng lên từ 10.000 NDT lên 1 triệu NDT (1.550 USD đến 155.000 USD), và từ 100.000 NDT đến 5 triệu NDT (155.000 USD đến 775.000 USD).
Thực hiện tuyên bố của lãnh đạo tối cao Trung Quốc, tòa án nước này đã nỗ lực nâng mức thiệt hại để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Năm 2016, tòa án sở hữu trí tuệ Bắc Kinh đã xử phần thắng cho nguyên đơn Watchdata System Co., Ltd và ra lệnh cho công ty Hengbao phải bồi thường 49 triệu NDT do vi phạm một bằng sáng chế, cùng chi phí pháp lý 1 triệu NDT (tổng cộng khoảng 7,2 triệu USD).
Tiếp theo chiến thắng mang tính bước ngoặt về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc là vụ kiện của New Balance đối với ba nhà sản xuất giày nước này. Ba nhà sản xuất giày Trung Quốc đã phải trả cho New Balance 10 triệu NDT (khoảng 1,5 triệu USD), đối với hành vi sao chép biểu tượng New Balance.
Ngoài ra, một phán quyết vi phạm bản quyền điển hình khác là việc tòa án ra quyết định yêu cầu công ty công nghệ Baofeng trả hơn 6 triệu NDT (930.000 USD) cho Tencentfor, do phát sóng 6 tập của “The Voice of China” mà chưa có bản quyền.
Những trường hợp này cho thấy xu hướng chung là tăng mức bồi thường đối với các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Thực tế, thiệt hại trung bình một vi phạm bằng sáng chế tại Bắc Kinh đã được tòa án tăng hơn ba lần, từ mức 450.000 NDT (70.000 USD) vào năm 2015, lên mức 1,4 triệu USD trong năm 2016.
Hiện tại, các vi phạm đang được đánh giá mức thiệt hại trung bình khoảng 1,7 triệu NDT (263.500 USD), tương ứng với tiền bồi thường khoảng 458.000 NDT (71.000 USD).
Cuối cùng, một loạt tổn thất đối với doanh nghiệp Trung Quốc tại thị trường nước ngoài trong các trường hợp vi phạm bằng sáng chế của các tập đoàn lớn như Apple, Samsung, Sony và Dell đã thuyết phục các nhà lập pháp Trung Quốc xét lại một cách công bằng các vụ kiện giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Trên thực tế, các công ty nước ngoài chỉ được đối xử công bằng khi đối đầu trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ với doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc.

Một nghiên cứu được tiến hành năm 2016 đã chỉ ra từ năm 2006 đến năm 2011, các công ty nước ngoài đã giành chiến thắng hơn 70% các vụ kiện vi phạm bằng sáng chế đối với doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc.
Hiện nay, tỷ lệ giành chiến thắng đã tăng lên khoảng 80%. Con số trên đã giúp Trung Quốc trở thành nơi mà các công ty nước ngoài lựa chọn tiến hành các vụ kiện trong tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ.
Về chính sách, tháng 12/2017, Trung Quốc đã hoàn thành một chiến dịch ở phạm vi toàn quốc kéo dài bốn tháng dưới sự phối hợp của 12 cơ quan thuộc chính phủ nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các công ty nước ngoài.
Chiến dịch được kỳ vọng sẽ giúp các cơ quan thi hành quyền sở hữu trí tuệ tăng cường hợp tác, tạo ra môi trường lành mạnh cho nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời ngăn chặn các vi phạm trong tương lai.
Mặc dù một số lập luận cho rằng trở ngại chính trị vẫn là rào cản đối với việc cải thiện môi trường pháp lý tại Trung Quốc. Song việc nước này bắt tay vào nhiệm vụ được cho là khó khăn nhất là quyền sở hữu trí tuệ, đã cho thấy những biến chuyển.
Những thay đổi này không chỉ nằm trong việc sửa đổi luật quy định về sở hữu trí tuệ theo hướng mở rộng các biện pháp hành chính hỗ trợ, thu thập chứng cứ, tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm, Trung Quốc còn thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế việc bảo hộ trong nước và kỳ thị đối với doanh nghiệp nước ngoài.
Trong khi hệ thống quy định liên quan bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chưa hoàn chỉnh, tác động cải thiện của Trung Quốc vẫn chưa được hiểu đầy đủ, những thay đổi trên được đánh giá là đại diện cho một xu hướng tích cực của môi trường thương mại đối với nền kinh tế thứ hai thế giới.
Nếu các doanh nghiệp nước ngoài bỏ qua sự tiến bộ này tại Trung Quốc, họ có thể lỡ cơ hội kinh doanh tại đây.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục